Tạm giữ tàu cá chở 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Thứ năm, 16/02/2023 20:26
(ĐCSVN) - Cảnh sát biển tạm giữ tàu cá chở 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc; Kiến nghị Trung Quốc sớm “mở cửa” cho khách du lịch tới Việt Nam; Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục viện trợ, cử lực lượng cứu hộ giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria… là những tin đáng chú ý trong ngày 16/02.

Cảnh sát biển tạm giữ tàu cá chở 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Ngày 16/2, Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải tàu TG93698TS chở khoảng 25.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về tới cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào khoảng 16h00, ngày 14/02/2023, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 60 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện kiểm tra tàu vỏ gỗ số hiệu TG93698TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra trên tàu có 04 thuyền viên do ông Huỳnh Tấn Đạo, sinh năm 1979, có hộ khẩu thường trú tại Phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa trên tàu TG93698TS. Ảnh: Hà Linh. 

Theo lời khai ban đầu của thuyền trưởng thì tàu TG93698TS đang vận chuyển khoảng 25.000 lít dầu DO nhưng thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn cũng như giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của hàng hóa, ngoài ra các thuyền viên không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.

Hiện, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa tàu về Vũng Tàu tiếp tục điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Được biết, việc buôn lậu xăng dầu không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, mà ngay cả người dân, các doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu hợp pháp cũng bị ảnh hưởng lớn. Do đó, việc chống buôn lậu xăng dầu cần phải có cách làm mới, thường xuyên và triệt để hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Yêu cầu xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mình quản lý.

Đề nghị Trung Quốc sớm "mở cửa" cho khách du lịch tới Việt Nam 

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc kiến nghị việc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn.

Khách Trung Quốc chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Nghĩa Hiếu. 

Trước đó, ngày 08/01 Trung Quốc bắt đầu mở cửa cho người dân đi du lịch đồng thời nới lỏng kiểm soát COVID -19. Trong số 20 quốc gia Trung Quốc cho phép mở tour trở lại có 11 nước ở châu Á - Thái Bình Dương, là Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, New Zealand và Fiji. Chín quốc gia còn lại là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ai Cập, Kenya, Nam Phi, Nga, Thụy Sĩ, Hungary, Cuba và Argentina.

Tuy nhiên, dù nằm sát Trung Quốc và nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Nha Trang được du khách Trung Quốc yêu thích nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa có tên trong danh sách đón khách Trung Quốc.

Việc du khách Trung Quốc tiếp tục chưa sang Việt Nam khiến các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn, bởi khách Trung Quốc chiếm số lượng lớn tại các điểm đến của Việt Nam. Trong năm 2022, cả nước đã đón hơn 3,66 triệu lượt khách quốc tế, con số này sẽ được cải thiện rất nhiều nếu du lịch Trung Quốc mở cửa với thị trường Việt Nam.

Việc khách Trung Quốc vắng mặt không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ mà còn khiến các hãng hàng không giảm doanh thu.

Hiện Vietnam Airlines đang khai thác thường lệ các đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải; tháng 3 tới sẽ khôi phục thêm đường bay Hà Nội - Bắc Kinh; từ tháng 4 sẽ khôi phục đường bay Đà Nẵng - Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô và giữa Hà Nội - Thành Đô.

Dù dự báo giai đoạn đầu mở lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khách chưa nhiều, Vietnam Airlines vẫn đặt kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ bằng khoảng 80% năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Để có thể sớm đón khách du lịch Trung Quốc, Bộ Văn hóa và Du lịch Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị phía Trung Quốc sớm đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia thí điểm du lịch theo đoàn, ngoài ra, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc là điểm sáng trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia.

Gần đây nhất, nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ký kết "Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027".

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam luôn chiếm vị trí top 5 quốc gia hàng đầu gửi khách đến Trung Quốc. Trung Quốc cũng đứng đầu các thị trường khách đến Việt Nam, với khoảng 5,8 triệu lượt (năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Du lịch), chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục viện trợ, cử lực lượng cứu hộ giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nước này sẽ cung cấp khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp tương đương 27 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất. Khoản viện trợ này sẽ được thông qua các tổ chức quốc tế, trong đó có Chương trình lương thực thế giới (WFP). Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cho biết, hiện khoản viện trợ này đang được tính toán nội dung cụ thể và sẽ được xác định trong thời gian sớm nhất.

Lực lượng cứu hộ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters 

Đến nay, Nhật Bản ngoài việc phái lực lượng cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ, hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện các khoản hỗ trợ khác bao gồm cung cấp vật tư y tế và đồ ăn.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc hôm nay (16/2) đã phái cử Đội cứu hộ khẩn cấp Hàn Quốc (KDRT) đợt hai đến Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về nhu cầu khắc phục thiên tai. Đội cứu hộ khẩn cấp đợt hai có tổng cộng 21 người, tập trung vào cứu trợ người bị nạn, thảo luận về việc khôi phục thiệt hại khẩn cấp và tái thiết dài hạn, nắm bắt nhu cầu cần thiết của các nạn nhân để thực hiện các dự án viện trợ.

Trước đó, Hàn Quốc đã cử 118 người thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nhận xét hoạt động cứu hộ từ tìm kiếm đang bước sang giai đoạn cứu trợ người bị nạn và khắc phục thiệt hại.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỹ cũng ưu tiên kêu gọi viện trợ về nhu yếu phẩm, đặc biệt là lều, chăn, quần áo, hơn là nhân lực cứu hộ./.

PV (tổng hợp).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực