Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách tiền tệ

Thứ sáu, 10/03/2023 16:57
(ĐCSVN) - Ngày 10/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng và chương trình kiểm soát lợi suất trái phiếu để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế.
 Tại cuộc họp chính sách cuối cùng dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ. (Ảnh: AFP) 

Theo đó, kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài 2 ngày, Hội đồng chính sách BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định duy trì việc mua vào không giới hạn JGB kỳ hạn 10 năm nhằm bảo vệ mức trần lợi suất trái phiếu ở mức 0,5%.

Quyết định này được hầu hết các nhà phân tích mong đợi, tuy nhiên việc duy trì chính sách tiền tệ đã khiến đồng Yen và lợi suất trái phiếu sụt giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt cược BoJ sẽ điều chỉnh chương trình “đường cong lợi suất” (YCC) tại cuộc họp chính sách cuối cùng của Ngân hàng này dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda.

Đồng Yen đã liên tục suy yếu so với đồng USD trong nhiều tháng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để chống lạm phát nhưng BoJ vẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng để bảo vệ đà tăng trưởng kinh tế mong manh của quốc gia.

Theo dự kiến, Giáo sư Kazuo Ueda sẽ giữ chức Thống đốc BoJ từ ngày 9/4 tới, thay cho Thống đốc Haruhiko Kuroda sắp mãn nhiệm. Thống đốc tiếp theo của BoJ sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn là vạch ra lộ trình mới cho Ngân hàng Trung ương này.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng ông Ueda sẽ chưa điều chỉnh ngay lập tức chính sách tiền tệ của Nhật Bản. Phát biểu trong phiên điều trần tại Hạ viện hôm 24/2, ông Kazuo Ueda khẳng định “việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng là thích hợp” nhằm đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% cho dù chính sách này đang mang lại “nhiều tác dụng phụ”.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của BoJ được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Nhật Bản đã tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu mà BoJ đã đặt ra. Lạm phát tại Nhật Bản đã ghi nhận mức cao nhất trong vòng 40 năm qua vào tháng 11/2022 và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật Bản tăng mạnh là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và xu hướng đồng Yen mất giá, đã đẩy giá cả sinh hoạt leo thang trong thời gian qua.

Tỷ lệ lạm phát cao đã làm dấy lên kỳ vọng BoJ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay để ngăn áp lực tăng giá. BoJ đã áp dụng chính sách tiền tệ siêu thấp trong gần một thập kỷ qua, bất chấp tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

BoJ là một trong số ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện vẫn giữ chính sách lãi suất siêu lỏng, trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát và theo kịp tốc độ nâng lãi suất của FED./.

H.Hà (Theo Reuters, Straits Times)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực