Tại Công văn số 655-CV/TU, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Đặng Tuyết Em yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra.
Tuổi trẻ tỉnh Kiên Giang khám bệnh, phát thuốc cho người cao tuổi. Ảnh minh họa: moitruong.net.vn
Việc tổ chức các phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả; bám sát chủ đề thi đua giai đoạn 2016-2020 là: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; thực hiện tốt mục tiêu thi đua là phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức phát động đợt thi đua đặc biệt nhằm động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", “Chung tay vì người nghèo” đi đôi với tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính...
Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, đưa phong trào thi đua yêu nước trở thành động lực to lớn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Đổi mới công tác khen thưởng theo hướng công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời và quan tâm nhiều hơn người lao động trực tiếp; khen thưởng phản ánh đúng kết quả phong trào thi đua và có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương. Thường xuyên phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện tiêu cực trong thi đua khen thưởng.
Ngoài ra, tùy điều kiện từng nơi, các ngành, việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả; coi trọng đánh giá kết quả tổ chức các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm; biểu dương, tôn vinh, gặp mặt, giao lưu các điển hình, anh hùng, chiến sĩ thi đua qua các thời kỳ./.