|
Cán bộ BHXH tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe nhân dân (Nguồn ảnh: Nguyễn Sung) |
Kế hoạch xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể và giải pháp, lộ trình; phân công trách nhiệm từng sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan bảo đảm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 16-NQ/TU.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS.
Các mục tiêu cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào DTTS tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh; hằng năm thu hút 3 - 5% lao động sang làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Giải quyết cơ bản vấn đề về ổn định dân di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất; số hộ được cấp đất ở, nhà ở.
|
Kế hoạch đề ra mục tiêu hỗ trợ đất ở cho 94 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 276 hộ đồng bào DTTS
(Nguồn ảnh: Báo Lâm Đồng )
|
Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm trên 3%/năm. Đầu tư, nâng cấp và mở rộng các tuyến đường đến trung tâm xã, đường giao thông nông thôn; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phấn đấu đạt từ 95 - 99,5% gồm: Tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, học sinh trong độ tuổi học tiểu học, học sinh THCS; tỷ lệ hộ tham gia bảo hiểm y tế và tiêm chủng mở rộng.
Đồng thời, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%, hỗ trợ dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng. 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người đồng bào DTTS.
Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; từ 70% số thôn trở lên có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người đồng bào DTTS, nhất là người đồng bào DTTS tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người đồng bào người DTTS ở từng địa phương theo quy định.
Kế hoạch đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Dự kiến kinh phí thực hiện Kế hoạch là hơn 1.734 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ chính sách là gần 1.265 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách hơn 452 tỷ đồng; vốn huy động khác hơn 17,5 tỷ đồng. Đồng thời, lồng ghép nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh và bền vững để thực hiện Kế hoạch bảo đảm hiệu quả.