“Bảo vệ cuộc sống, xây dựng hòa bình”

Thứ năm, 04/04/2024 19:43
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Năm nay, Liên hợp quốc chọn chủ đề “Bảo vệ cuộc sống, xây dựng hòa bình” cho Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động tháo dỡ bom mìn (4/4) để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường và thúc đẩy hòa bình trong các khu vực xung đột, chống sử dụng bom mìn bừa bãi, sát hại thường dân vô tội.

Mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và các thiết bị nổ tự chế tiếp tục gây nên các ca tử vong và thương tích. Theo ước tính của Liên hợp quốc, trung bình cứ 1 giờ trôi qua có hơn 1 người tử vong hoặc thương tật do bom mìn, vật liệu nổ gây ra.

Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động tháo dỡ bom mìn (4/4) được Liên hợp quốc tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của con người về một thế giới không còn mối đe dọa về bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Năm nay, Liên hợp quốc chọn chủ đề “Bảo vệ cuộc sống, xây dựng hòa bình” cho ngày này để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường và thúc đẩy hòa bình trong các khu vực xung đột, chống sử dụng bom mìn bừa bãi, sát hại thường dân vô tội.

Các nhân viên Liên hợp quốc tiến hành hoạt động rà phá bom mìn. (Ảnh: UNMAS)
 Tại nhiều quốc gia, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh và thiết bị nổ tự chế (IED) vẫn  được xem là "mối hiểm họa ẩn mình" đe dọa trực tiếp hàng triệu người dân, nhất là tại các khu vực đã và đang trải qua chiến tranh, xung đột.

Ngày 4/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, số người thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn và vật liệu nổ ở Myanmar trong năm 2023 đã tăng gần gấp 3 so với năm 2022, lên tới 1.052 trường hợp. Theo UNICEF, bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của 188 người và làm 864 người bị thương ở Myanmar trong năm 2023. Trong số này, có tới hơn 20% là trẻ em. Thống kê cho thấy gần 35% số thương vong liên quan đến bom mìn trong năm 2023 được ghi nhận ở vùng nông nghiệp Sagaing, phía Bắc Myanmar.

Trong khi đó, Afghanistan là một trong những quốc gia có nhiều bom mìn còn sót lại nhất, cũng là quốc gia chịu nhiều thương vong do bom mìn gây ra nhất thế giới, mặc dù kể từ năm 1989, hơn 18 triệu quả bom mìn tại nước này đã được rà phá, giải phóng hơn 3.000km2 đất. Giới chuyên gia ước tính, với tốc độ rà phá như hiện nay, phải mất vài trăm năm nữa bom mìn sót lại tại Afghanistan mới được tháo gỡ hết. Theo tờ Guardian, kể từ năm 2001, lực lượng không quân Mỹ và NATO đã thả 20.000 tấn bom xuống Afghanistan, khoảng 10% trong số đó khi chạm đất không phát nổ và bị chôn vùi trong lòng đất, là nguy cơ đe dọa mạng sống của người dân. Trong một báo cáo, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save Children) cho biết tại Afghanistan, gần 60 người, chủ yếu là trẻ em, là nạn nhân của bom mìn mỗi tháng.

Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn sót lại sau chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn sót lại đã làm hơn 40.000 người thiệt mạng, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Việt Nam đang tích cực thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Việt Nam phấn đấu đến 2025, không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc.

Thống kê cũng cho thấy bom mìn, vật liệu nổ vẫn được tìm thấy dọc đường, khu vực biên giới, gần nhà, trường học và nhiều địa điểm khác tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, ước tính 60 triệu người trên thế giới sống trong rủi ro khi không có con đường khác đến trường, không có mảnh đất an toàn để trồng trọt và không được tiếp cận dịch vụ y tế gần nhất do mối đe dọa của bom mìn sót lại.

 Một em bé bị thương tật do bom mìn phát nổ (Ảnh: UNDP)

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2022, ghi nhận 9.198 người thương vong, tức là cứ 1 giờ trôi qua có hơn 1 người tử vong hoặc thương tật do bom mìn, vật liệu nổ gây ra. Dân thường vẫn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất, chiếm 73% số thương vong nêu trên. Trẻ em là nhóm đặc biệt có nguy cơ cao.

Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, kể từ khi Hiệp ước quốc tế về cấm mìn sát thương được ký kết tại Ottawa, Canada ngày 1/3/1999, có 164 quốc gia đã  tham gia Hiệp ước, 55 triệu quả mìn đã bị phá hủy, 30 quốc gia được tuyên bố không có bom mìn và số thương vong đã giảm từ 25.000 người vào năm 1999 xuống dưới 5.000 người vào năm 2023.

Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc rà phá bom mìn, song Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong thông điệp Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và Hỗ trợ hành động tháo dỡ bom mìn năm 2024 đã một lần nữa kêu gọi: “Từng quốc gia, từng cộng đồng, hãy loại bỏ những vũ khí này trên thế giới, một lần và mãi mãi”, để thế giới có thể vĩnh viễn "giã từ" mối hiểm họa ẩn mình của bom mìn sót lại sau chiến tranh./.

Song Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực