Indonesia: Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh UNEP về môi trường

Thứ năm, 25/02/2010 08:12

(ĐCSVN) – Ngày 24/2, tại Bali, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chính thức chủ trì khai mạc Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bộ trưởng thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) với chủ đề “Một trái đất, trách nhiệm của chúng ta”.

Người đứng đầu Indonesia cũng bày tỏ mong muốn diễn đàn lần này sẽ có thể đưa ra được giải pháp tăng cường cho quá trình phát triển kinh tế đối với thế hệ hiện tại cũng như thế hệ tương lai. Ông cũng đồng thời rung lên một hồi chuông báo động về tình hình thời tiết diễn ra trong vòng 12 năm vừa qua, theo đó trái đất đã ghi nhận hiện tượng gia tăng nhiệt độ cao nhất kể từ năm 1850, dẫn đến mực nước biển dâng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của nhân loại và gây hại đến các hệ động thực vật.

Về mặt kinh tế, biến đổi khí hậu cũng gây thiệt hại ít nhất là 50 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới và phủ bóng đen lên quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vốn kỳ vọng sẽ đạt được trước năm 2015.

Nhân dịp này, Tổng thống Indonesia cũng công bố triển khai kế hoạch của quốc gia tiến hành trồng một tỷ cây xanh trong năm nay. “Chúng tôi mong muốn đóng góp hàng tỷ cây xanh cho trái đất bởi đây chính là nguồn sẽ có thể hấp thụ hàng chục tấn khí đi-ô-xít các-bon”, Tổng thống khẳng định.

Diễn đàn môi trường của UNEP nhóm họp đại diện của khoảng hơn 130 quốc gia, sẽ kéo dài đến hết ngày 26/2.

Vào thời điểm một ngày trước khai mạc, UNEP đã công bố kết quả của nghiên cứu, theo đó kêu gọi các quốc gia trên thế giới cần tôn trọng cam kết về cắt giảm lượng khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính nếu họ mong muốn tiếp tục được quyền hy vọng có thể ngăn chặn các hệ quả thảm khốc của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo Giám đốc hành pháp UNEP, Achim Steiner, “các quốc gia sẽ phải đưa ra mục tiêu cao hơn nữa về cắt giảm khí thải để thế giới có thể hạn chế một cách hiệu quả sự gia tăng của nhiệt độ. Chúng ta hiện biết rằng việc chúng ta không có phản ứng gì trong dài hạn sẽ có thể đưa đến những viễn cảnh thực sự đáng lo ngại”.

60 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ và 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đã công bố với Liên hợp quốc, vào ngày hạn định cuối cùng là 31/1, các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm hạn chế sự nóng lên của khí hậu không vượt quá 2°C theo như Thỏa thuận Copenhagen được đưa ra vào cuối năm trước. Các quốc gia này đã phát tán ra lượng khí thải chiếm 78% tổng số khí thải của toàn thế giới. Theo các nhà khoa học, để đạt được mục tiêu này, cần phải giảm lượng khí độc hại xuống ít nhất 50% trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực