Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ trì hoãn bầu cử ở Nam Sudan

Thứ năm, 25/05/2023 10:28
(ĐCSVN) – Ngày 24/5, Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) đã kêu gọi các đảng phái tại Nam Sudan tăng cường nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận an ninh chuyển tiếp để tổ chức các cuộc bầu cử như dự kiến.
Trẻ em đang nhìn ra một khung cửa sổ từ một ngôi nhà ở Nam Sudan. (Ảnh: UNMISS) 

Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đồng thời là người đứng đầu UNMISS - ông Nicholas Haysom cho biết, Tổng thống và các đảng phái khác của Nam Sudan được khuyến nghị tăng cường các nỗ lực nhằm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ còn tồn tại như: ban hành hiến pháp vĩnh viễn, ban hành luật bầu cử và thành lập các thể chế bầu cử. Theo lộ trình hoàn thành quá trình chuyển tiếp của Nam Sudan sang giai đoạn tổ chức các cuộc bầu cử và thành lập chính phủ mới vốn được gia hạn vào tháng 8/2022, các bên đã đồng ý tổ chức bầu cử sau 24 tháng (tức là vào tháng 12/2024).

Ông Haysom lưu ý rằng quá trình lập hiến tại Nam Sudan đã bị chậm 10 tháng, còn kế hoạch bầu cử chậm 8 tháng so với kế hoạch, trong khi một số khía cạnh của các thỏa thuận an ninh chuyển tiếp vẫn chưa hoàn thiện.

Theo quan điểm của đại diện Liên hợp quốc, trong bối cảnh hiện nay, phần lớn sự chú ý của khu vực và quốc tế đã chuyển hướng sang cuộc xung đột ở nước láng giềng Sudan, trong khi đó, tiến trình hòa bình của Nam Sudan lại đang ở thời điểm quan trọng, giữa triển vọng có thể đạt được tiến bộ song cũng có nguy cơ bị chậm lại.

Phát biểu trước các phóng viên ở thủ đô Juba của Nam Sudan, ông Haysom chia sẻ quan điểm cho rằng, cuộc xung đột ở nước láng giềng Sudan càng kéo dài thì sẽ càng có nguy cơ để lại những hậu quả nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và nhân đạo đối với Nam Sudan.

Quan chức này cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu thực hiện một cuộc điều tra cụ thể cho thấy liệu Nam Sudan đã sẵn sàng tiến hành bầu cử hay chưa, đồng thời yêu cầu các thành viên UNMISS vốn đang ủng hộ cuộc bầu cử đưa ra cơ sở thực tế cho quan điểm này.

Theo lập luận của ông Haysom, việc tiếp tục kéo dài cuộc xung đột ở Sudan không chỉ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an ninh và kinh tế của Nam Sudan, mà còn làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã nghiêm trọng ở quốc gia Đông Phi này. “Về các thách thức an ninh, kinh tế và nhân đạo nói chung, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng Nam Sudan sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả những tác động của tình hình Sudan, mà không bỏ quên nhu cầu cấp bách nhằm giải quyết các thách thức an ninh nội bộ của chính họ” - ông Haysom nói.

Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12/2013, sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar bị Tổng thống Kiir cáo buộc âm mưu đảo chính. Tình hình bất ổn tại quốc gia Đông Phi đã nhanh chóng bị đẩy thành bạo lực, lan sang các bang Jonglei, Upper Nile và Unity.

Bạo lực leo thang đã gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Nam Sudan khi tháng 7/2014, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tuyên bố cuộc khủng hoảng lương thực ở Nam Sudan là “tồi tệ nhất thế giới”. Nạn đói đã được tuyên bố ở Nam Sudan trong vài tháng đầu năm 2017, với gần năm triệu người có nguy cơ mất an ninh lương thực. Kể từ đó, tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, cùng với việc Liên hợp quốc cảnh báo rằng 2021 có thể là năm tồi tệ nhất với hơn 8 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở Nam Sudan.

Tình hình an ninh đang diễn biến theo chiều hướng xấu cùng sự thiếu vắng của các thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa nhiều phe phái đối địch ở Nam Sudan trong cuộc nội chiến kết thúc vào năm 2018 đã đặt ra nghi ngờ về việc liệu chính phủ có thể ngăn chặn bạo lực để bầu cử diễn ra suôn sẻ. Sau hơn 1 thập kỷ chìm trong bất ổn, xung đột bùng phát ở nước láng giềng Sudan đang khiến cơ hội hòa giải ở Nam Sudan ngày càng trở nên mong manh trong khi mối đe dọa đối với dân thường và nguy cơ bất ổn vẫn còn hiện hữu./.

Thu Hiền (Theo Xinhua, cfr.org)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực