Số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong gần 1 năm qua

Chủ nhật, 12/06/2022 20:38
(ĐCSVN) - Số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong gần 1 năm qua; Lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7; Giá xăng đạt kỷ lục 32.000 đồng/lít; 7.000 người Ukraine xin nhập quốc tịch Nga… là một số tin trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay 12/6.

Số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong gần 1 năm qua

 Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.731.812 ca nhiễm (Ảnh: TTXVN)

Trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 568 ca nhiễm mới, tại 34 tỉnh, thành phố (có 378 ca trong cộng đồng). Đây là ngày có số F0 thấp nhất trong khoảng 1 năm qua tại Việt Nam.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (-31), Phú Thọ (-29), Nam Định (-15). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đà Nẵng (+19), Thừa Thiên Huế (+8), Khánh Hòa (+7). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 816 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.731.812 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.372 ca nhiễm).

Lương tối thiểu tăng 6% từ 1/7

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/7, mức lương tối thiểu tháng lần lượt vùng I là 4,68 triệu; vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV 3,25 triệu đồng (tăng thêm 6%, tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với hiện hành). Trước đó, mức lương tháng tối thiểu dao động từ 3,07 - 4,42 triệu đồng và được giữ nguyên từ đầu năm 2020 tới nay.

Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, lương tối thiểu tăng 6% từ 01/7 (Ảnh: Minh Hạnh)

Mức lương tối thiểu giờ lần lượt là 22.500 đồng với vùng I; vùng II là 20.000 đồng, vùng III là 17.500 đồng và vùng IV là 15.600 đồng.

Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ.

Đây là tin vui với người lao động cả nước ngay trong sáng 12/6, ngày diễn ra phiên đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân.

Việc điều chỉnh lương tối thiểu này là rất cần thiết, thể hiện sự quan tâm sát sao, kịp thời của Nhà nước tới việc chăm lo đời sống của người lao động, nhất là sau hơn 2 năm bị tác động lớn từ đại dịch COIVD-19.

Mức điều chỉnh lương tối thiểu không cao (tăng 6%), cũng chỉ bảo đảm bù đắp và có cải thiện hơn một chút so với mức sống tối thiểu của người lao động; đa số các doanh nghiệp hiện đều trả cao hơn mức lương tối thiểu này nên về cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Việc Chính phủ quy định thực hiện từ 1/7 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, nhất là trong bối cảnh giá cả đang có xu hướng tăng cao và sẽ góp phần tích cực duy trì sự ổn định quan hệ lao động trong các doanh nghiệp.

Giá xăng đạt kỷ lục 32.000 đồng/lít

Theo đà tăng mạnh của thế giới, trong kỳ điều hành ngày 13/6, giá xăng trong nước có khả năng tăng tới 1.000 đồng/lít, kéo giá xăng RON95 lập kỷ lục mới. Nếu vậy, giá xăng sẽ tăng lần thứ 6 liên tiếp.

Giá xăng đạt kỷ lục 32.000 đồng/lít (Ảnh minh họa: Trọng Lam)

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng bán lẻ trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/6 là 150,5 USD/thùng đối với xăng RON92 và 157,4 USD/thùng với xăng RON95. Mức giá của cả hai loại xăng này đều cao hơn ngày 1/6 khoảng 3 USD/thùng.

Tương tự, giá các loại dầu cũng tăng khoảng 5 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu diesel là 170,6 USD/thùng, giá dầu hỏa là 166,6 USD/thùng, còn dầu mazut có giá là 636 USD/tấn.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết, do giá xăng dầu thế giới tăng cao nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành tới (13/6).

Do đó, tại kỳ điều hành ngày 13/6, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng trong nước có thể tăng thêm khoảng 700-1.000 đồng/lít. Theo đó, giá xăng RON 95 có thể vượt 32.000 đồng/lít. Còn giá dầu diesel trong kỳ điều chỉnh ngày 13/6 sẽ tăng mạnh trên dưới 2.000 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 14 kỳ điều hành giá có tới 11 lần giá xăng tăng, chỉ 3 lần giảm. So với đầu năm 2022, giá xăng RON 95 hiện tăng 7.694 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.071 đồng/lít lên mức 30.230 đồng/lít, mức cao nhất trong lịch sử.

7.000 người Ukraine xin nhập quốc tịch Nga

“Từ cuối tháng 5 giữa lúc chiến sự tại Ukraine leo thang, khoảng 7.000 đơn đăng ký đã được nộp và số lượng đơn có xu hướng tăng lên", ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo chính quyền quân-dân sự tỉnh Kherson, đồng thời cho biết vài trăm đơn trong số này đã được xử lý.

Bản đồ vị trí Kherson (Ảnh: Sky)  

Những hộ chiếu Nga đầu tiên đã được cấp cho người dân Kherson hôm 11/6. Theo hãng tin Tass, 23 người dân ở Kherson đã được nhận hộ chiếu Nga.

Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục để người dân ở Zaporizhzhia và Kherson được cấp hộ chiếu Nga. Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên tiếng phản đối động thái này.

"Việc cấp hộ chiếu bất hợp pháp là sự vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các chuẩn mực và nguyên tắc của luật nhân đạo quốc tế", Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo.

Kherson là vùng lãnh thổ phía nam của Ukraine, giáp với bán đảo Crimea. Các lực lượng quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của vùng này từ giữa tháng 3.

Các nhà chức trách ở Melitopol và Kherson bắt đầu cấp hộ chiếu Nga cho người dân ở hai thành phố này. Tại Kherson, các nhà chức trách đã nêu ý tưởng về việc sáp nhập vào Nga, đồng thời muốn Nga lập căn cứ quân sự tại đây để đảm bảo an ninh.

Melitopol, thành phố quan trọng ở tỉnh Zaporizhzhia, đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng Nga. Người đứng đầu chính quyền quân-dân sự Melitopol Galina Danilchenko ngày 7/6 thông báo khu vực này đã bắt đầu chuẩn bị cho việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.

Giới chức Ukraine cảnh báo các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga sẽ không có cơ sở pháp lý và đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea ở phía Nam Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý. Động thái này của Nga vấp phải sự phản đối của Ukraine và phương Tây, khiến Moscow phải hứng chịu làn sóng trừng phạt suốt nhiều năm qua./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực