Tiến hành bảo hộ hơn 100 người Việt Nam bị bắt giữ tại Campuchia, Thái Lan

Thứ năm, 14/03/2024 20:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tiến hành bảo hộ hơn 100 người Việt Nam bị bắt giữ tại Campuchia, Thái Lan; Khởi tố giám đốc công ty du lịch tổ chức cho khách trốn đi nước ngoài; Trực thăng Mi-8 chở 20 người rơi ở Nga… là những thông tin đáng chú ý trong ngày 14/3.

Tiến hành bảo hộ hơn 100 người Việt Nam bị bắt giữ tại Campuchia, Thái Lan

Chiều 14/3, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, liên quan đến vụ việc hơn 100 công dân Việt Nam bị Campuchia bắt giữ và trục xuất do đánh bạc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho hay, theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville, ngày 9/3 vừa qua hơn 100 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo, đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất.

Báo chí Campuchia thông tin: Vừa qua 195 người nước ngoài bị trục xuất sau cuộc truy quét các cơ sở cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp ở Sihanoukville. (Ảnh: Khmer Times) 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ngày 11/3, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp với các cơ quan chức năng phía Campuchia và trong nước tiến hành các thủ tục lãnh sự tiếp nhận số công dân này qua cửa khẩu quốc tế Prek Chak - Hà Tiên.

Về vụ việc 18 công dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ, người phát ngôn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin và xác minh nhân thân của những người này.

Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam, 18 công dân bị bắt giữ do hành vi tham gia tổ chức trò chơi, trò lừa đảo; giúp quảng cáo hoặc mời gọi trực tiếp, gián tiếp người khác chơi; đánh bạc thông qua các phương tiện điện tử mà không được phép của cơ quan chức năng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan vẫn tiếp tục theo dõi sát vụ việc và đề nghị các cơ quan chức năng sở tại bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc theo kiểu việc nhẹ, lương cao và không yêu cầu phải bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không có thông qua doanh nghiệp cũng như các tổ chức phái cử lao động.

Công dân cần phải tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm làm việc và thân nhân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng để có quyết định đúng đắn trước khi ra làm việc tại nước ngoài.

Khởi tố giám đốc công ty du lịch tổ chức cho khách trốn đi nước ngoài

Ngày 14/3, Phòng An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Trọng Anh (SN 1987, trú tại TP Hà Nội). Đỗ Trọng Anh là Giám đốc Công ty cổ phần thương mại du lịch quốc tế Hoàng Anh.

Đồng thời, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Thị Phương (SN 1991); Hoàng Thị Phương (SN 1982); Trần Thị Chiến (SN 1983); Nguyễn Thị Hằng (SN 1983); Võ Công Sơn (SN 1975) về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

6 đối tượng tại cơ quan điều tra. Đối tượng Đỗ Trọng Anh (thứ ba từ trái sang) cầm đầu đường dây. (Ảnh: CACC) 

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh điều tra phát hiện một đường dây gồm nhiều đối tượng trong và ngoài nước cấu kết với nhau, tổ chức cho khoảng 30 công dân trú tại địa bàn Hà Tĩnh và một số tỉnh, thành trên cả nước trốn đi nước ngoài lao động trái phép.

Sau thời gian điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, Phòng An ninh điều tra xác định có 6 đối tượng đã tổ chức cho 30 công dân trốn đi nước ngoài lao động trái phép.

Do có mối quan hệ quen biết, Long (quốc tịch Trung Quốc, không rõ nhân thân, địa chỉ) sang Việt Nam, chủ động hẹn gặp và trao đổi, thống nhất với Đỗ Trọng Anh về việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc bằng hình thức du lịch rồi vượt biên trái phép với chi phí 13.000 USD. Đỗ Trọng Anh chịu trách nhiệm tìm nguồn lao động ở Việt Nam rồi đưa sang Trung Quốc. Long chịu trách nhiệm đón, đưa lao động vượt biên trái phép bằng thuyền.

Đỗ Trọng Anh đã thông qua hoạt động của công ty do mình làm giám đốc, các mối quan hệ xã hội, các ứng dụng mạng xã hội đã liên hệ, cấu kết với nhiều đối tượng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để tìm các công dân có nhu cầu đi lao động. Hồ sơ gồm: hộ chiếu, căn cước công dân, ảnh; chi phí khoảng từ 15.000 đến 20.000 USD/người, đặt cọc 20 triệu đồng.

Quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, Đỗ Trọng Anh và các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình.

Trực thăng Mi-8 chở 20 người rơi ở Nga

Một chiếc trực thăng Mi-8 chở 20 công nhân đã bị rơi ở khu vực Magadan (vùng Viễn Đông Nga) hôm 14/3.

Theo hãng tin Interfax, chiếc trực thăng gặp nạn khi đang chở các công nhân từ một khu mỏ ở vùng Magadan đến sân bay Omsukchan. Trên máy bay có 20 người, bao gồm ba thành viên phi hành đoàn. Địa điểm máy bay gặp nạn cách thành phố Evensk 75 km.

Hai máy bay trực thăng cứu hộ đã được điều động đến hiện trường và một chiếc khác của Bộ Tình trạng khẩn cấp dự kiến cũng sẽ sớm có mặt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: apa)

Hai người trên máy bay đã thiệt mạng, còn tình trạng của những người khác chưa được xác định.

Cơ quan cứu hộ khẩn cấp cho biết: "Trong quá trình vận chuyển nhóm công nhân làm ca, chiếc máy bay đã gặp sự cố vì điều kiện thời tiết bất lợi. Ngoài ra, nguyên nhân do con người cũng đang được xem xét"./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực