Lĩnh án 17 năm tù vì lập “dây hụi” ảo

Thứ hai, 25/03/2024 22:21
(ĐCSVN) - Lĩnh án 17 năm tù vì lập “dây hụi” ảo; 16 năm tù cho hai đối tượng lừa đảo “chạy án”; Vụ tấn công tại Moskva: Giới chức Nga kêu gọi khôi phục án tử hình,… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 25/3.

Lĩnh án 17 năm tù vì lập “dây hụi” ảo

Bị cáo Dần tại phiên xử (Ảnh: baobinhthuan.com.vn) 

Sáng 25/3, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt 17 năm tù giam đối với bị cáo Bùi Thị Dần (sinh năm 1963, trú khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, bị cáo Dần phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt của 51 bị hại.

Theo cáo trạng, Bùi Thị Dần làm nghề buôn bán tạp hóa tại Chợ 28 (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) nên quen biết với nhiều người dân trong thị trấn Thuận Nam và các xã lân cận. Từ năm 2013, Dần đã lập ra nhiều dây huê (chơi hụi, chơi họ) do bản thân làm chủ. Ban đầu, việc chơi huê diễn ra bình thường, Dần thu tiền và trả đầy đủ cho những người chơi. Ngoài ra, Dần còn vay mượn tiền của nhiều người với lãi suất từ 2 - 6%/tháng để buôn bán. Sau đó do làm ăn thua lỗ, Dần phải vay tiền của người sau để trả tiền cho người trước. Đến khoảng tháng 5/2018, do không còn khả năng trả nợ, Dần đã lập ra các dây huê không có thật (huê ảo) để nhiều người dân tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết tham gia chơi nhằm lấy tiền trả tiền vay.

Hình thức lập các dây huê của Bùi Thị Dần là mỗi dây huê có từ 12 - 17 phần, có dây huê không giới hạn số phần chơi. Do tin tưởng Dần, nhiều người đã tham gia. Thực tế, các dây huê này đều là dây huê ảo do Dần tự lập ra. Tháng 8/2019, Bùi Thị Dần không còn khả năng trả tiền huê nên đã đi khỏi địa phương. Đến ngày 22/8/2019, đối tượng đến cơ quan Công an trình diện. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ các bị hại cung cấp, cơ quan Công an xác định, với hình thức đưa ra những dây huê ảo, Bùi Thị Dần đã chiếm đoạt của 51 bị hại với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Tại phiên xử, Bùi Thị Dần đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình.

Hội đồng xét xử nhận định, vào thời điểm phạm tội, bị cáo có đủ năng lực nhận biết hành vi của mình là sai trái nhưng vì lòng tham nên đã thành lập các dây huê ảo chiếm đoạt tiền của các bị hại để trả nợ và phục vụ việc kinh doanh của tiệm tạp hóa. Trong quá trình điều tra cũng như trong phiên xét xử, bị cáo không có động thái tác động gia đình khắc phục thiệt hại gây ra. Bị cáo Dần đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, mỗi lần đều cấu thành tội phạm nên thuộc trường hợp “phạm tội 2 lần trở lên”. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Hội đồng xét xử, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với mức độ thiệt hại có chiều hướng tăng cao. Vì vậy, cần xử lý với một mức án nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe đối với người khác. Sau khi xem xét các tình tiết có liên quan trong vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dần mức án 17 năm tù giam và phải bồi thường số tiền hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt của 51 bị hại.

16 năm tù cho hai đối tượng lừa đảo “chạy án”

Ngày 25/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 2 bị cáo: Nguyễn Thị Hòa Bình (sinh năm 1972, trú tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) và Hoàng Văn Phương (sinh năm 1969, trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cùng lĩnh 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2022, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", khởi tố, bắt tạm giam đối với Mai Văn Thiện, Bùi Văn Thiều và Mai Văn Dinh (đều trú tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Người nhà của Thiện và Dinh đã trao đổi với nhau để lo chạy án cho 2 bị can này. Thông qua quan hệ xã hội, họ gặp và nhờ Bình lo cho Thiện, Dinh được trả tự do, không bị xử lý hình sự. Do Bình làm nghề tự do nên Bình hỏi Phương (là bạn làm ăn kinh doanh của Bình). Phương nói có thể lo cho 2 trường hợp trên không bị xử lý hình sự với chi phí 250 triệu đồng/trường hợp; hẹn hến ngày 30/4, 1/5/2022 thì cả hai được trả tự do. Bình nói lại chuyện này với người nhà của Dinh và Thiện đồng thời ra giá “chạy án” là 700 triệu đồng (350 triệu đồng/người). Người nhà của Dinh, Thiện đồng ý và đưa số tiền trên cho Bình. 

Nghe thấy thông tin người nhà của Dinh và Thiện có thể “chạy trắng án” nên chị Kiều Thị Thùy Tr (vợ của Thiều) cũng nhờ Bình. Lúc này Bình nói chi phí “chạy án” phải là 500 triệu đồng. Người nhà của Thiều đồng ý chuyển số tiền trên. Bình đã nhận tổng cộng 1,2 tỷ đồng và chuyển cho Phương 900 triệu đồng. Tuy nhiên, đến hết thời hạn cam kết, Thiều, Dinh và Thiện vẫn bị xử lý hình sự. Do đó, người nhà các bị can này yêu cầu Bình trả lại tiền. Bình viết giấy nhận nợ, tiếp tục hẹn đến 2/7/2022 sẽ lo xong việc. Tuy nhiên, Bình tiếp tục thất hứa nên chị Tr gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an. Hiện chị Tr đã nhận lại đủ 500 triệu đồng và có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự với Bình, Phương. Sau đó, Bình trả lại người nhà anh Thiện và Dinh 700 triệu đồng. 

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định Bình giữ vai trò chính trong việc trực tiếp đưa thông tin gian dối, nhận 1,2 tỷ đồng và chuyển 900 triệu đồng cho Phương để cùng thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, Bình hưởng lợi 300 triệu đồng, Phương hưởng lợi 900 triệu đồng.

Vụ tấn công tại Moskva: Giới chức Nga kêu gọi khôi phục án tử hình
 
Theo hãng tin TASS, nhiều quan chức Nga đã kêu gọi tái áp dụng án tử hình, sau vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall gần thủ đô Moskva khiến hơn 130 người thiệt mạng.
 
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 22/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN 
Người đứng đầu đảng Nước Nga Thống nhất tại Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Vasilyev cho biết vấn đề trên sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Hạ viện Nga Yury Afonin cũng cho rằng cần khôi phục án tử hình đối với những trường hợp liên quan chủ nghĩa khủng bố và giết người.
 
Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cho rằng những kẻ thực hiện tấn công khủng bố cần vĩnh viễn bị loại bỏ ra khỏi cuộc sống.
 
Tháng 11/2022, Chánh án Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga Valery Zorkin tuyên bố rằng việc áp dụng lại án phạt tử hình ở Nga chỉ có thể thực hiện được thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.
 
4 nghi phạm liên quan trực tiếp vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall đã bị đưa ra trình diện tại tòa án ngày 24/3. Các đối tượng này đối mặt các cáo buộc liên quan đến khủng bố và sẽ lĩnh án chung thân nếu bị kết tội. Tòa ra đã lệnh tạm giam 4 nghi phạm đến ngày 22/5 và có thể gia hạn tùy thuộc vào thời gian bắt đầu xét xử./.
PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực