Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết

Thứ hai, 11/03/2024 22:37
(ĐCSVN) - Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết; Ngân hàng Nhà nước “hút” gần 15 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu; Pháp trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ hai toàn cầu… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (11/3).

Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người chết

Ngày 11/3, thông tin từ Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án cháy karaoke An Phú khiến 32 người thiệt mạng xảy ra tại phường An Phú (Thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương).

 Vụ cháy karaoke An Phú khiến 32 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. (Ảnh: X.A).

Được biết, trước đó, vụ cháy karaoke An Phú đã hoàn tất điều tra, Viện Kiểm sát đã chuyển hồ sơ sang TAND tỉnh Bình Dương đề nghị xét xử. Sau khi xem xét hồ sơ, TAND tỉnh Bình Dương đã trả hồ sơ cho VKS đề nghị điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan.

Liên quan đến vụ cháy karaoke An Phú, có 5 bị can bị cơ quan điều tra khởi tố. Trong đó, có 4 bị can là cựu cán bộ công an, người còn lại là chủ quán karaoke An Phú. Tuy nhiên, đang trong quá trình điều tra thì Nguyễn Duy Linh, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Thuận An, đã qua đời vào tháng 6/2023 (do bệnh lý). Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can.

4 bị can còn lại gồm: Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú), Vũ Trường Sơn, Phạm Quốc Hùng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Bị can Nguyễn Văn Võ bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, đêm 6/9/2022 quán karaoke An Phú bất ngờ xảy ra sự cố chập mạch điện trên trần la phông tại khu vực tầng 2. Sau đó, lửa bắt đầu bốc cháy, lan nhanh cả tầng 2 rồi tiếp tục bốc cao và lan lên tầng 3. Thời điểm xảy ra vụ cháy có khoảng hơn 60 người trong quán karaoke này. Khoảng một nửa số người này may mắn thoát nạn. Còn 32 người đã thiệt mạng (18 nam và 14 nữ) cùng một số người khác bị thương. 

Ngân hàng Nhà nước “hút” gần 15 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu

Sau 4 tháng dừng phát hành, chiều 11/3, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày, kết quả có 6/18 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 14.999,8 tỷ đồng trúng thầu, theo hình thức bán hẳn, lãi suất ở mức 1,4%/năm. Đây là động thái hiếm hoi của Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên thị trường mở trong năm 2024.

Mức lãi suất trúng thầu 1.4%/năm thấp hơn nhiều so với mức 2.13%/năm của lãi suất kỳ hạn 1 tháng trên thị trường liên ngân hàng cho thấy thanh khoản hệ thống đang khá dư thừa.

Ngân hàng Nhà nước “hút” 14.999,8 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. (Ảnh chụp màn hình).

Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản hệ thống của Nhà điều hành và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng. Điều này sẽ hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực và đang áp sát mức đỉnh lịch sử.

Tỷ giá liên ngân hàng đã tạo mức đỉnh lịch sử mới và hiện đang giao dịch tại 24.702 VND/USD, tăng 1,6% kể từ đầu năm. Tỷ giá tại thị trường tự do và tỷ giá trung tâm giảm đồng loạt và đang giao dịch lần lượt ở mức 25.350 VND/USD và 24.012 VND/USD, lần lượt tăng 2,4% và 0,5% kể từ đầu năm.

Trước đó, trong bối cảnh tương tự vào tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hút ròng 9.995 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu sau 15 tuần "im ắng". Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt phần nào áp lực lên tỷ giá đang tăng mạnh thời điểm đó.

Thống kê từ ngày 21/9 - 8/11, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng 360.345 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày. Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu từ phiên 9/11/2023 khi tỷ giá bắt đầu hạ nhiệt.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc thực hiện nghiệp vụ phát hành tín phiếu này còn có thể được coi là tích cực, thay vì Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương án bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối.

Pháp trở thành nhà xuất khẩu vũ khí thứ hai toàn cầu

Ngày 11/3, Interfax dẫn báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Nga đã tụt xuống vị trí thứ ba trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, đánh mất vị trí thứ hai cho Pháp. Trong khi đó, Mỹ vẫn giữ vững vị trí số một.

 Tiêm kích Rafale của Pháp diễn tập cùng máy bay NATO. (Ảnh: RAF)

Theo SIPRI, giai đoạn 2019 - 2023, xuất khẩu vũ khí của Nga giảm 53% so với giai đoạn 5 năm trước đó (2014 - 2018). Vào năm 2019, vũ khí Nga được đưa sang 31 quốc gia, trong khi đến năm 2023, chỉ 12 quốc gia nhập khẩu các loại khí tài quân sự do Moscow cung cấp. Trong 5 năm (2019 - 2023), các nước châu Á chiếm 68% tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Nga, trong đó Ấn Độ chiếm 34%.

Giới quan sát đánh giá nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu vũ khí của Nga là bởi nước này cần huy động nguồn lực lớn hơn cho chiến dịch quân sự ở Ukraine; cũng như tác động tiêu cực từ các gói lệnh trừng phạt mà Mỹ cùng đồng minh áp đặt.

Ngược lại so với Nga, giai đoạn 2019 - 2023, giá trị vũ khí xuất khẩu của Pháp ghi nhận mức gia tăng 47% so với giai đoạn 5 năm trước đó, giúp họ lần đầu tiên trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai toàn cầu. Phần lớn vũ khí xuất khẩu của Pháp được đưa đến châu Á, châu Úc và Trung Đông.

Nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Pháp là Ấn Độ, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp. Sự gia tăng trong xuất khẩu vũ khí của Pháp đạt được phần lớn nhờ các hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.

Báo cáo của SIPRI cũng cho thấy Mỹ giữ vững vị trí số một khi xuất khẩu vũ khí của nước này tăng 17% trong giai đoạn 2019 - 2023. Washington hiện chiếm 42% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu, tăng từ mức 34%. Trong 5 năm qua, Mỹ đã cung cấp vũ khí cho tổng cộng 107 quốc gia./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực