Giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình học Bác về phong cách làm việc thiết thực, cụ thể

Thứ bảy, 17/02/2024 12:34
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một chỉnh thể mang tính hệ thống, bao gồm nhiều nội dung phong phú như phong cách làm việc quần chúng, phong cách làm việc tập thể - dân chủ, phong cách làm việc khoa học, phong cách nêu gương và phong cách làm việc thiết thực, cụ thể.

Nói phong cách là nói cái riêng, độc đáo, có tính hệ thống, ổn định và đặc trưng của chủ thể. Vậy nên, phong cách Hồ Chí Minh chính là những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta; là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sinh hoạt... Trong đó, phong cách làm việc thực sự là viên minh châu tỏa sáng trong kho tàng di sản vô giá đó. 24 năm liền trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, sự thuyết phục ở Người không dựa vào quyền lực mà bằng phong cách làm việc - một phong cách vừa mang tính nguyên tắc và khoa học cao, vừa có tình nhân ái bao la của một tấm lòng nhân hậu, vị tha, khoan dung hết mực vì con người.

Hội thảo khoa học cấp trường "Công chức, viên chức, người lao động Trường chính trị Quảng Bình học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" 

Phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách làm việc Hồ Chí Minh là một chỉnh thể mang tính hệ thống, bao gồm nhiều nội dung phong phú như phong cách làm việc quần chúng, phong cách làm việc tập thể - dân chủ, phong cách làm việc khoa học, phong cách nêu gương và phong cách làm việc thiết thực, cụ thể.

Phong cách làm việc thiết thực, cụ thể được thể hiện ở những nội dung chính sau:

Thứ nhất, mọi chủ trương, chính sách phải theo phương châm “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm nhắc nhở các cán bộ, đảng viên cần chú ý tính thiết thực trong công tác lãnh đạo. Trong quan niệm của Người, cách lãnh đạo thiết thực có nghĩa là khi xây dựng một đường lối, chủ trương mới, các cán bộ lãnh đạo phải xuất phát từ thực tiễn cách mạng sinh động của nhân dân, phải tham khảo những kinh nghiệm hay, những ý kiến tâm huyết của nhân dân. Sau đó, phải tập hợp các kinh nghiệm, ý kiến lại và phân tích, nghiên cứu, sắp đặt một cách có hệ thống. Từ đó mà xây dựng thành đường lối chung và tuyên truyền, tổ chức nhân dân thực hiện. Khi quần chúng nhân dân thực hiện thì kiểm tra, xem xét lại đường lối đó có phù hợp không, rồi tiếp tục tập trung ý kiến của quần chúng, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Cứ như vậy đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng sát hợp với thực tế. “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”[1]. Bởi vậy: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[2].

Thứ hai, làm việc có mục đích, dựa trên chương trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết, cẩn trọng, chu đáo.

Làm việc có mục đích rõ ràng, tập trung, có chương trình khoa học cụ thể, có trọng điểm để đạt được mục tiêu trong khoảng thời gian hoạch định là một nội dung của phong cách làm việc thiết thực, cụ thể. Người yêu cầu, làm bất cứ việc gì cũng phải có mục đích rõ ràng. “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”[3].

Thời gian là vô hạn nhưng đời người là hữu hạn, vì vậy, mỗi người nên có cách sử dụng thời gian hợp lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta phải biết quý trọng thời gian, tiết kiệm thời gian bằng cách làm việc theo kế hoạch, “mọi công việc phải tính toán cẩn thận” và có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng về mọi mặt. Lên kế hoạch một cách khoa học, đồng thời phải biến kế hoạch thành thực tiễn. Kế hoạch đặt ra để thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng. Người phê bình cán bộ, đảng viên, đặt kế hoạch, chương trình không xét rõ năng lực của người thi hành. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì cũng không triệt để. Đầu tư nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho được chương trình, kế hoạch đã đề ra hoặc chương trình kế hoạch chưa xong, chưa biết kết quả thực hiện ra sao đã xây dựng chương trình kế hoạch khác... Hồ Chí Minh quan niệm, muốn lãnh đạo đúng thì phải “tổ chức thi hành cho đúng”, “kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi” và bản thân Người luôn thực hiện đúng nguyên tắc đó. Ví dụ: Ngay sau khi giành được độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhiều thách thức to lớn. Trách nhiệm nặng nề lúc này đặt lên vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng phong cách làm việc thiết thực, cụ thể, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Người đã chỉ ra những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết như giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Để diệt giặc đói, Người đã phát động phong trào Tuần lễ vàng, Hũ gạo cứu đói, Thi đua tăng gia sản xuất để đẩy lùi nạn đói. Kết quả, chỉ trong 5 tháng từ tháng 11-1945 đến tháng 5-1946 đã đạt 614.000 tấn, hoàn toàn có thể bù đắp được số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Bằng chứng rõ nhất là dân không đói, giá thóc gạo không tăng mà lại giảm. Giặc đói đã bị đánh lui.

Để diệt giặc dốt, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ (08 - 09 – 1945 đến 08 - 09 - 1946, đã có 2.520.678 người thoát nạn mù chữ (dân số nước ta lúc đó là 22 triệu người).

Đối với giặc ngoại xâm, Người đã thực hiện nhiều giải pháp hòa hoãn để loại bớt giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước. Kết quả, quân Tưởng và quân Anh dưới danh nghĩa quân Đồng Minh rút về nước, chúng ta chỉ còn một kẻ thù ngoại xâm duy nhất là Pháp.

Chính bởi thế, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động.

Thứ 3, phải kiên quyết chống lại căn bệnh quan liêu, xa dân; thói hữu danh vô thực và những thứ đối lập với phong cách làm việc thiết thực, cụ thể

Là người luôn luôn yêu mến, kính trọng nhân dân, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân, Hồ Chí Minh đặc biệt ghét thói quan liêu, cửa quyền, “vác mặt làm quan cách mạng”. Trong nhiều bài viết, bài nói, Người nhiều lần phê bình và cảnh báo các biểu hiện của bệnh quan liêu ở nhiều cán bộ, đảng viên như ngồi trong bàn giấy, nghe người ta báo cáo rồi ra quyết định mà không đi sâu sát thực tế, xem tận nơi, tận chỗ; hiện tượng tổ chức phân công làm việc lộn xộn, không đúng người, đúng việc, không phân biệt công việc chính và những việc không quan trọng; làm việc máy móc, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, cậy quyền, cậy thế ngông nghênh với dân, kiêu ngạo, coi khinh dân...

Người cũng phê phán bệnh “hữu danh vô thực”, làm cho có chuyện, làm được ít suýt ra nhiều... như thế là dối trá với Đảng. “Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không làm từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch…Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm”[4].

Những thói quen xấu như: tự do, tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu ngăn nắp trật tự, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, thiếu nhìn xa trông rộng... cũng phải kiên quyết khắc phục cho được, có như vậy công việc mới thiết thực, cụ thể.

Thứ tư, lối sống giản dị, khiêm nhường

Đối với Người, mọi nghi thức hình như đều trở nên thừa. Cuộc sống của Người dù lúc còn đang hoạt động bí mật, ở nơi chiến khu gian khổ hay lúc cách mạng đã thành công, trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, vẫn không hề thay đổi. Người vẫn giữ nếp sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, sống chan hòa, gần gũi gắn bó với các cán bộ cấp dưới và quần chúng nhân dân.

Giảng viên Trường Chính trị Quảng Bình học tập và làm theo phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Bác

 ThS. Đặng Ngọc Bắc, Phó Hiệu trưởng nhà trường trao giấy khen cho các cá nhân đã có
thành tích trong phong trào thi đua năm 2023

Phong cách làm việc mà đặc biệt là phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Bác không chỉ tác động đến nhận thức mà còn có sức cảm hóa con người sâu sắc, đó không chỉ là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ cách mạng mà còn bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau; là phong cách của một vĩ nhân nhưng lại không xa lạ, khác thường, không phải để cho người đời ca ngợi, sùng bái mà rất gần gũi, trở thành tấm gương mà ai cũng có thể học tập và noi theo, trong đó có giảng viên Trường Chính trị tỉnh.

Tính đến thời điểm 31/12/2023, Trường Chính trị Quảng Bình có 28 giảng viên trên tổng số 49 cán bộ, viên chức nhà trường. Trong đó có 2 tiến sĩ; 25 thạc sĩ và 01 cử nhân. Về trình độ lý luận chính trị: 100% đội ngũ giảng viên đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên (trong đó có 28 đồng chí đạt trình độ cao cấp, 01 đồng chí trình độ trung cấp). 15 đồng chí đã tham gia bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến nay đã có 12 giảng viên được công nhận là giảng viên dạy giỏi toàn quốc, nhiều giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp trường. Đội ngũ giảng viên nhà trường cũng đã tích cực tham gia các cuộc thi: Thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thi tuyên truyền Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; thi Bí thư chi bộ giỏi… đều đạt kết quả cao. Đánh giá, xếp loại chất lượng chuyên môn từ năm 2020 đến năm 2023: 100% giảng viên hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và những kết quả đạt được, đội ngũ giảng viên vẫn còn bộc lộ một số biểu hiện thể hiện tính thiếu thiết thực, cụ thể trong phong cách làm việc, cụ thể như tình trạng lãng phí trong sử dụng thời gian, nói nhiều làm ít, coi thường tính nguyên tắc trong công việc, làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm, cảm tính, thói quen tùy tiện, chưa coi trọng tính khoa học nên hiệu quả công việc chưa cao; trong giảng dạy, viết các công trình nghiên cứu khoa học đôi lúc còn dài dòng, nội dung chưa thiết thực, lý luận chưa gắn với thực tiễn...

Học tập và làm theo phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một giải pháp quan trọng nhằm khắc phục tình trạng trên và nâng cao hiệu quả công việc. Để việc học tập và làm theo đó đi vào chiều sâu, chất lượng, thiết thực, thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên.

Nâng cao nhận thức về phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm làm cho mỗi giảng viên thấy rõ sự cần thiết, vai trò, nội dung, hình thức biểu hiện của phong cách làm việc để từ đó giảng viên luôn có ý thức tự giác làm theo nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Muốn vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường cần phải đưa phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một nội dung chính thức trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, trong giao ban hàng tuần. Đồng thời, cần kịp thời phát hiện những gương điển hình trong học tập làm theo phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của  Chủ tịch Hồ Chí Minh để tuyên truyền, nhân rộng, tạo thành phong trào, thành nếp sống của mỗi giảng viên.

Thứ hai, tăng cường sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu vào việc giáo dục, rèn luyện giảng viên theo phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đảng ủy phải khơi dậy ở giảng viên lòng nhiệt huyết, sự hăng say cũng như tình cảm, quyết tâm, nỗ lực làm việc một cách thiết thực, hiệu quả; tránh bệnh hình thức, làm qua loa, chiếu lệ. Cần đổi mới cơ chế, chính sách cán bộ phù hợp để tạo ra tính tích cực chủ động hơn, nhạy bén hơn, sáng tạo hơn trong công việc. Coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng giảng viên. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để ngày càng phát huy tính thiết thực, hiệu quả trong công việc. Xử lý nghiêm những giảng viên làm việc cẩu thả, luộm thuộm, thiếu tính khoa học, hiệu quả kém.

Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của giảng viên trong tự học tập, làm theo phong cách làm việc thiết thực, cụ thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 21 tháng 12 năm 2021, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy chế đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, định mức nghĩa vụ giờ chuẩn và giờ nghiên cứu khoa học đối với giảng viên. Căn cứ vào quy chế, mỗi giảng viên phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho cá nhân theo từng quý, từng tháng để hoàn thành được nghĩa vụ của mình. Đồng thời giảng viên phải tự tập cho mình thói quen làm việc có nguyên tắc như soạn một bài cần bao nhiêu thời gian và nhất định phải hoàn thành trong khoảng thời gian đó. Ngoài việc làm đúng giờ, đủ giờ còn phải tính đến vấn đề sắp xếp công việc có tính toán cẩn thận xem việc gì nên làm trước, việc gì làm sau. Một mục tiêu khi được đặt ra phải làm một cách kiên quyết, khẩn trương, làm đến nơi đến chốn.

Phong cách không được sinh ra bẩm sinh mà chỉ có thể được hình thành bởi sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi liên tục không ngừng của chủ thể. Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh - phong cách của một con người với nhân cách siêu việt, cái tâm trong sáng, cái đức cao đẹp, cái trí minh mẫn và cái hành mực thước, đó là cách thiết thực để tự hoàn thiện năng lực, nhân cách; để nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, tạo nên hiệu quả cao trong công việc góp phần tạo nên những bước phát triển lớn của trường, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025 và mức độ 2 vào năm 2030./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Phạm Ngọc Anh: Phong cách làm việc Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn (2015), Nxb Công an nhân dân;

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4;

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.290.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, tr.64-64.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.362.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, tr.362.

Đoàn Thị Phượng - Trường Chính trị Quảng Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực