Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng

Thứ ba, 23/01/2024 20:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng; Nổ ống nghiệm trong giờ thực hành, 5 học sinh bị thương; Nga luôn sẵn sàng đối thoại chấm dứt xung đột… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (23/01).

Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đà Nẵng

Vào khoảng 00h30 ngày 23/01, tại Km36+400 cao tốc La Sơn - Hòa Liên (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), xe khách 45 chỗ, biển số 47B-010.67, chạy tuyến Đắk Lắk - Hải Dương, do tài xế Phương Thanh Tùng (SN 1988 trú tại huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển. Thời điểm này, trên xe chở 22 người (19 hành khách, 3 nhân viên nhà xe).

Khi đến Km 36+400, xe khách bất ngờ lao ra khỏi đường, đâm vào hộ lan cứng bê tông cốt thép và rơi xuống vực sâu. Vụ tai nạn khiến 2 người chết, 20 người bị thương được đưa đi cấp cứu; phương tiện hư hỏng nặng.

Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Theo Khu Quản lý đường bộ III (Cục đường bộ Việt Nam), thời điểm xảy ra sự việc trời mưa, lạnh. Đoạn đường cong có 2 làn xe, lên dốc, không có dải phân cách giữa, nằm ngoài khu đông dân cư, có hệ thống biển báo và vạch sơn kẻ đường.

Nguyên nhân tai nạn ban đầu được xác định là do trời mưa, sương mù làm hạn chế tầm nhìn, lái xe buồn ngủ.

Được biết, chiều ngày 23/01, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nói trên.

Nổ ống nghiệm trong giờ thực hành, 5 học sinh bị thương

Ngày 23/01, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, trong giờ thực hành môn Hóa tại Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều) đã xảy ra sự cố nổ bình thí nghiệm, làm một số học sinh bị thương.

Theo đó, vụ việc xảy ra vào tiết học thứ 5 của lớp 11A10, khi học sinh học thực hành môn Hóa tại phòng thí nghiệm, có sự tham gia của thầy giáo bộ môn và các học sinh của lớp. Trong lúc các em đang thực hành thì xảy ra sự cố gây nổ bình thí nghiệm. Theo một số em tham gia tiết học, nguyên nhân có thể do một học sinh đã tự ý cho các chất tác dụng với nhau gây đốt cháy nên làm phát nổ. Tiếng nổ khá lớn làm các học sinh ở lớp học gần đó chạy ra xem, 5 học sinh bị xây xát chảy máu...

 Trường THPT Châu Văn Liêm, nơi xảy ra sự việc. (Ảnh: Ca Linh)

Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết, theo báo cáo sơ bộ của trường, sau vụ việc, có 5 học sinh lớp 11A10 bị thương nhẹ do mảnh vỡ bình thí nghiệm văng trúng. Các học sinh này đã được đưa đi sơ cứu tại cơ sở y tế ngay sau đó. Hiện tại, ba học sinh bị xây xát nhẹ được chăm sóc tại trạm y tế đã về nhà, còn lại hai em bị vết thương ở vùng đầu và vùng cổ, phải chụp theo dõi kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ.

Sau khi sự cố xảy ra, trường Châu Văn Liêm đã phối hợp với Bệnh viện, gia đình học sinh tập trung chăm sóc sức khỏe, ổn định tinh thần cho các em, tiếp theo làm việc cụ thể với giáo viên trực tiếp tham gia giờ thực hành môn Hóa tại lớp 11A10, cùng với các học sinh tham gia buổi học để xác định nguyên nhân vụ việc và có hướng xử lý phù hợp.

Nga luôn sẵn sàng đối thoại chấm dứt xung đột

Ngày 23/01, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa bao giờ đóng cánh cửa đối thoại nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine với các bên “thực sự quan tâm tới công lý”, trong đó bao gồm cả công lý trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CBS News tại New York - nơi ông tới để tham dự vào các cuộc họp của Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine và Trung Đông, ông Lavrov đã đưa ra một số tuyên bố về vấn đề đàm phán hòa bình với Ukraine.

Theo hãng tin RT trích dẫn, ông bác bỏ tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Davos, người cho rằng Moscow đã không thể hiện “sự sẵn lòng tham gia, đàm phán một cách thiện chí” để chấm dứt xung đột với Kiev.

 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: TASS)

Ông Lavrov nhấn mạnh rằng “điều này là không đúng”, đồng thời cho biết thêm rằng Nga luôn sẵn sàng thảo luận về “bất kỳ đề xuất nghiêm túc nào” nhằm giải quyết tình hình trên thực địa và nguyên nhân sâu xa của xung đột. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng nêu rõ Moscow luôn sẵn sàng đạt được một giải pháp “đảm bảo lợi ích quốc gia hợp pháp của Nga và người dân Ukraine”.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh Moscow sẵn sàng lắng nghe bất kỳ ý kiến nào liên quan đến việc thiết lập “công lý” trong quan hệ giữa Moscow và Kiev. Tuy nhiên, ông cho biết điều này sẽ đòi hỏi các quốc gia phương Tây phải chấm dứt chính sách “sử dụng Ukraine như một công cụ nhằm chống lại Nga”.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột tới từ các mối lo ngại của Nga khi NATO mở rộng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đã cảnh báo công khai từ năm 2008 rằng sự mở rộng đi ngược lại mọi lời hứa trước đó của NATO đã đi quá xa”. Trước đó trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh năm 2008 ở Bucharest, các nhà lãnh đạo NATO đã tuyên bố rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành một phần của liên minh quân sự. Động thái này đã làm dấy lên phản ứng dữ dội từ Nga – quốc gia luôn coi việc khối quân sự này mở rộng tới gần biên giới của mình là một mối đe dọa an ninh hiện hữu.

Tới tháng 12/2021, vài tuần trước khi bắt đầu xung đột ở Ukraine, Moscow đã đệ trình một dự thảo đảm bảo an ninh cho Mỹ và NATO. Dự thảo này yêu cầu phương Tây cấm Ukraine gia nhập khối nhưng đã bị bác bỏ.

Tới 24/2/2022, Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với mục tiêu phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine. Trong quá trình giao tranh kéo dài, các quan chức từ Moscow và Kiev đã có thời điểm gần đạt được thỏa thuận hòa bình, trong đó yêu cầu chính của Nga là nước láng giếng tái cam kết duy trì tình trạng trung lập và không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gặp thất bại và các nỗ lực nhằm nối lại đàm phán hòa bình giữa hai bên đều không thành công. Tính tới 22/01/2024, giao tranh giữa các lực lượng vũ trang của Nga và Ukraine vẫn diễn ra dữ dội tại các khu vực Kupyansk, Krasny Liman, Donetsk, Zaporozhye và Kherson.

Kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định đã tiêu diệt tổng cộng 568 máy bay chiến đấu của Ukraine, 265 máy bay trực thăng, 11.003 máy bay không người lái, 451 hệ thống tên lửa đất đối không, 14.738 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.205 hệ thống tên lửa phóng loạt, 7.822 súng pháo dã chiến và súng cối cùng 17.727 xe cơ giới quân sự đặc biệt./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực