Chuyến thăm thúc đẩy quan hệ Nga - Trung Quốc

Thứ ba, 21/03/2023 16:26
(ĐCSVN) – Ngày 20/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Moscow, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nga theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.

Chuyến thăm dự kiến kéo dài 3 ngày (từ 20 - 22/3), được kỳ vọng sẽ mở ra đường hướng cho sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Nga trong một kỷ nguyên mới. Sự kiện này cũng sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thiết thực giữa hai nước, tạo động lực mạnh mẽ cho nỗ lực duy trì hòa bình và thịnh vượng để cùng nhau hướng tới một tương lai vì sự phát triển chung.

leftcenterrightdel

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, ngày 20/3/2023.
(Ảnh: Tân Hoa Xã/Shen Hong)

Chuyến thăm là động lực thúc đẩy quan hệ Nga – Trung Quốc…

Trong nhiều năm qua, các hoạt động thăm viếng lẫn nhau của nguyên thủ hai nước được coi là trụ cột và mang lại động lực mới trong quan hệ Nga - Trung Quốc.

Giới học giả và các nhà nghiên cứu của Nga tin tưởng rằng, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác vì những tiến bộ ổn định và bền vững trong hợp tác song phương, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Phó Chủ tịch thứ nhất Hội hữu nghị Nga - Trung Quốc Galina Kulikova tin tưởng rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ đóng vai trò quan trọng, to lớn đối với quan hệ song phương mà còn góp phần thúc đẩy các hoạt động hợp tác thiết thực.

Sau khi lần đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3/2013, ông Tập Cận Bình đã chọn Nga làm điểm công du đầu tiên. Mười năm sau, Nga tiếp tục được lựa chọn làm điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi Chủ tịch Trung Quốc tái đắc cử nhiệm kỳ 3.

Kể từ năm 2013, ông Tập Cận Bình và ông Putin đã cùng vạch ra kế hoạch phát triển quan hệ song phương và hợp tác thiết thực trên nhiều lĩnh vực, trao đổi thẳng thắn và sâu rộng về kinh nghiệm quản lý nhà nước, cùng phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế lớn. Hai bên theo đuổi chủ trương xây dựng một thế giới đa cực, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và đã đạt đồng thuận chiến lược quan trọng về nâng cấp quan hệ song phương, cùng hành động vì an ninh và ổn định khu vực, vì tương lai chung của nhân loại.

Ông Sergei Lukonin, Trưởng khoa Chính trị và Kinh tế Trung Quốc tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đánh giá, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của quan hệ Nga - Trung, đồng thời tái khẳng định cam kết của hai nước đối với chủ nghĩa đa phương, cùng thúc đẩy xây dựng một thế giới đa cực, tăng cường quản trị toàn cầu và đóng góp cho sự phát triển của thế giới.

…cùng các hoạt động hợp tác trên diện rộng

Trong những năm qua, Trung Quốc và Nga duy trì lập trường ủng hộ lẫn nhau trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi của nhau, các dự án hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm được triển khai đều đặn và đạt được tiến bộ mang tính bước ngoặt trong kết nối xuyên biên giới. Năm 2022, thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục 190,27 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình được đánh giá là sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa đôi bên trong nhiều lĩnh vực, tăng cường sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Liên minh Kinh tế Á - Âu, đồng thời giúp hai nước đạt được các mục tiêu phát triển.

Phó Giáo sư Andrei Gubin thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, hy vọng hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng đường sắt và Tuyến đường biển phía Bắc cũng như xuất khẩu năng lượng.

Trong khi đó, ông Vitaly Mankevich - Chủ tịch Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga - Châu Á, coi chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là "một tín hiệu quan trọng" cho thấy sự phát triển ổn định của quan hệ hai nước.

Tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 21/3 cũng nêu rõ, trong cuộc gặp ở Moscow với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc thúc đẩy quan hệ song phương là lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh.

“Củng cố và phát triển tốt đẹp quan hệ Trung Quốc - Nga là một lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã đưa ra trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và các xu hướng phổ biến trên thế giới” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

leftcenterrightdel
Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong đó khẳng định lập trường của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng "việc thúc đẩy các mối quan hệ với Moscow là sự lựa chọn chiến lược của Bắc Kinh". (Ảnh cắt từ bản tin TASS)

Và mục tiêu kiến tạo hòa bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với tư cách là nguyên thủ quốc gia đã đến thăm Nga 8 lần kể từ năm 2013. Trong 1 thập kỷ qua, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gặp nhau hơn 40 lần dưới nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc lại mang một ý nghĩa đặc biệt và nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ngoài việc khẳng định quan hệ gắn bó giữa hai láng giềng, cuộc gặp gỡ giữa ông Tập Cận Bình và ông Putin còn được kỳ vọng sẽ phát đi những tín hiệu quan trọng vào thời điểm cuộc xung đột Nga - Ukaine đang tiếp diễn.

Ngay từ những phút gặp gỡ đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã nhắc tới tình hình xung đột ở Ukraine và đây cũng là nội dung chi phối các cuộc thảo luận trong thời gian ông Tập Cận Bình ở thăm Nga. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 21/3 khẳng định, trong cuộc gặp ở Moscow, hai nhà lãnh đạo đã "trao đổi sâu sắc" các ý kiến về tình hình Ukraine. Trong đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định lập trường của hầu hết các nước ủng hộ xoa dịu căng thẳng, ủng hộ đàm phán hòa bình và phản đối hành động "đổ thêm dầu vào lửa". Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định với Tổng thống Putin rằng "Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine".

Về phía Tổng thống Nga Putin cũng từng khẳng định sẽ cân nhắc kỹ lưỡng những đề xuất của Bắc Kinh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine và luôn "cởi mở" tham gia tiến trình đàm phán.

Sau chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Đây sẽ là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát.  

Do có quan hệ gần gũi với Nga, Trung Quốc được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các giải pháp đàm phán và hòa giải giữa Moscow và Kiev. Sau khi thúc đẩy thoả thuận hoà giải bất ngờ giữa hai đối thủ Trung Đông là Ả-rập Xê-út và Iran, Bắc Kinh tiếp tục mong muốn khẳng định vai trò là một bên kiến tạo hoà bình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khả năng các bên đạt được bước đột phá lớn về vấn đề Ukraine là rất mong manh vì lập trường đàm phán của Nga và Ukraine vẫn còn quá xa nhau.

Về phía Kiev, ngày 20/3 cũng tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình thảo luận giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, đồng thời nhắc lại quan điểm rằng, bất kỳ kế hoạch hòa bình nào cũng phải bắt đầu bằng việc Nga rút lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ngày 20/3, hãng tin CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko nhằm kêu gọi Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moscow để hướng tới mục tiêu chấm dứt chiến sự ở Ukraine.

“Khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nên là cốt lõi của mọi nỗ lực ngoại giao… Chúng tôi sẵn sàng tham gia đối thoại chặt chẽ hơn với Trung Quốc để khôi phục hòa bình ở Ukraine theo các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc và nghị quyết mới nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề này” – ông Nikolenko nói.

Trung Quốc và Nga, với tư cách là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các bên quan trọng của Nhóm G20, APEC cùng các nhóm toàn cầu và khu vực quan trọng khác, đã hợp tác chặt chẽ và thúc đẩy giải pháp cho nhiều vấn đề quốc tế lớn, từ tình hình Triều Tiên, Afghanistan cho đến vấn đề hạt nhân Iran… Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp diễn, gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế, an ninh, trật tự thế giới thì việc duy trì một mối quan hệ bền vững Nga và Trung Quốc trở thành nền tảng để đôi bên tiếp tục thể hiện trách nhiệm, nâng cao vai trò trong giải quyết những thách thức toàn cầu./.

T.Lan (theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực