Vụ Việt Á: Bắt hai sĩ quan cấp tá thuộc Học viện Quân y

Thứ ba, 08/03/2022 22:31
(ĐCSVN) - Giá vàng SJC lao dốc; Vụ Việt Á: Bắt hai sĩ quan cấp tá thuộc Học viện Quân y; Nga trở thành nước hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới... là một số tin trong nước và quốc tế đáng chú ý ngày 8/3.

Giá vàng SJC lao dốc

 Trưa 8/3, giá vàng trong nước tiếp tục ngược dòng thị trường kim loại quý thế giới. Các nhà vàng trong nước đột ngột điều chỉnh giá giao dịch xuống sâu bất chấp mỗi ounce vàng thế giới đã nhích lên 1.996 USD một ounce - thu hẹp đáng kể biên độ giảm so với lúc sáng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lúc 13h00 niêm yết giá bán ra 72,2 triệu đồng, giảm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Giá mua vào chỉ giảm 2 triệu đồng, xuống 70,4 triệu đồng. Trong khi đó, vàng nhẫn giữ giá ổn định quanh mức 56-57 triệu đồng một lượng.

 Đồ họa biến động giá vàng (nguồn: vnexpress)

Tương tự, Bảo Tín Minh Châu và DOJI cũng hạ giá bán về quanh vùng 72,5 triệu đồng. Chỉ có Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đang bán ra hơn 73 triệu đồng một lượng, chênh 2,7 triệu đồng so với giá mua vào.

Đây là đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên trong vòng một tuần qua của thị trường kim loại quý trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của một số tiệm vàng, giá bán sẽ khó mất mốc 70 triệu đồng trong khoảng một tuần tới.

Do giá trong nước và thế giới ngược chiều nên chênh lệch khi quy đổi theo tỷ giá ngân hàng cũng được thu hẹp. Mỗi lượng vàng SJC hiện chỉ còn cao hơn giá thế giới 16,9 triệu đồng.

Đại diện các doanh nghiệp vàng cho biết, tuy giá biến động mạnh, tăng giảm vài triệu đồng trong ngày nhưng các giao dịch hiện nay không chạy theo một chiều như ở những thời điểm sốt nóng trước đây. Trên thị trường xuất hiện sự đan xen cả mua lẫn bán và các giao dịch hầu hết vẫn còn nhỏ lẻ, không có sự đột biến.

Vụ Việt Á: Bắt hai sĩ quan cấp tá thuộc Học viện Quân y

Hai sĩ quan cấp tá thuộc Học viện Quân y vừa bị bắt tạm giam về tội Tham ô tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo Bộ Quốc phòng, chấp hành kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại phiên họp thứ 21, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội báo cáo kết quả điều tra, xác minh về các sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, bàn giao Đề tài Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) và sai phạm trong việc mua một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á. Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá: Sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật.

 Phan Quốc Việt (bìa trái, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và Thượng tá Hồ Anh Sơn tại họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Công nghệ Việt Á phối hợp thực hiện. (Ảnh: VGP)

Liên quan đến sai phạm nói trên, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Khoản 4 Điều 353 và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, Cơ quan Điều tra Bộ Quốc phòng còn khởi tố Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư (Học viện Quân y), về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3 Điều 222 Bộ Luật Hình sự.

Các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đều được Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương phê chuẩn.

Nga trở thành nước hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới

Bloomberg đưa tin, Nga trở thành quốc gia bị nhận nhiều lệnh trừng phạt nhiều nhất thế giới, chỉ 2 tuần sau khi Moscow công nhận độc lập của 2 vùng ly khai tại Đông Ukraine (21/2), và mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine (24/2).

Chỉ từ ngày 22/2, Nga đã nhận thêm 2.778 lệnh trừng phạt mới, nâng tổng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này là 5.530, Bloomberg dẫn thống kê của hệ thống dữ liệu lệnh trừng phạt toàn cầu Castellum.ai, cho biết.

Thủ đô Moscow (ảnh chụp màn hình)

Giới quan sát nhận định, phương Tây đang ngày càng dồn nhiều áp lực lên Nga liên quan tới hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine.

"Đây giống một cuộc chiến hạt nhân trong lĩnh vực tài chính. Nga đã từ một phần của nền kinh tế toàn cầu trở thành mục tiêu lớn nhất của các lệnh trừng phạt trên toàn thế giới trong vòng 2 tuần", Peter Piatetsky, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, so sánh.

Bên áp nhiều lệnh trừng phạt nhất tới Nga trong thời gian qua là Thụy Sĩ (568), rồi tới Liên minh Châu Âu (EU) với 518 biện pháp, Pháp với 512 lệnh. Mỹ đã ra 243 lệnh trừng phạt với Nga.

Mỹ và các đồng minh vẫn đang xem xét khả năng trừng phạt ngành năng lượng của Nga, bao gồm dầu và khí đốt. Tuy nhiên, điều này có thể "làm khó" EU vì thực tế Nga là nhà cung cấp dầu và khí lớn cho nhiều nước tại châu lục này. Lệnh trừng phạt chống Nga trong lĩnh vực này có thể khiến nhiều nước Châu Âu chịu tổn hại nặng nề./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực