Những hy vọng từ đối thoại Shangri-La năm 2023

Thứ năm, 08/06/2023 09:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Đối thoại Shangri-La năm 2023 (lần thứ 20) tại Singapore có tính chất đặc biệt quan trọng khi diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế nói chung và tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng còn nhiều biến động khó lường. Mặc dù còn nhiều căng thẳng, thách thức an ninh đang tiềm ẩn, Đối thoại Shangri-La năm nay mang đến nhiều hy vọng tìm ra cách tiếp cận mới.
Phiên thảo luận hôm 3/6 với chủ đề “Xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2023 tại Singapore. Ảnh: IISS.

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương; nơi trao đổi, tranh luận về những thách thức an ninh cấp bách. Nhiều chủ đề thảo luận chung và các cuộc tiếp xúc riêng về vấn đề khủng hoảng Ukraine, xung đột Mỹ - Trung, nguy cơ tiềm ẩn ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, xu hướng gia tăng năng lực quân sự, khả năng tên lửa và hạt nhân cũng như công nghệ tiên tiến đang được sử dụng trong quân sự, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), các thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu. Mặc dù còn nhiều căng thẳng, thách thức an ninh đang tiềm ẩn, Đối thoại Shangri-La năm 2023 mang đến nhiều hy vọng tìm ra cách tiếp cận mới. 

Trước hết là vấn đề thúc đẩy hợp tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; xây dựng châu Á - Thái Bình Dương ổn định và cân bằng. Đối thoại Shangri-La năm 2023 vừa khẳng định vai trò, vị trí địa chiến lược của khu vực, vừa cho thấy nhiều căng thẳng, thách thức an ninh đang tiềm ẩn. Đó là sự hiện diện của các cường quốc, trật tự an ninh hàng hải, sự phát triển của nhiều cấu trúc an ninh, thỏa thuận hợp tác an ninh 3 bên, 4 bên và đa phương. Mặc dù còn có sự khác biệt trong mục tiêu chiến lược, lợi ích cốt lõi, sự khác biệt trong nhận thức và hành động của một số nước, nhất là nước lớn, nhưng nguyện vọng chung của các quốc gia là thúc đẩy nỗ lực hợp tác, đối thoại khu vực. Bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời gian qua là những thất bại về an ninh ở một khu vực sẽ ảnh hưởng đến an ninh ở mọi nơi trên thế giới.

Tại Đối thoại Shangri-La năm 2023, lãnh đạo an ninh nhiều nước cho rằng, điểm mấu chốt, “chìa khóa” để mở ra cánh cửa, thực hiện mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương là việc thượng tôn luật pháp quốc tế và ưu tiên đối thoại. Theo đó, luật lệ quốc tế cần được áp dụng cho tất cả, các quốc gia đều bình đẳng, dù là quốc gia nhỏ nhất hay quốc gia lớn nhất. Các bên cần nỗ lực tăng cường liên lạc, đối thoại và củng cố lòng tin chiến lược; vừa hợp tác vừa cạnh tranh, xây dựng cơ chế quản lý rủi ro, ổn định, cân bằng quan hệ dựa trên các quy tắc và chuẩn mực quốc tế; đề cao trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Đối thoại, trao đổi là điều rất cần thiết, càng trao đổi nhiều càng tránh được những hiểu lầm và tính toán sai lầm có thể dẫn đến khủng hoảng hoặc xung đột. 

Mỹ và Trung Quốc là hai nước lớn có vai trò, trọng trách trước hết và lớn nhất đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng các quốc gia, nhất là quốc gia đang phát triển, mới nổi, có vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. Thực tế cho thấy các tổ chức cơ chế hợp tác tiểu khu vực giữa các quốc gia đang phát triển, mới nổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, ngoại giao vì lợi ích riêng và chung của khu vực, ngày càng phát huy vai trò, tác dụng. Cộng đồng ASEAN là một minh chứng cho xu hướng này. 

Mặc dù còn nhiều sự khác biệt về quan điểm, thiếu vắng niềm tin trong tuyên bố và hành động của một số quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, vấn đề Đài Loan, biển Đông, chạy đua vũ trang, thiết lập các liên minh quân sự, nhưng vẫn có tia hy vọng trong các bài phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cho rằng giữa Trung Quốc và Mỹ có các hệ thống và nhiều khía cạnh khác nhau, tuy nhiên, điều này không nên ngăn cản hai bên tìm những điểm chung và lợi ích chung để phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc thêm hợp tác. 

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng bày tỏ, cạnh tranh Mỹ - Trung không bao giờ được phép chuyển thành xung đột và Mỹ không hướng đến một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Các quốc gia đều mong muốn Mỹ và Trung Quốc đối thoại, tháo gỡ mâu thuẫn, căng thẳng, bởi vì việc xây dựng hòa bình, an ninh và ổn định phụ thuộc vào năng lực chiến lược, năng lực ngoại giao và củng cố niềm tin đối với nhau.

Về việc kiểm soát các rủi ro và cạnh tranh, Đối thoại Shangri-La đề cao trách nhiệm tập thể và luật pháp quốc tế. Thực tế cho thấy, các hành động đơn phương đã làm lung lay trong niềm tin của các quốc gia về các quy tắc chung của luật pháp cũng như các mối quan hệ quốc tế, qua đó tạo nên nguy cơ phá vỡ ổn định và an ninh của không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên toàn thế giới. Do đó, cần tập hợp các nhà lãnh đạo của các quốc gia từ khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN và các đối tác thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng. Xây dựng hòa bình, an ninh và ổn định được xác định là nhiệm vụ chung, trách nhiệm tập thể chứ không phải chỉ là trách nhiệm riêng một quốc gia nào. Đồng thời, cần khắc phục sự lệch pha giữa các tuyên bố và các hoạt động trên thực địa. 

Ngày càng có nhiều quốc gia châu Âu cũng như Liên minh châu Âu (EU) quan tâm đến việc tăng cường sự hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Do đó, tình hình địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ tác động trực tiếp đến an ninh châu Âu. Vì thế, các lãnh đạo an ninh châu Âu mong muốn trở thành một đối tác đáng tin cậy và có năng lực ở châu Á - Thái Bình Dương để cùng nhau hợp tác mạnh mẽ, thúc đẩy an ninh khu vực và trên toàn thế giới.

Như vậy, Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 đã cung cấp một nền tảng có giá trị, cởi mở và trung lập để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng. Các cuộc đối thoại là bước khởi đầu cần thiết, tạo điều kiện cho sự ổn định. Điều này một lần nữa cho thấy Đối thoại Shangri ngày càng khẳng định được vai trò ngày càng tăng của châu Á - Thái Bình Dương trong cấu trúc an ninh toàn cầu./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực