* Tổ hợp tác Đan mê bồ - nét đẹp của nghề đan lát truyền thống
Nhằm khôi phục lại nghề truyền thống của địa phương và để phát triển làng nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, năm 2015, Tổ hợp tác Đan mê bồ (sản phẩm đan lát từ trúc) của Chi hội Phụ nữ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình (Cà Mau) đã được thành lập, phát triển cho đến hiện nay, góp phần lớn giải quyết công ăn, việc làm cho phụ nữ địa phương.
Chị Nguyễn Thị Út (trái), Tổ trưởng Tổ hợp tác Đan mê bồ hướng dẫn kỹ thuật cho tổ viên - Ảnh: motthegioi.vn
Ở xã Biển Bạch Đông, ai cũng biết đến chị Nguyễn Thị Út, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đan mê bồ ấp Lê Giáo. Trước kia, khi nhận thấy cây trúc rất dễ trồng ở vùng nước mặn nhiễm phèn, dùng để đan rổ, nia, sịa, … chị có suy nghĩ nên tận dụng phần ruột trúc để đan mê bồ vừa có thêm thu nhập lại không bị bỏ phí. Từ việc làm thử, bán thử và thấy sản phẩm được mọi người ưa dùng như: làm bờ tấn bến sông, ngăn bờ vuông tôm, … chị đã vận động chị em trong ấp nhận đan mê bồ kiếm thêm thu nhập.
Được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển kinh tế, tổ hợp tác, sự hỗ trợ của Trung ương Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tỉnh hội, Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thới Bình đã chỉ đạo thành lập “Tổ hợp tác Đan mê bồ” ấp Lê Giáo với 25 thành viên do chị Út làm Tổ trưởng. Xét thấy mô hình làm ăn hiệu quả và đem lại công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ 147 triệu đồng để phát triển mô hình.
Dần đi vào ổn định, thị trường tiêu thụ mê bồ của Tổ hợp tác đã phát triển khá mạnh, có nhiều đơn hàng của các cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Theo chị Nguyễn Thị Út, mỗi tháng Tổ hợp tác làm ra gần 4.000 chiếc mê bồ thành phẩm, với doanh thu gần 200 triệu đồng/tháng. Mê bồ có hai loại, mê bồ vỏ và mê bồ ruột. Trúc sau khi chẻ, được đưa vào máy để tách ra hai phần vỏ và phần ruột. Giá bán mỗi chiếc ở thời điểm hiện tại là 60 - 65 nghìn đồng/chiếc mê bồ vỏ; 18 - 20 nghìn đồng/chiếc mê bồ ruột. Hiện, Tổ hợp tác đã có những đơn gửi qua Campuchia, mỗi tháng gửi hàng từ một đến hai lần.
Chị Lê Thị Kiều, 44 tuổi, ngụ tại ấp Lê Giáo cho biết chị làm nghề này đã hơn chục năm. Trước đây, các công đoạn đều làm thủ công nên rất vất vả. Hiện, Tổ hợp tác, có trang bị máy móc nên công việc bớt khó khăn, nhờ thế kinh tế gia đình chị dần ổn định, con cái đều được học hành đàng hoàng.
Sản phẩm mê bồ chuẩn bị được Tổ hợp tác xuất qua Campuchia- Ảnh: motthegioi.vn
Được biết, Tổ hợp tác đi vào hoạt động một thời gian đã được hỗ trợ mua 4 máy dùng để bào gọt nguyên vật liệu, hiện 4 máy đều hoạt động hết công suất nên sản phẩm làm ra kịp thời đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Giờ đây, mong muốn của chị Út là được địa phương hỗ trợ vốn xây dựng thêm kho chứa nguyên vật liệu và mở rộng xưởng để có nơi làm việc thuận lợi cho tổ viên.
Bà Lê Tuyết Phương, Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thới Bình đánh giá: “Tổ hợp tác Đan mê bồ là mô hình kinh tế rất hiệu quả, đã tồn tại và phát triển rất tốt được 4 năm. Sản phẩm làm ra của các chị em được khách hàng đánh giá cao, vì vậy góp phần lớn giải quyết được công ăn, việc làm cho phụ nữ địa phương”.
Với cách làm hiệu quả, thiết thực, tập thể Tổ hợp tác Đan mê bồ được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Có thể nói, đây không chỉ là niềm vui cho Tổ hợp tác, cho Chi hội Phụ nữ ấp Lê Giáo mà còn là niềm tự hào của cả chính quyền, địa phương. Và trong không khí lao động nhộn nhịp, tiếng máy chẻ âm vang, những miếng mê bồ được phơi nối tiếp dọc theo tuyến lộ, bà con làng nghề dường như yên tâm hơn, bám nghề, ổn định cuộc sống bằng chính sức lao động của mình.
* Phụ nữ huyện Bắc Bình học và làm theo gương Bác
“Học tập ở Bác không phải bắt đầu từ những gì quá cao siêu, mà nên học ở những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất của cuộc sống thường ngày”. Đó là suy nghĩ của 2 người phụ nữ ở thị trấn Chợ Lầu và xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận).
Những điều đơn giản, bình dị ấy được chị Mai Thị Thành - Chi hội trưởng phụ nữ khu phố Xuân An 2 (thị trấn Chợ Lầu), cụ thể hóa bằng việc ủng hộ cát, xi măng làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa hội trường khu phố, hỗ trợ các phong trào văn nghệ thể thao, học sinh nghèo, phụ nữ khó khăn, xây nhà mái ấm tình thương, nhận trợ cấp cho 1 hộ gia đình chính sách neo đơn khó khăn.
Không chỉ tạo việc làm ổn định cho 20 lao động tại công ty của gia đình, chị còn vận động hội viên phụ nữ tham gia tổ phụ nữ tự quản, làm vệ sinh môi trường sạch sẽ, giữ gìn cảnh quan đô thị, treo cờ đúng quy cách trong các dịp lễ, tết. Tham gia tổ phụ nữ tiết kiệm góp vốn xoay vòng của chi hội, để giúp nhiều chị em có thêm vốn buôn bán nhỏ, chăn nuôi tại gia đình, lập tổ phụ nữ thu gom phế liệu. Sau 5 lần gom bán được số tiền 1,2 triệu đồng, chị đã hỗ trợ cho 3 hội viên bị bệnh hiểm nghèo, có con bị tai nạn giao thông, sửa chữa sân nhà.
Hay nhắc đến bà Võ Thị Chín, mọi người lại nhớ ngay đến người khơi nguồn các phong trào, hoạt động của tổ 9, thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành. Hiện chị là Chi hội trưởng phụ nữ thôn. Nhiều phong trào, hoạt động do chị đứng lên phát động diễn ra sôi nổi, tiêu biểu như đóng góp làm đường giao thông nông thôn, xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", phong trào văn nghệ, thể thao…
“Nói đi đôi với làm” cùng những sáng kiến của chị Chín, nhiều việc khó tại cơ sở đã được thực hiện thông suốt và thuận lợi. Đó là giảm tỷ lệ người dân trong thôn vi phạm Luật giao thông đường bộ do không đội mũ bảo hiểm, quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật; xây dựng các tổ nuôi heo đất, tổ phụ nữ tiết kiệm, hũ gạo tình thương qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong thôn.
Chị em Hội Phụ nữ huyện Bắc Bình nhận bằng khen "Phụ nữ tiêu biểu"
Ảnh: ninhthuantv.vn
Bà Nguyễn Thị Vân Khánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Bình chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, thông qua những buổi sinh hoạt định kỳ, các chi hội phụ nữ đều lồng ghép nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tuyên truyền, giáo dục cho các hội viên. Từ những câu chuyện kể về phong cách sống giản dị, tiết kiệm của Bác mà chị em học hỏi, vận dụng linh hoạt vào từng công việc, hành động cụ thể. Các hội viên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sống yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
Hiện 82/82 chi hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình làm theo Bác trên nhiều lĩnh vực như thành lập 47 hũ gạo tình thương với 2.523 thành viên đăng ký tham gia, thu được 5.343 kg hỗ trợ cho 999 hộ gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. 39 tổ nuôi heo đất gồm 317 thành viên với số tiền 49 triệu đồng; 1 tổ thu gom phế liệu gồm 10 chị nhận hỗ trợ cho hội viên neo đơn khó khăn.
Hội đã hỗ trợ 95 suất học bổng “Tiếp bước cho em đến trường” và trẻ em nghèo vượt khó với tổng số tiền trên 142 triệu đồng, nhận đỡ đầu 1 học sinh nghèo hiếu học tại xã Phan Hòa. Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” giai đoạn 2016 - 2020, 18/18 xã, thị trấn đều có công trình, phần việc do phụ nữ đảm nhận trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Đặc biệt, Hội luôn khuyến khích chị em phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, tổng nguồn vốn hội quản lý trên 228 tỷ đồng, giúp cho gần 8.000 hội viên, phụ nữ được vay, tăng hơn 57 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Đồng thời với hình thức tiết kiệm góp vốn giúp nhau cùng phát triển, 100% chi hội có các loại hình tiết kiệm. Trong 3 năm có 1.767 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ, 257 hộ đã thoát nghèo. Ngoài ra, Hội còn hỗ trợ 32 phụ nữ khởi nghiệp với số tiền 107 triệu đồng.
Những việc làm ý nghĩa của các hội viên phụ nữ huyện Bắc Bình đã thể hiện tinh thần gương mẫu trong học tập và làm theo Bác, đồng thời góp phần xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh./.