Hạ viện thông qua dự luật trần nợ công, Chính phủ Mỹ có thoát nguy cơ vỡ nợ?

Thứ sáu, 02/06/2023 09:12
(ĐCSVN) – Với tỷ lệ 314 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống, ngày 1/6, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật dỡ bỏ trần nợ của Chính phủ Liên bang cho tới ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu tiên giúp đưa nền kinh tế số 1 thế giới thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời báo chí sau khi Hạ viện thông qua dự luật về trần nợ công (Ảnh: AFP)

Với tên gọi “Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa 2023”, sau khi qua Hạ viện, đạo luật này vẫn cần được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật để tránh kịch bản chính phủ Mỹ phải đối mặt với một vụ vỡ nợ lịch sử.

Trong một tuyên bố đưa ra ngay sau động thái của Hạ viện, Tổng thống Mỹ J.Biden đã kêu gọi Thượng viện nhanh chóng phê chuẩn “Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa 2023” để ông có thể ký thành luật.

Theo lập luận của người đứng đầu Nhà Trắng thì thỏa thuận nâng trần nợ công là một hỏa hiệp lưỡng đảng. “Không bên nào có được mọi thứ mình muốn… Tôi đã nói rõ rằng con đường duy nhất phía trước là một thỏa hiệp lưỡng đảng có thể nhận được sự ủng hộ của cả hai bên. Thỏa thuận này đáp ứng được bài kiểm tra đó” – ông J.Biden nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Theo Đạo luật vừa được thông qua tại Hạ viện, giới hạn nợ của Mỹ sẽ được tăng lên mức nợ thực tế vào ngày 2/1/2025. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải áp dụng trở lại các biện pháp điều hành kinh tế đặc biệt ngay sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Sau khi Hạ viện thông qua, dự luật trần nợ công sẽ bước sang khâu biểu quyết tại Thượng viện. Giới lãnh đạo Thượng viện đã phát đi tín hiệu lạc quan khi cho biết họ muốn bỏ phiếu đối với dự luật này sớm nhất vào ngày 01/06 (theo giờ Mỹ), song lưu ý thêm điều này vẫn cần có sự đồng ý của cả 100 Thượng nghị sỹ của hai đảng. Chính vì thế, việc dự luật trần nợ công được Hạ viện thông qua chỉ là bước đầu giúp Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ. Cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Thượng viện có thể kéo dài đến cuối tuần, đặc biệt là khi có bất kỳ ai trong số 100 thượng nghị sĩ cố gắng trì hoãn việc thông qua dự luật. 

Theo dự báo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs ở Mỹ, tổng nợ của Chính phủ Liên bang Mỹ sẽ vượt quá 35 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2025. Trong một nỗ lực nhằm đảo ngược tình thế, ngày 27/5, Tổng thống J.Biden và các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ.

Mỹ đã đạt giới hạn nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1 năm nay và đang đứng trước nguy cơ không thể thực hiện được các nghĩa vụ nợ của mình trước ngày 5/6 nếu không tăng hoặc đình chỉ mức trần nợ. Nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ trong những ngày gần đây tạo ra tâm lý hoang mang đối với giới đầu tư trong và ngoài nước. Vào cuối tháng 5/2023, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings đã cảnh báo rằng, việc Quốc hội bế tắc trong đàm phán nâng trần nợ đã đẩy nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ, đồng thời khiến mức xếp hạng tín nhiệm AAA của nước Mỹ bị đẩy xuống danh sách “theo dõi tiêu cực”.

Thị trường đã phản ứng tức thời ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ nợ của chính phủ. Ngay trong ngày 1/6, chứng khoán thế giới và của Mỹ đều đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, chỉ số vốn chủ sở hữu toàn cầu MSCI đã tăng thêm 1% trong khi chỉ số STOXX 600 của châu Âu tăng 0,78% sau khi đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng hai tháng trong phiên trước đó.

Tại Trung tâm chứng khoán phố Wall, New York, cả ba chỉ số chính đều tăng, với mức tăng đi đầu là cổ phiếu công nghệ, dịch vụ truyền thông, công nghiệp và tài chính./.

T.Lan (Theo theguardian, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực