Đà Nẵng huy động 70 cảnh sát, công an đột kích hang ổ “bà trùm” ma túy

Chủ nhật, 19/03/2023 20:56
(ĐCSVN) - Trong ngày 19/3, bản tin trong nước và thế giới có những tin đáng chú ý như sau: Miền Bắc nắng nóng đợt đầu tiên trong năm, cao nhất trên 36 độ; Nhiều người ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua; Đà Nẵng huy động 70 cảnh sát, công an đột kích hang ổ “bà trùm” ma túy; Triều Tiên vừa phóng thêm tên lửa đạn đạo tầm ngắn; Nắng nóng khiến hàng triệu xác cá chết gây tắc nghẽn con sông ở Úc…

Miền Bắc nắng nóng đợt đầu tiên trong năm, cao nhất trên 36 độ

Miền Bắc sắp bước vào đợt nắng nóng khá gay gắt. (Ảnh minh họa: Phạm Hải)

Các khu vực vùng núi phía Tây từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sắp có nắng nóng. Tiếp đó, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ.

Ngày 19/3, tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng gió phơn nên từ ngày 21/3 ở vùng núi phía Tây khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra nắng nóng.

Tiếp đó, từ 22-24/3, khu vực này sẽ nắng nóng diện rộng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ có nơi trên 37 độ.

Cùng thời gian này, từ Đà Nẵng đến Phú Yên và khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Riêng thời tiết Hà Nội, dự báo ngày 21/3 nhiệt độ cao nhất khoảng 32 độ, sang 22-23/3 nền nhiệt tăng ở mức 35 độ.

Đối với khu vực miền Đông Nam Bộ, tiếp tục xảy ra nắng nóng, nhiệt độ cao nhất trong ngày 35-36 độ, có nơi trên 36 độ.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. 

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nhận định, mùa hè năm nay đến sớm và gay gắt hơn so với năm 2022. Thời kỳ nửa cuối tháng 3 có khả năng nắng nóng cục bộ ở miền Bắc, miền Trung, sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng phạm vi vào tháng 4-5.

Nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước trong tháng 4 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ, riêng khu vực Tây Nguyên - Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ. Từ tháng 5-6, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn khoảng 0,5 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Theo cơ quan khí tượng, tháng 7-8/2023 nắng nóng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc và Trung Bộ, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm trước.

Nhiều người ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua

Các bệnh nhân ngộ độc đang thở máy. (Ảnh: BNCC). 

Sau liên tiếp 2 vụ ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn chế biến liên quan món cá chép ủ chua, không sử dụng các thực vật lạ…

Sáng 19/3, ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành y tế tỉnh đang phối hợp các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau ăn cá chép muối ủ chua.

Theo ông Mười, sau khi nhận đề nghị hỗ trợ từ ngành y tế tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam. Trong đó có TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới; BS CK2 Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU); dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc (khoa Dược).

Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum còn lại (rất quý hiếm) của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (đóng tại H.Đại Lộc, Quảng Nam) hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân.

Trước đó, khoảng 12 giờ 16/3, nhóm 5 người ăn trưa tại rẫy keo của gia đình anh H.V.Đ (29 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Kim, H.Phước Sơn, Quảng Nam).

Các món ăn gồm cá chép làm chua, chim nướng, cơm. Đến 19 giờ cùng ngày (16/3), người đầu tiên trong 5 người ăn có triệu chứng đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Sau đó, 3 người khác cũng mắc triệu chứng tương tự. Trong 5 người cùng ăn trưa, 1 người không ăn món cá làm chua thì không bị ngộ độc.

Các bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam cấp cứu. Sau khi chẩn đoán và làm các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận định các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.

Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm an toàn viện sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm.

Trước đó, sáng 7/3, bà Hồ Thị Nhương làm mâm lễ cúng đâm trâu với lý do trong nhà có người bệnh nặng, sau đó ăn tiệc. Có 11 người tham dự, bữa ăn gồm các món: thịt heo kho cá khô, món truyền thống cá chua (làm từ cá chép), canh cải nấu bí đỏ, mít xào và cơm.

Đến 13 giờ cùng ngày, 4 người dự bữa tiệc gồm chị Nguyễn Thị Thông (40 tuổi), anh Hồ Văn Tý (28 tuổi), chị Trương Thị Thương (41 tuổi) và chị Hồ Thị Điệp (27 tuổi, đều ở xã Phước Đức) được đưa đến Trung tâm y tế H.Phước Sơn cấp cứu trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân, khó thở, mắt mờ…

Sau đó, các bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 13/3, chị Nguyễn Thị Thông tử vong tại bệnh viện.

7 người còn lại liên quan đến bữa tiệc chung của gia đình bà Hồ Thị Nhương lại không có triệu chứng gì sau khi ăn.

Ông Mai Văn Mười cho biết, liên quan đến vụ ngộ độc khiến 1 người tử vong, 3 người nguy kịch này, Viện Pasteur Nha Trang đã có thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu thức ăn liên quan vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo đó, Viện Pasteur Nha Trang tiếp nhận một mẫu thức ăn là món cá chép làm chua trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 7/3. Trung tâm An toàn thực phẩm khu vực miền Trung – Viện Pasteur Nha Trang đã kiểm nghiệm tác nhân nghi ngờ. Qua đó xác định, mẫu món cá chép làm chua dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.

Cũng theo ông Mười, cùng với việc truy tìm nguyên nhân, ngành y tế Quảng Nam cũng phát đi khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.

Ngoài ra, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây, củ, quả rừng lạ, côn trùng; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương, không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…

Đà Nẵng huy động 70 cảnh sát, công an đột kích hang ổ “bà trùm” ma túy

Ngày 19/3, Công an Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) tạm giữ hình sự 8 nghi phạm liên quan đường dây ma túy gồm: "bà trùm" Trần Thị Thanh (60 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Trinh (41 tuổi), Huỳnh Tấn Lực (42 tuổi), Mai Thị Nở (47 tuổi, cùng ngụ ở đường Ông Ích Khiêm, cùng P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu) cùng hành vi mua bán trái phép ma túy.

"Bà trùm" Trần Thị Thanh và con trai Phúc "lì" cùng tang vật. Ảnh: Nguyễn Tú  


4 nghi phạm còn lại gồm: Võ Quang Sự (28 tuổi, ngụ xã Tiên Hà, H.Tiên Phước), Nguyễn Anh Tuấn (32 tuổi, ngụ xã Quế Xuân 2, H.Quế Sơn, cùng tỉnh Quảng Nam), Trần Thiện Bình (49 tuổi, ngụ P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu) và Nguyễn Đăng Khoa (33 tuổi, ngụ P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) bị tạm giữ về hành vi tàng trữ trái phép ma túy.

Theo Công an Q.Hải Châu, đây là tụ điểm ma túy phức tạp trên địa bàn Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Cầm đầu đường dây này là "bà trùm" Trần Thị Thanh. Sào huyệt ma túy nằm trong kiệt nhỏ, chia làm nhiều nhánh thông ra kiệt 82 Nguyễn Văn Linh, kiệt 79 và kiệt 105 Nguyễn Hoàng với nhiều đường nhánh phức tạp. Những đối tượng trong đường dây này ở sát nhà nhau, có quan hệ họ hàng, xóm giềng nên rất gắn bó, trung thành và phân công nhiệm vụ cảnh giới từ xa, ngay từ đầu kiệt, hẻm.

"Các nghi phạm cải tạo cửa nhà như lô cốt chắc chắn, người bên ngoài rất khó đột kích, phá cửa, chỉ chừa một khe nhỏ để nhận tiền trước và ném ma túy ra ngoài hoặc giấu ở địa điểm bí mật trong kiệt, không giao dịch trực tiếp. Lực lượng công an theo dõi từ lâu nhưng trước đó chưa tìm được thời điểm thích hợp để triệt xóa", một trinh sát cho biết.

Sau thời gian triển khai, Công an Q.Hải Châu quyết định phá án vào sáng 18/3 với 70 cán bộ, chiến sĩ Đội CSĐT tội phạm về ma túy cùng công an 3 phường Hải Châu 2, Phước Ninh, Nam Dương đột kích hang ổ "bà trùm" ma túy Trần Thị Thanh.

Phát hiện một số con nghiện vào kiệt để mua ma túy, lực lượng trinh sát đã khống chế khi trở ra cùng tang vật; đồng thời lập tức phá khóa, phá cửa đột kích 4 ngôi nhà của Thanh và đồng bọn.

Tại đây, lực lượng công an nhanh chóng khống chế, bắt giữ Thanh, Trinh, Lực, Nở; khám xét khẩn cấp các căn nhà, thu giữ hơn 100 tép heroin, bắt giữ Sự, Tuấn, Bình và Khoa tàng trữ ma túy.

Riêng con của "bà trùm" Trần Thị Thanh là Phan Tuấn Phúc (biệt danh Phúc "lì", 40 tuổi) đã nhảy lầu từ tầng 2 ngôi nhà, qua mái tôn của nhà cấp 4 kế cận và tẩu thoát. Hiện Công an Q.Hải Châu tiếp tục mở rộng điều tra chuyên án.

Triều Tiên vừa phóng thêm tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Quân đội Hàn Quốc tuyên bố hôm nay (19/3), Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn về bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên.

Vụ phóng ICBM Hwasong-17 của Triều Tiên. (Ảnh: KCNA) 

Yonhap đưa tin, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo vụ phóng được thực hiện từ khu vực Tongchang-ri ở bờ biển phía tây Triều Tiên vào lúc 11h05 (giờ địa phương). Đây cũng là bãi phóng tên lửa tầm xa chủ chốt của Triều Tiên.

Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tên lửa Triều Tiên phóng có thể là tên lửa đạn đạo.

"Trong khi tăng cường giám sát và cảnh giác để chuẩn bị chống lại khả năng xảy ra thêm các vụ phóng, quân đội Hàn Quốc đang duy trì tư thế sẵn sàng hành động và phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ", JCS nhấn mạnh.

Vụ phóng diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Triều Tiên cho phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17. Sự kiện diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Hàn Quốc tới Tokyo để tiến hành hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản nhằm thảo luận các phương án đối phó với Triều Tiên.

Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đã gia tăng hành động căng thẳng để phản đối cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài 11 ngày của Seoul và Washington mang tên “Lá chắn Tự do 23”, mà Triều Tiên chỉ trích là sự chuẩn bị cho một "cuộc chiến tranh xâm lược".

Mối lo ngại Triều Tiên có thể tận dụng các cuộc tập trận chung của Mỹ - Hàn làm cái cớ để phóng thêm ICBM và thậm chí là thử vũ khí hạt nhân cũng đang gia tăng.

Nắng nóng khiến hàng triệu xác cá chết gây tắc nghẽn con sông ở Úc

Những ngày gần đây, chính quyền bang New South Wales, Úc báo cáo tình trạng hàng triệu xác cá chết dạt vào và nổi lềnh bềnh trên một con sông ở bang này.

Hình ảnh từ một video được quay vào ngày 17.3 cho thấy cá chết làm tắc nghẽn một con sông gần thị trấn Menindee ở New South Wales. (Ảnh: AFP).

Đài CNN ngày 19/3 đưa tin những ngày gần đây, hàng triệu con cá chết đã dạt vào một con sông thuộc bang New South Wales (Úc), một hiện tượng mà giới chức địa phương cho rằng có liên quan “các đợt nắng nóng” đang càn quét khắp đất nước.

Cụ thể, theo một video được công bố, hàng loạt xác cá chết đang trôi nổi trên sông Darling gần thị trấn Menindee, phía tây New South Wales. Sau khi có thông tin, các quan chức thủy sản của bang đã được cử đến khu vực này để đánh giá vấn đề, theo hãng tin Reuters.

Đại diện Bộ Công nghiệp Cơ bản (DPI) ở New South Wales cho biết “khối lượng đáng kể” cá, bao gồm cá chép và cá trích xương, cùng với chất hữu cơ từ đồng bằng ngập lũ, đã bị đẩy ngược dòng sông do thời tiết nóng.

“Việc cá chết hàng loạt có liên quan mức oxy thấp trong nước khi nước lũ rút đi. Việc này diễn ra trong bối cảnh nắng nóng tiếp tục gây thêm áp lực cho một hệ thống sinh thái đã trải qua các điều kiện khắc nghiệt do lũ lụt trên diện rộng”, theo DPI.

DPI cho biết thêm rằng thời tiết nóng hiện nay trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu oxy, vì nước ấm giữ ít oxy hơn nước lạnh, trong khi ở nhiệt độ cao, cá cần nhiều oxy hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Menindee chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt. Hàng nghìn xác cá chết đã được ghi nhận trong khu vực vào tháng 2. Một sự kiện tương tự cũng từng xảy ra tại đây vào năm 2019.

Các đợt nắng nóng trên khắp nước Úc đã trở nên thường xuyên và dữ dội hơn khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng. Các chuyên gia và cơ quan chính phủ cảnh báo nước này sẽ tiếp tục chứng kiến lượng mưa và nhiệt độ cực cao tăng đột biến, cũng như nhiều đám cháy nguy hiểm hơn./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực