An Giang: Thấm sâu và lan tỏa việc học tập và làm theo Bác

Thứ sáu, 19/08/2022 15:17
(ĐCSVN) - Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, những tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác trên nhiều lĩnh vực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

An Phú lan tỏa học tập và làm theo Bác

Thực hiện Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục triển khai Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, cùng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ huyện An Phú đã triển khai sâu rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng.

leftcenterrightdel
Biểu dương các cá nhân có nhiều thành tích trong học tập và làm theo Bác. 

Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, lan tỏa trong toàn xã hội.

Năm 2022, hệ thống chính trị huyện đã quán triệt các nội dung chuyên đề toàn khóa “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” và chuyên đề năm 2022 “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, là minh chứng sinh động cho việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày càng lan tỏa sâu rộng. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện ở các ngành, địa phương được tăng cường.

Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân, gương mẫu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, xác định rõ thẩm quyền trong lãnh đạo, điều hành. Gắn việc học tập và làm theo Bác với các phong trào thi đua yêu nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến đảm bảo an sinh xã hội.

Điển hình như: Mô hình “Nắm gạo tình thương” (ở 14 xã, thị trấn); mô hình “Đội từ thiện sửa chữa cầu đường” (xã Vĩnh Trường); mô hình “Xe chuyển bệnh miễn phí cho người nghèo” (ở 14 xã, thị trấn). Đồng thời, có nhiều tấm gương tiêu biểu của người dân với những việc làm cao quý mà bình dị, xung phong đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng, các hoạt động xã hội-từ thiện. Điển hình như ông Nguyễn Tuấn Thành (xã Quốc Thái) thực hiện tốt việc đóng góp tiền, ngày công lao động và hiến 3.500m2 đất để làm đường ra cánh đồng, góp phần cùng địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới...

Đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, tham gia tuyến đầu, góp phần cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân. Có rất nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên xung phong làm nhiệm vụ trực tại các tổ, chốt, tuyến biên giới và cùng với cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân tham gia đóng góp gần 40 tỷ đồng, giúp hàng ngàn lượt hộ nghèo, hộ khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, huyện An Phú tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất - kinh doanh, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện đảm bảo tiến độ thực hiện, các chỉ tiêu hầu hết đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, cụ thể: Giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) đạt 54,56% so kế hoạch; thu từ kinh tế trên địa bàn đạt 59,14%; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân/ha đạt 55,47%; doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt 50,91%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,82% so với kế họach…

Để việc học tập và làm theo Bác trở thành hoạt động thường xuyên, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức yêu cầu Ban Tuyên giáo Huyện ủy tăng cường vai trò tham mưu giúp Ban Thường vụ Huyện ủy hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị; định kỳ sơ, tổng kết, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cùng với đó, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc. Tập trung khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân. Lựa chọn và phát động các phong trào thi đua học tập, lao động, sản xuất thiết thực, sát với thực tế; phát hiện và nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Phải vận dụng một cách sáng tạo việc làm theo Bác, gắn chặt với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, từ đó đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cũng như của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân” - Bí thư Huyện ủy An Phú Ngô Công Thức nhấn mạnh.

Long Xuyên tiếp tục gieo trồng những "quả ngọt" từ việc học và làm theo Bác

Năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Xác định vấn đề trọng tâm mà thành phố cần tập trung giải quyết là vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả vừa tập trung phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố đã phát động ủng hộ Quỹ phòng, chống COVID-19 được hơn 5,061 tỷ đồng; duy trì thường xuyên hoạt động các cây ATM gạo, "Gian hàng 0 đồng", "Chuyến xe 0 đồng", "Chuyến rau 0 đồng" tại các phường, xã đã hỗ trợ trên 171 tấn gạo, hơn 133.000 ngàn phần quà, với tổng kinh phí khoảng 20,7 tỷ đồng cho người dân ở các khu phong tỏa, khu cách ly, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài ra, hỗ trợ trên 1.000 túi thuốc an sinh, vật tư y tế, các nhu yếu phẩm…

Trong tháng 10/2021, thành phố đã đón hơn 80.000 người dân từ các địa phương, trong đó có TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tự phát về An Giang, cao điểm có ngày hơn 10.000 người về, thành phố đã huy động toàn hệ thống chính trị với hơn 1.800 người để thực hiện công tác đón tiếp, bố trí nơi ăn, nghỉ chu đáo, an toàn, hỗ trợ hơn 187.000 suất ăn, hơn 1.000 thùng sữa, trên 3.800 lốc nước suối, nhu yếu phẩm, tiền mặt… tổng giá trị hơn 6,7 tỷ đồng, trong khi chờ các huyện, thị xã, thành phố đón về. Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ trong và ngoài thành phố đã hỗ trợ vật tư y tế, thức ăn, nước uống, sữa, nhu yếu phẩm… giúp thành phố có điều kiện thuận lợi hơn để chăm lo cho bà con.

Trên địa bàn thành phố còn xuất hiện nhiều mô hình hay, thiết thực trong học tập và làm theo Bác được nhân rộng, nổi bật như: Mô hình nụ cười và lời chào công sở; bếp ăn tình thương; vận động quyên góp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ gặp thiên tai, hỏa hoạn; cán bộ, công chức nhịn một bữa ăn sáng để xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, cán bộ, công chức, viên chức khó khăn; sử dụng quỹ đất công xây dựng nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức chưa có nơi ở ổn định; xây dựng các khu nhà đại đoàn kết; vận động mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ khó khăn, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; mô hình trụ điện xanh; tổ y tế lưu động; vv..

Ngoài ra còn nhiều mô hình, phong trào học và làm theo Bác gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị đã thực hiện trước đó nay tiếp tục duy trì và nâng chất như: Mô hình "Nói không với rác thải nhựa"; mô hình "Thi đua, sáng kiến kinh nghiệm được cán bộ, công chức thực hiện với thái độ thân thiện, tận tình" đã hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính nhanh, gọn, bớt thời gian đi lại; phong trào "Vận động Nhân dân xây dựng cầu, làm đường bê-tông nhựa, xây dựng khu dân cư Đại đoàn kết gắn với công tác xóa nghèo bền vững, công tác an sinh xã hội"; cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; mô hình "Cất, sửa nhà đại đoàn kết cho người nghèo, xây dựng khu nhà ở cho người nghèo không có đất ở", tính từ đầu năm 2021 đến nay thành phố xây dựng được 74 căn nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí trên 4,666 tỷ đồng; mô hình "Quỹ hỗ trợ em gái vượt khó - hiếu học" hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nữ hoàn cảnh khó khăn; mô hình "Tổ phụ nữ làm công tác xã hội từ thiện";...

Những "quả ngọt" từ việc học và làm theo Bác tiêu biểu trên cho thấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trên địa thành phố đã thấm sâu lan tỏa mạnh mẽ như những hành động tự nhiên, việc làm tự nhiên trong công việc và trong cuộc sống thường nhật hằng ngày. Kết quả đó đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nếp sống, cách nghĩ, hành động, nghĩa cử cao đẹp của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn thành phố, tất cả góp phần tạo điều kiện để kinh tế - xã hội thành phố phát triển xứng tầm là quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực