Tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại huyện Gia Lâm

Thứ hai, 27/02/2023 20:19
(ĐCSVN) - Tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại huyện Gia Lâm; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tạm hoãn hợp đồng làm việc với Đặng Anh Quân; Ecuador thu giữ gần 9 tấn ma túy được chuyển tới Bỉ... là một số tin đáng chú ý hôm nay (27/2)
Lực lượng Công an tiến hành khám xét tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-05V.
(Ảnh: TTXVN) 

Tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại huyện Gia Lâm

Ngày 27/2, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V (tại xã Phú Thị) và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (tại thị trấn Yên Viên), Thượng tá Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra Công an huyện đã tạm giữ hình sự 18 đối tượng thuộc hai trung tâm này để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

 Trong số các đối tượng bị tạm giữ hình sự có: Nguyễn Trọng Tâm (sinh năm 1981), Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S; Nguyễn Khánh Tùng (sinh năm 1962), Trưởng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (đã nghỉ hưu từ ngày 1/1/2023), Nguyễn Khánh Hưng (sinh năm 1979), Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (hiện đã chuyển công tác đi trạm đăng kiểm khác); Đào Mạnh Thắng (sinh năm 1970), Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V; cùng một số đăng kiểm viên khác...

Trước đó, tối 25/2, qua xác minh đơn tố cáo của một số công dân trên địa bàn huyện Gia Lâm với nội dung tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V có hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi của xe ô tô trong quá trình đăng kiểm xe ô tô, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập, làm việc với Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02V Đào Mạnh Thắng (sinh năm 1970, hộ khẩu thường trú tại xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương) cùng các đăng kiểm viên và cán bộ, công nhân viên thuộc Trung tâm.

 Tại Cơ quan điều tra, Đào Mạnh Thắng và một số đăng kiểm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm. Đặc biệt, Đào Mạnh Thắng khai nhận: Từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2022, Thắng chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền của các lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm.

 Hàng ngày, Thắng được chung chia theo tỷ lệ hệ số 1.4, mỗi ngày được chung chia từ 200 - 500 nghìn đồng tùy theo ngày thu được nhiều hay ít. Trong thời gian từ năm 2020 đến đầu năm 2022, tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, số lượng xe ô tô đến đăng kiểm không nhiều nên số tiền thu được để chung chia hạn chế. Thắng khai, tổng số tiền Trung tâm nhận được từ lái xe ô tô đến đăng kiểm đưa để được bỏ qua lỗi nhỏ từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2022 là khoảng 500 - 600 triệu đồng.

 Thắng được chung chia khoảng 90 triệu đồng, mỗi đăng kiểm viên được chung chia khoảng 40 - 50 triệu đồng, nhân viên văn phòng được chung chia khoảng 20 triệu đồng. Đáng chú ý, vào tháng 12/2022, khi biết được thông tin một số trung tâm đăng kiểm tại các tỉnh, thành bị điều tra, xử lý về hành vi "nhận hối lộ", Thắng đã chỉ đạo Trung tâm dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ lái xe ô tô đến đăng kiểm.

 Tương tự, liên quan đến đơn tố giác của công dân trên địa bàn huyện với nội dung tố giác các đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (tại thị trấn Yên Viên, Gia Lâm) có hành vi nhận tiền để bỏ qua lỗi  trong quá trình đăng kiểm xe ô tô, Cơ quan điều tra, Công an huyện Gia Lâm  đã triệu tập làm việc với Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S Nguyễn Trọng Tâm (sinh năm 1981, ở phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội), cùng các đăng kiểm viên.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Trọng Tâm và một số đăng kiêm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm. Nguyễn Trọng Tâm khai nhận: Từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2022, Tâm là đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S. Được sự chỉ đạo của Nguyễn Khánh Tùng là Trưởng Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-02S (hiện đã nghỉ hưu từ 1/1/2023), Tâm cùng các đăng kiểm viên khác nhận tiền của các lái xe ô tô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi nhỏ trong quá trình đăng kiểm.

 Hàng ngày, các đăng kiểm viên khác sau khi thu tiền của các lái xe đến đăng kiểm sẽ nộp lại cho Phạm Văn Vương (sinh năm 1980, ở phường Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội). Nhận tiền, Vương sẽ chia lại cho Trưởng Trung tâm, Phó trưởng Trung tâm, các đăng kiểm viên và nhân viên trong trung tâm mỗi tháng 2 lần vào đầu tháng và cuối tháng theo tỷ lệ: Trưởng Trung tâm 3 phần, Phó trưởng Trung tâm 2,5 phần, đăng kiểm viên 2 phần, các nhân viên văn phòng 1 phần. Từ thời điểm Nguyễn Khánh Tùng về hưu, Nguyễn Trọng Tâm được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm.

Khi Tâm làm đăng kiểm viên, mỗi tháng Vương chia cho Tâm khoảng 4 triệu đồng tiền nhận hối lộ của các lái xe. Tính từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, Tâm nhận được khoảng 130 triệu đồng tiền hối lộ. Từ tháng 1/2023 đến nay, khi biết được thông tin một số trung tâm đăng kiểm bị điều tra xử lý về hành vi “nhận hối lộ”, Tâm chỉ đạo Trung tâm dừng hoàn toàn việc nhận tiền từ lái xe ô tô đến đăng kiểm.

Công an huyện Gia Lâm đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan, xác minh điều tra, đồng thời củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

 Ông Đặng Anh Quân nghe đọc lệnh bắt tạm giam. (Ảnh: Công an cung cấp)

 Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tạm hoãn hợp đồng làm việc với Đặng Anh Quân

 Liên quan đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam Đặng Anh Quân - Tiến sĩ Luật, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", trong vụ án do Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, thường trú 17-19 Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, Quận 1; Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và đồng phạm thực hiện, chiều 27/2, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã tạm hoãn hợp đồng làm việc đối với Đặng Anh Quân.

 Cụ thể, sau khi nhận được văn bản số 1081/PC01-Đ3 về việc thông báo áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Đặng Anh Quân, lãnh đạo nhà trường đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp sáng 27/2. Sau khi phân tích và đánh giá vụ việc, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, nhà trường quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc đối với Đặng Anh Quân theo khoản 3, Điều 28 Luật Viên chức năm 2010 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) và điểm b, khoản 1, Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, hợp đồng làm việc sẽ bị tạm hoãn trong trường hợp “người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự”. 

Nhà trường điều chuyển toàn bộ các nhiệm vụ chuyên môn Đặng Anh Quân đang đảm trách  cho các giảng viên khác đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhằm đảm bảo quyền lợi của người học và hoạt động bình thường của nhà trường.

Theo Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, trường sẽ xem xét và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trong thời gian Đặng Anh Quân bị tạm giam, nhà trường cùng với thân nhân của Đặng Anh Quân thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết theo quy định pháp luật.

 Như đã đưa tin, liên quan đến vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố, bắt tạm giam Đặng Anh Quân - Tiến sĩ Luật, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan điều tra xác định với vai trò "cố vấn pháp lý" cho bị can Nguyễn Phương Hằng, Đặng Anh Quân tham gia livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng 11 buổi từ tháng 10/2021-3/2022, trong đó có một số nội dung chưa đủ cơ sở xử lý hình sự, tuy nhiên vẫn có một số nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân.

 Trong vụ án này, đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố 5 bị can, gồm Nguyễn Phương Hằng, Đặng Anh Quân, Nguyễn Thị Mai Nhi (sinh năm 1983, ngụ tại Quận 12, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1992, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), Huỳnh Công Tân (sinh năm 1994, ngụ tại thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương; Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam).

 Một diễn biến khác có liên quan, tối 24/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng khởi tố, bắt tạm giam Đặng Thị Hàn Ni (luật sư), Trần Văn Sỹ (luật sư) để điều tra về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015. Trước đó, Nguyễn Phương Hằng đã gửi đơn khởi kiện đến nhiều nơi tố cáo Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ và một số cá nhân khác về việc "xúc phạm, vu khống". Trong vụ án Nguyễn Phương Hằng, Đặng Thị Hàn Ni là bị hại. Đến nay, Đặng Thị Hàn Ni bị khởi tố về hành vi tương tự Nguyễn Phương Hằng.

Cảnh sát gác bên số ma túy bị thu giữ tại Guayaquil, Ecuador. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ecuador thu giữ gần 9 tấn ma túy được chuyển tới Bỉ

Cảnh sát Ecuador ngày 26/2 cho biết đã thu giữ khoảng 8,8 tấn ma túy được giấu trong một container chuối xuất khẩu đi Bỉ từ cảng Guayaquil.

Theo nguồn tin trên, số ma túy này tương đương với 90 triệu liều, ước tính trị giá 330 triệu USD ở thị trường châu Âu. Đây là số lượng ma túy lớn nhất trong một lần thu giữ ở Ecuador kể từ đầu năm đến nay.

Trong gần 2 tháng đầu năm nay, Ecuador đã thu giữ tổng cộng 31 tấn ma túy. Năm ngoái, tổng khối lượng ma túy mà quốc gia Nam Mỹ này đã thu giữ là hơn 200 tấn, trong đó 61% được giấu trong các lô chuối xuất khẩu.

Ecuador nằm giữa Colombia và Peru (hai quốc gia được coi là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới) và đã trở thành trung tâm buôn bán ma túy toàn cầu trong những năm gần đây. Dù không có bất kỳ cơ sở trồng hay điều chế thuốc phiện cũng như tổ chức ma túy lớn nào, Ecuador vẫn bị Mỹ cho vào danh sách các quốc gia sản xuất và trung chuyển ma túy lớn nhất thế giới. Ma túy được sản xuất ở nơi khác nhưng lại được vận chuyển từ cảng Guayaquil của Ecuador đến Mỹ, châu Âu và châu Á./.

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực