Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng

Thứ năm, 24/03/2022 21:40
(ĐCSVN) - Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng; Kiến nghị xử lý hình sự 50 người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí; Người nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất phải âm tính với SARS-CoV-2; Đại hội đồng Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp về vấn đề Nga – Ukraine; Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa…là những tin đáng chú ý trong ngày 24/3.

Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream. 

Công an thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng từ ngày 16/2/2022 đến ngày 29/4/2022.

Từ khoảng tháng 3/2021 đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream "gọi tên" nhiều người nổi tiếng.

Trong đó, nhiều buổi livestream, bà Hằng đã "tố" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020.

Sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và kết luận các nghệ sĩ này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh do không có dấu hiệu tội phạm.

Bà Hằng cũng bị ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Vy Oanh, ông Võ Hoàng Yên, nghệ sĩ Hoài Linh, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan... tố cáo về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Kiến nghị xử lý hình sự 50 người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí

 
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh. Ảnh: QH 

Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Theo báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, xử lý nghiêm và kịp thời nhiều vụ việc vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản, kinh phí nhà nước.

Giai đoạn 2016-2021, toàn ngành thanh tra đã triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan lĩnh vực này.

Qua thanh tra, kiểm tra 64.671 đơn vị, phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỉ đồng, 143.777 ha đất, trong đó, kiến nghị thu hồi 70.697 tỉ đồng, 111.894 ha đất; kiến nghị xử lý khác 77.843 tỉ đồng, 31.883 ha đất.

Ngành thanh tra cũng kiến nghị xử lý hành chính 11.999 tổ chức, 40.704 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 1.709 người; kiến nghị xử lý hình sự 50 người đứng đầu để xảy ra thất thoát, lãng phí; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Với Kiểm toán Nhà nước, giai đoạn 2016-2021 cũng thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán, kết quả đã kiến nghị xử lý tài chính 431.435 tỉ đồng. Đồng thời, đã chỉ ra hàng loạt lỗ hổng cơ chế, chính sách với nhiều lĩnh vực được kiểm toán như đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước…

Giai đoạn này, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật và cung cấp 763 hồ sơ.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, giai đoạn 2016-2021, ngành thanh tra đã triển khai thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát hiện vi phạm với con số rất lớn, qua đó cũng nhận diện các hành vi vi phạm.

Theo ông Trần Văn Minh, trong quản lý, sử dụng ngân sách có vi phạm như thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn chưa đúng quy định; chi sai chế độ, vượt chế độ, trùng lặp, không đúng mục đích, không đúng dự toán được giao…

Trong đầu tư xây dựng có vi phạm như không thực hiện đúng quy định, quy chế, quy trình đấu thầu, cũng như không có báo cáo đánh giá các dự án đầu tư hoặc thẩm định dự toán sai so với thiết kế… dẫn đến giao thầu, hợp đồng thi công, nghiệm thu, quyết toán sai.

Người nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất phải âm tính với SARS-CoV-2

Hành khách nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. 

UBND TP.HCM có văn bản gửi các sở, ban, ngành, Cảng hàng không Miền Nam, Cảng vụ hàng hải TP, Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan về yêu cầu phòng, chống dịch với người nhập cảnh.

UBND TP yêu cầu người nhập cảnh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân kể cả chưa tiêm vắc xin hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP.

24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận.

Đối với người nhập cảnh qua Cảng Hàng hải TP, UBND TP cũng yêu cầu phải đáp ứng yêu cầu tương tự. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh) kể từ khi nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

UBND TP cũng yêu cầu người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định. Đồng thời, tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Đại hội đồng Liên Hợp quốc họp khẩn cấp

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine hôm 2/3. Ảnh: Reuters. 

Thành viên Đại hội đồng Liên Hợp quốc hôm 23/3 tiếp tục tranh luận về nghị quyết không ràng buộc mới, liên quan tới việc yêu cầu Nga ngay lập tức dừng chiến dịch diễn ra ở Ukraine.

Ukraine là quốc gia đưa ra nghị quyết mới tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại New York, Mỹ.

Văn bản không có tính ràng buộc này đưa ra yêu cầu chấm dứt ngay các hành động quân sự của Nga đối với Ukraine, “đặc biệt là bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào dân thường và các đối tượng dân sự”, AFP đưa tin.

Văn bản cũng nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres, yêu cầu Moscow "ngừng tấn công quân sự, thiết lập một lệnh ngừng bắn, quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán".

Theo AFP, dự thảo của nghị quyết đã được 88 quốc gia ủng hộ.

Trước đó vào ngày 2/3, đa số thành viên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, 141/193 quốc gia, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu Nga ngừng sử dụng vũ lực với Ukraine. Trung Quốc nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong khi chỉ có 5 quốc gia bỏ phiếu chống, bao gồm Nga, Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria, Reuters đưa tin.

Ngay cả đồng minh truyền thống của Nga là Serbia cũng bỏ phiếu phản đối. Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị ràng buộc, chúng có sức nặng chính trị. Sau cuộc bỏ phiếu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết xung đột tại Ukraine là mối đe dọa đối với an ninh của châu Âu và toàn bộ trật tự dựa trên luật lệ.

Cũng trong ngày 23/3, Nga sẽ cố gắng tiếp tục đệ trình một nghị quyết mới lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình nhân đạo ở Ukraine.

Nếu nghị quyết mới không bị phủ quyết, nó sẽ cần ít nhất chín phiếu từ cơ quan 15 thành viên để được thông qua. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng đây là điều khó xảy ra bởi các cường quốc phương Tây sẽ phủ quyết.

Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Giới chức quốc phòng Nhật Bản ngày 24/3 cho biết tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) do Triều Tiên phóng đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Bản tin của Hàn Quốc về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, ngày 5/3. Ảnh: AFP. 

“Những phân tích hiện tại của chúng tôi cho thấy tên lửa đạn đạo bay 71 phút và vào khoảng 15h44 đã rơi vào khu vực bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Nhật Bản, ở vị trí cách bán đảo Oshima của Hokkaido khoảng 150 km về phía đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Makoto Oniki cho biết, theo AFP.

"Do tên lửa đạn đạo lần này bay ở độ cao hơn 6.000 km, cao hơn nhiều so với ICBM Hwasong-15 được phóng vào tháng 11/2017, đây được cho là ICBM mới", ông nói thêm.

Giới chức trách Nhật Bản ước tính tên lửa này có tầm xa 1.100 km - đồng nghĩa với khả năng vươn xa tới Mỹ về mặt lý thuyết.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae In nói rằng Triều Tiên đã phóng một ICBM, đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng một vũ khí uy lực như vậy kể từ năm 2017.

Ông Moon nói trong một tuyên bố rằng động thái này của Triều Tiên "vi phạm quy định đình chỉ các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cam kết với cộng đồng quốc tế".

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cho biết thêm vụ phóng tên lửa cũng vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Trước đó, tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã bắn vật thể không xác định về phía đông.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp đối với các tàu thuyền về một "tên lửa đạn đạo tiềm năng có thể được phóng từ Triều Tiên".

Đây là đợt phóng vũ khí thứ 12 của Triều Tiên trong năm nay.

Trước đó, ngày 20/3, giới chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa. Tuần trước, Bình Nhưỡng cũng bị nghi ngờ thử nghiệm thất bại Hwasong 17, một hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới chưa từng được phóng trước đây.

Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng bất thường của Triều Tiên trong hoạt động thử nghiệm vũ khí đang nhấn mạnh mục tiêu kép của nước này là cải tiến vũ khí và gây áp lực lên Washington, trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang đóng băng./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực