Bình Phước: Hiệu quả triển khai thực hiện Nghị định số 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách

Thứ hai, 12/09/2022 21:13
(ĐCSVN) - Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 488.521 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng 8.395,3 tỷ đồng; góp phần giúp 53.382 hộ thoát nghèo; 30.525 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 34.445 lao động; 41.702 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập…
 Trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai tín dụng ưu đãi. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Ngày 12/9, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, hiện nay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Bình Phước quản lý Hội sở tỉnh và 10 phòng giao dịch NHCSXH thị xã, huyện. Toàn tỉnh hiện có 107 điểm giao dịch tại 111 xã, phường, thị trấn với trên 480 cán bộ hội, đoàn thể từ tỉnh đến xã tham gia vào hoạt động ủy thác. 1.847 tổ tiết kiệm và vay vốn phân bố rộng khắp trên tất cả các ấp, khu vực trong toàn tỉnh.

Đến hết tháng 7/2022, tổng dư nợ ủy thác trên 2.998 tỷ đồng, chiếm 99,17% tổng dư nợ của NHCSXH, với 76.133 hộ còn dư nợ; trong đó nợ quá hạn 3,2 tỷ đồng, chiếm 0,11%/dư nợ ủy thác. 

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 488.521 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng 8.395,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần giúp 53.382 hộ thoát nghèo; 30.525 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 34.445 lao động; 41.702 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 275.827 công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 3.731 căn nhà cho hộ nghèo, 202 căn nhà ở xã hội. Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh, cụ thể: giai đoạn 2001-2005 giảm từ 12% còn 4,5%; giai đoạn 2006-2010 giảm từ 11,2% còn 4,3%; giai đoạn 2011-2015 giảm từ 9,29% còn 2,96%; giai đoạn 2016-2021 giảm từ 6,15% còn 0,43%.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, hằng năm công tác kiểm tra, giám sát được tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc. Kết quả đã kiểm tra, giám sát được 1 lượt tại cấp tỉnh, 455 lượt cấp huyện, 4.799 lượt cấp xã, 4.287 lượt điểm giao dịch xã, 14.895 lượt tại tổ tiết kiệm và vay vốn.

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ cho thấy, tín dụng chính sách xã hội là chủ trương, chính sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách cần hỗ trợ. Đối với Bình Phước, tín dụng chính sách đã đáp ứng cơ bản nhu cầu các đối tượng được hỗ trợ, các chương trình cho vay từng bước mở rộng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng giúp tỉnh thực hiện thành công chính sách an sinh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Cụ thể sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu vô cùng to lớn, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.

Ghi nhận những kết quả trong thực hiện Nghị định số 78 của tỉnh Bình Phước, Phó tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Hoàng Minh Tế cho rằng, để thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ hiệu quả hơn nữa, ban đại diện hội đồng quản trị các cấp, NHCSXH chi nhánh tỉnh, phòng giao dịch thị xã, huyện cần gắn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Bình Phước; cấp ủy, chính quyền các cấp cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung thêm nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng khác…

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết: Đảng bộ tỉnh  Bình Phước xác định, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người trên 100 triệu đồng; hằng năm giảm từ 2.000-2.500 hộ nghèo. Vì vậy, hệ thống NHCSXH chi nhánh tỉnh cần tạo lập nguồn vốn ổn định, lâu dài thông qua đầu tư tín dụng sao cho hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận các nguồn vốn chính sách ưu đãi... 

Dịp này, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác triển khai tín dụng ưu đãi được các cấp, các ngành, UBND tỉnh Bình Phước vinh danh, tặng bằng khen, giấy khen.

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực