Đồng Tháp: Điểm sáng về mô hình Tổ Nhân dân tự quản khu vực biên giới

Thứ năm, 23/03/2023 18:47
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Thời gian qua, sự hình thành và phát triển mô hình Tổ Nhân dân tự quản ở tỉnh Đồng Tháp nói chung và 3 huyện, thành phố biên giới nói riêng đã phần nào góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

 

 Tổ nhân dân tự quản ở thành phố Hồng Ngự sinh hoạt, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thành viên.

Đồng Tháp có các địa phương giáp tỉnh Pray Veng (Vương quốc Campuchia) là huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự. Chính vị trí địa lý đặc thù này, Đồng Tháp có nhiều đường tiểu ngạch và hàng trăm đường mòn, lối mở qua lại trên đường bộ, đường thủy, công tác đảm bảo an ninh trật tự lại càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm. Do đó, sự hình thành và phát triển mô hình Tổ Nhân dân tự quản ở tỉnh Đồng Tháp nói chung và 03 huyện, thành phố biên giới nói riêng đã phần nào góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới.

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 12.431 Tổ Nhân dân tự quản, với 1.700.930 thành viên. Trong đó, huyện Tân Hồng có 555 tổ (21.955 hộ với 75.456 thành viên); huyện Hồng Ngự có 1.267 tổ (39.184 hộ với 119.537 thành viên) và thành phố Hồng Ngự có 543 tổ (20.553 hộ với 81.541 thành viên). Quy mô hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản trên địa bàn các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự tương đối ổn định và nằm trong phạm vi của xã, phường, thị trấn, không có Tổ hoạt động có quy mô liên xã. Cơ cấu thành viên tham gia Tổ Nhân dân tự quản cũng khá đa dạng, gồm cả nông dân, cán bộ, công chức, công nhân, lao động tự do… không có sự phân biệt về ngành nghề, vị trí công tác.

Thời gian qua, Tổ Nhân dân tự quản đã tập hợp, vận động thành viên cùng tham gia thực hiện những phần việc thiết thực trong lĩnh vực an ninh trật tự; môi trường; an toàn giao thông… Thông qua hoạt động của các Tổ Nhân dân tự quản, nhiều địa phương có cách làm hay, hiệu quả, đổi mới nội dung sinh hoạt như: mô hình “Ly trà đầu câu chuyện” ở phường An Lạc, mô hình “Quỹ tiết kiệm xây nhà vệ sinh” phường An Lộc, mô hình “Hùn vốn mua sắm trang trí trong gia đình” phường An Bình A, thành phố Hồng Ngự; thực hiện gắn bảng tên Tổ Nhân dân tự quản có số điện thoại của Công an cùng cấp ở huyện Hồng Ngự, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của hộ thành viên trong công tác phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trên địa bàn. 

Bên cạnh đó, hoạt động của Tổ Nhân dân tự quản còn gắn liền với quá trình đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đời sống, là cầu nối quan trọng để hệ thống chính trị cơ sở lắng nghe “tiếng nói” của Nhân dân. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương còn kịp thời thông tin về các chương trình, mục tiêu xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tạo sự gắn kết trong cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết tình làng, nghĩa xóm thông qua quá trình sinh hoạt của Tổ Nhân dân tự quản trong cộng đồng dân cư.

Mô hình Tổ Nhân dân tự quản qua nhiều năm triển khai thực hiện đã dần khẳng định được vai trò, ý nghĩa đối với người dân tại cộng đồng dân cư trên toàn tỉnh Đồng Tháp nói chung và 3 huyện, thành phố biên giới của tỉnh nói riêng.

Qua hoạt động, các Tổ Nhân dân tự quản đã góp phần cùng với hệ thống chính trị cơ sở khẳng định vị thế, tiếng nói và “chủ quyền Nhân dân” trong quá trình quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Qua đó khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc phát huy quyền con người, quyền công dân, là thiết chế phù hợp giúp cho Nhân dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản đã được Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành ghi nhận./.

Tuyết Hoa - Quang Thành

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực