Cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Gaza đang bị phá hủy

Thứ tư, 28/02/2024 15:33
(ĐCSVN) - Phó Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) – ông Maurizio Martina, ngày 27/2, đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng các cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại Gaza đang bị phá hủy.

Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Martina đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang, cũng như các hậu quả nghiêm trọng của xung đột đối với ngành nông nghiệp – vốn là “nguồn sinh kế và thu nhập quan trọng” của người dân ở Gaza.

Đề cập chi tiết về những thiệt hại đáng kể mà cuộc xung đột đã gây ra đối với nguồn sinh kế của người dân Gaza, ông Martina cho biết, tính đến ngày 15/2, gần một nửa diện tích đất canh tác của Gaza đã bị thiệt hại. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp bị phá hủy “trên diện rộng”, trong đó các trang trại chăn nuôi cừu và bò sữa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Martina lưu ý rằng hơn 1/4 số giếng trong khu vực đã bị phá hủy, ảnh hưởng đáng kể đến nguồn nước ở Bắc Gaza và thành phố Gaza. Ngoài ra, 339 ha nhà kính đóng vai trò rất quan trọng cho việc nuôi trồng các loại cây trồng khác nhau đã bị chôn vùi trong “đống đổ nát”, đặc biệt là ở thành phố Gaza, khu vực phía Bắc Gaza và Khan Younis.

Xung đột cũng làm gián đoạn nghiêm trọng việc thu hoạch ô liu và trái cây họ cam quýt, những nguồn thu nhập quan trọng của nhiều người ở Gaza.

Ngoài ra, Phó giám đốc FAO cũng đề cập đến những hạn chế nghiêm trọng đối với việc cung cấp viện trợ, vốn đã cản trở các nỗ lực nhân đạo hiệu quả trong khu vực.

Qua đó, ông Martina nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc chấm dứt chiến sự và khôi phục các hành lang nhân đạo để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp hỗ trợ đa ngành cũng như phục hồi các dịch vụ thiết yếu.

“Ưu tiên hàng đầu là khôi phục khả năng tiếp cận nhân đạo an toàn và bền vững trên khắp Dải Gaza và cho tất cả những người cần hỗ trợ cứu sinh” – ông Martina nói, đồng thời kêu gọi khôi phục các dịch vụ cơ bản như đường ống dẫn nước xuyên biên giới, viễn thông, phân phối điện, và các cơ sở y tế.

Quan chức FAO kêu gọi tất cả các bên cần tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế cũng như bảo vệ dân thường. Ông Martina cũng đồng thời nhấn mạnh thêm rằng việc thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và thiết lập hòa bình chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm an ninh lương thực.

Những thông tin trên được quan chức FAO đưa ra trong bối cảnh đang có những tín hiệu lạc quan về việc các bên sẽ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Ngày 27/2, Qatar (quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa Hamas và Israel) nhận định rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới trong vài ngày tới, tiếp nối nhận định trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng các bên có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn mới ở Dải Gaza và trả tự do cho con tin tại đây vào ngày 4/3 tới đây.

Đầu tuần này, truyền thông Israel cũng đã xác nhận việc một phái đoàn quân sự của Israel đã bay tới Qatar để đàm phán chuyên sâu về tình hình Gaza. Các cuộc đàm phán do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian nhằm tìm kiếm thỏa thuận đảm bảo lệnh tạm dừng giao tranh kéo dài sáu tuần giữa Israel và Hamas để cho phép viện trợ vào Gaza, nơi có tới 2,3 triệu người đang “bên bờ vực” nạn đói./.

T.Lan (Theo Xinhua, aljazeera)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực