Thế giới tuần qua: Israel nối lại chiến dịch quân sự ở Dải Gaza

Chủ nhật, 03/12/2023 09:34
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Tình hình chiến sự tại Gaza, trong đó Israel tuyên bố nối lại chiến dịch quân sự; Hội nghị COP28 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Giải cứu thành công toàn bộ 41 thợ mỏ sau 17 ngày mắc kẹt ở Ấn Độ... là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới tuần qua (27/11 - 3/12).

Quân đội Israel thông báo nối lại chiến dịch quân sự ở Dải Gaza

Binh sĩ Israel ở Dải Gaza trong bức ảnh được công bố ngày 1/12. (Ảnh: Reuters) 

Ngày 1/12, Quân đội Israel (IDF) thông báo nối lại chiến dịch quân sự trên Dải Gaza, với các cuộc không kích và bắn đạn pháo ở thành phố Gaza trong bối cảnh không có thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn tại dải đất này.

Trong thông báo, IDF cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas vi phạm lệnh ngừng bắn và bắn rocket về phía lãnh thổ Israel. Thông báo được đưa ra vài giờ sau khi IDF cho biết đã đánh chặn 1 rocket bắn từ phía Dải Gaza. Hãng tin AFP (Pháp) dẫn nguồn tin tại Dải Gaza cho biết các máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện loạt vụ không kích và bắn đạn pháo vào một số địa điểm ở thành phố Gaza. Tiếng máy bay không người lái cũng xuất hiện trên bầu trời miền Nam dải đất này, lần đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực 7 ngày trước.

Thông báo nối lại chiến dịch quân sự của Israel xóa tan mọi hy vọng lệnh ngừng bắn giữa nước này và phong trào Hamas, kiểm soát Dải Gaza sẽ tiếp tục được gia hạn sau 7 ngày thực thi. Lệnh ngừng bắn đã mở đường giải thoát hàng chục con tin bị Hamas bắt cóc từ Israel và trả tự do cho nhiều tù nhân người Palestine bị Israel giam giữ cũng như tạo điều kiện tăng cường hàng hóa cứu trợ cho Dải Gaza.

Trước đó hãng Aljazeera ngày 30/11 đưa tin, trong cuộc điện đàm gần đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khẳng định một chiến dịch ở phía Nam Gaza là “cần thiết” để quân đội nước này đạt được mục tiêu xóa sổ Hamas.  

Trong diễn biến liên quan, ngày 30/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã đề nghị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đảm bảo các hoạt động quân sự của Israel ở phía Nam Dải Gaza không gây thiệt hại về người và cơ sở vật chất trên Dải Gaza như đã từng xảy ra trong chiến dịch quân sự ở phía Bắc dải đất này.

Hội nghị COP28: Thúc đẩy kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu về biến đổi khí hậu

Chủ tịch COP28 - ông Sultan Ahmed al-Jaber phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Bộ TN&MT) 

Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) đã chính thức khai mạc ngày 30/11 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE).

Hội nghị COP28 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kết quả Đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên theo quy định của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việc giảm dần nhiên liệu hóa thạch và bắt đầu giai đoạn chuyển đổi công bằng, cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính - đặc biệt là Quỹ Thiệt hại và Tổn thất gây nhiều tranh cãi - cũng được cho là các nội dung chương trình nghị sự có mức độ ưu tiên cao.

Sau nhiều tháng nắng nóng gay gắt trên khắp hành tinh, Chủ tịch COP28, ông Sultan Ahmed al-Jaber hoàn toàn ủng hộ kết quả đầy tham vọng nhất có thể đạt được tại Đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST) để rà soát lại xem thế giới đang đứng ở đâu trong việc cắt giảm khí thải, đồng thời cố gắng kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C.

Ông Sultan Ahmed al-Jaber cho biết thêm: Hội nghị COP cần hợp tác với các công ty nhiên liệu hóa thạch vì họ có sức mạnh để làm điều gì đó. Ông lưu ý rằng nhiều công ty dầu mỏ quốc gia đã thông qua các mục tiêu phát thải mê-tan bằng 0 vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Simon Stiell, Tổng thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh: Chúng ta quyết định đầu tư hợp lý cho quá trình chuyển đổi, bao gồm cả việc ứng phó với tổn thất và thiệt hại. Và chúng ta quyết định cam kết hệ thống năng lượng mới. Nếu việc chuyển đổi không công bằng thì chúng ta sẽ không chuyển đổi được gì. Điều đó có nghĩa rằng công bằng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau. 

COP28 được đánh giá là Hội nghị lớn nhất từ trước tới nay với kỷ lục về số lượng nguyên thủ cũng như số đại biểu tham dự. Đến nay, trên 170 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã đăng ký phát biểu tại Hội nghị. Tham dự còn có trên 50 nghìn đại biểu đến từ các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông và các tổ chức có liên quan khác.

Ấn Độ: Giải cứu thành công toàn bộ 41 thợ mỏ sau 17 ngày mắc kẹt

 Thủ hiến bang Uttarakhand Pushkar Singh Dhami chào đón các công nhân ngay khi
họ được giải cứu. (Ảnh: CBS/Getty Images)

Vào khoảng 19 giờ tối ngày 28/11 (giờ địa phương), sau 17 ngày nỗ lực không ngừng, các lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công toàn bộ 41 công nhân bị mắc kẹt nhờ một ống thép dài 57m. Tất cả công nhân đều an toàn và sức khỏe dần ổn định.

Hỗ trợ thành công trọn vẹn cho chiến dịch giải cứu các thợ mỏ ra khỏi đường hầm là đội ngũ các nhân viên y tế. Ngoài hàng chục xe cứu thương túc trực bên ngoài đường hầm, Lực lượng Không quân Ấn Độ còn bố trí một trực thăng Chinook (một loại trực thăng hạng nặng hai cánh quạt) gần trung tâm y tế ở Chinyalisaur, nơi những công nhân bị mắc kẹt sẽ được đưa đến sau khi họ được giải cứu khỏi đường hầm.

Sau khi công tác giải cứu 41 công nhân được hoàn thành, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đánh giá rằng đây là tấm gương tuyệt vời về lòng nhân đạo, tinh thần đồng đội. “Thành công của chiến dịch giải cứu những người anh em của chúng ta ở Uttarkashi khiến mọi người xúc động. Tôi muốn nói với những người bạn bị mắc kẹt trong đường hầm rằng lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn của các bạn đang truyền cảm hứng cho mọi người. Tôi chúc các bạn mọi điều tốt lành và sức khỏe tốt”, Thủ tướng Modi nói.

Toàn bộ 41 công nhân mắc kẹt kể từ ngày 12/11 vừa qua khi lở đất khiến một đoạn đường hầm dài 4,5 km mà họ đang xây dựng bị sập tại vị trí cách cửa hầm 200 mét. Các nỗ lực giải cứu diễn biến chậm, phức tạp khi đất đá tiếp tục sập xuống, các máy khoan hạng nặng quan trọng liên tục bị trục trặc hoặc hỏng. Ngày 21/11, lực lượng cứu hộ đã lần đầu tiên nhìn thấy những người công nhân mắc kẹt phía dưới nhờ hình ảnh ghi lại bởi máy quay nội soi mà lực lượng này thả xuống dọc theo đường ống hẹp chuyên dùng để chuyển khí oxy, thực phẩm, nước uống cho những người ở dưới. Toàn bộ 41 công nhân vẫn sống sót trong đoạn đường hầm dài khoảng 2 km, cao khoảng 8,5m. 

Nhà chức trách chưa nêu nguyên nhân dẫn tới vụ sập đường hầm, song khu vực này thường hứng chịu lở đất, động đất và lũ lụt.

Hàn – Trung – Nhật nhất trí khôi phục và bình thường hóa hợp tác ba bên

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa trong cuộc gặp cấp bộ trưởng lần đầu tiên sau 4 năm. (Ảnh: AP)

Ngày 26/11, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí đẩy nhanh việc chuẩn bị tổ chức hội nghị cấp cao 3 bên trong thời gian sớm nhất.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin tiến hành hội nghị ba bên với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa tại thành phố Busan của Hàn Quốc. Đây là cuộc gặp cấp ngoại trưởng đầu tiên trong vòng 4 năm qua giữa ba nước.

Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm chiều cùng ngày, Ngoại trưởng Park Jin cho biết, tại cuộc gặp, ba nước đã đồng ý "khôi phục và bình thường hóa" hợp tác ba bên; đồng thời nhất trí thúc đẩy tổ chức hội nghị cấp cao giữa lãnh đạo ba nước vào thời gian sớm nhất và thuận tiện cho tất cả các bên. Trong thời gian tới, các nước sẽ đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho hội nghị.

Cũng theo Ngoại trưởng Park Jin, điều quan trọng là phải thể chế hóa hợp tác ba bên thành cơ chế ổn định và bền vững. Để làm được điều đó, cần tìm kiếm các dự án hợp tác thực chất mà “người dân ba quốc gia có thể cảm nhận được”. Liên quan đến việc Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự hôm 21/11, Ngoại trưởng Hàn Quốc cho biết ba bên đã nhất trí tiếp tục liên lạc ở mọi cấp độ để giải quyết các vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Ông Park cũng cho biết đã đề nghị Nhật Bản và Trung Quốc hỗ trợ Hàn Quốc giành quyền đăng cai Hội chợ triển lãm thế giới 2030 tại Busan.

Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa nhấn mạnh hợp tác ba bên ngày càng trở nên quan trọng vì “góp phần to lớn vào hòa bình và thịnh vượng” ngay cả trong thời điểm có nhiều thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo. Bà Kamikawa bày tỏ mong muốn cuộc đàm phán ba bên lần này sẽ là cơ hội để khởi động lại tiến trình hợp tác giữa ba nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chỉ ra rằng hợp tác ba bên có “tiềm năng rất lớn, nhu cầu mạnh mẽ và nhiều nguồn lực”. Ông kêu gọi 3 nước đóng vai trò tích cực trong sự phát triển khu vực và toàn cầu với thái độ nghiêm túc hơn.

Brazil sẽ gia nhập OPEC+ vào năm tới

Brazil sẽ gia nhập OPEC+ vào đầu năm 2024. (Ảnh: AP) 

Ngày 30/11, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo Brazil sẽ gia nhập liên minh giữa khối này và các đối tác, còn gọi là OPEC+ vào đầu năm 2024.

Trong một tuyên bố chính thức, OPEC cho biết Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Brazil Alexandre Silveira de Oliveira, đã tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng OPEC+ lần thứ 36 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

OPEC kỳ vọng việc Brazil gia nhập OPEC+ sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng và vị thế của khối này trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Brazil hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Nam Mỹ và nằm trong số 10 nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo “Triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới 2023” được công bố vào tháng 10 vừa qua, Brazil hiện sản xuất khoảng 3,2 triệu thùng dầu thô/ngày và sản lượng dầu thô trong trung hạn của nước này dự kiến còn tăng mạnh.

OPEC+ chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thế giới và mục tiêu chính của liên minh này là điều tiết nguồn cung dầu ra thị trường thế giới. Các nước dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga - sản xuất lần lượt khoảng 9 triệu và 9,5 triệu thùng dầu mỗi ngày./.

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực