|
Lực lượng Đoàn viên, Thanh niên tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở (Ảnh: T.N) |
Xuất phát từ sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khách quan vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Người đặc biệt quan tâm vấn đề giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên, “đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng", vừa "chuyên"". Đây chính là sự tổng kết lý luận và thực tiễn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc và cũng là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá thanh niên với tất cả những ưu điểm vốn có của họ, coi họ là “bộ phận quan trọng của dân tộc”, là “lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới”. Người cho rằng, thanh niên chính là lực lượng xung kích trong mọi công việc. “Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên” và để kế thừa được truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, kế thừa sự nghiệp cách mạng, nhất thiết thanh niên phải có đạo đức cách mạng. Trong mối quan hệ giữa đạo đức với tài năng, Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là gốc, nó quyết định sức mạnh tinh thần to lớn của con người, sức mạnh của đoàn kết, nhờ đó mà đạo đức góp phần to lớn vào việc quyết định sự thành bại của cách mạng nước ta.
Chính vì vậy, Người luôn coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cho thế hệ trẻ. Một mặt, Hồ Chí Minh khẳng định vai trò và sức mạnh của thanh niên, nhưng mặt khác, Người cũng thẳng thắn nêu lên những nhược điểm, những thiếu sót của thanh niên. Đó là sự thiếu từng trải, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, một số chưa chịu khó học tập, mắc bệnh hình thức, bệnh cá nhân, tự cao, tự đại… Người yêu cầu mọi thanh niên phải chống tâm lý tư lợi, ham sung sướng, tránh khó nhọc, chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay; chống bệnh lười biếng, xa xỉ; chống kiêu ngạo, giả dối, hình thức, khoe khoang… Phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu là con đường để tự hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Muốn làm được điều đó, thanh niên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và học tập để làm người và phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho tuổi trẻ là nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước và là người cách mạng chân chính… Đó là những con người “vừa có đức, vừa có tài” hoặc “vừa hồng, vừa chuyên”. Bởi, trong mối quan hệ đức - tài, hồng - chuyên, Người coi “đạo đức là cái gốc của người cách mạng” và Người dạy, thanh niên ta phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đặc biệt, mục đích quan trọng hàng đầu của giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thanh niên là để tạo nguồn cán bộ cho cách mạng.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Mục tiêu đặt ra là: “Tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hoá, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể trở thành những công dân tốt của đất nước”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tich Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta coi công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng thường xuyên chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, phát triển toàn diện thế hệ trẻ cả về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, sức khỏe và nghề nghiệp. Đồng thời tạo mọi điều kiện để thanh niên có việc làm, phát huy tài năng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.