|
Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 5 |
Dù vậy, trước những khó khăn từ dịch bệnh, tỉnh Đồng Nai đã huy động được sức mạnh toàn Đảng bộ và toàn xã hội đoàn kết, đồng lòng phòng, chống dịch; chăm lo an sinh xã hội chu đáo để an dân…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Văn Hà, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng với sự chủ động, tích cực triển khai kịp thời nhiều giải pháp ứng phó của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương và sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp và toàn dân nên việc thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai đã đạt một số kết quả tích cực. Nổi bật là, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã tăng 21,02% so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu khoảng 2 tỷ USD.
Đến nay, thu ngân sách nhà nước đã đạt 104% dự toán năm với tổng số tiền đã thu được 48.938 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 34.010 tỷ đồng, đạt 100% dự toán năm và tăng 17% so cùng kỳ; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 991,1 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Tỉnh ủy, các cấp ủy và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đã tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác an sinh xã hội nhằm không để người dân nào bị đói vì dịch bệnh. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã triển khai kịp thời Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đến ngày 26-9-2021 đã hỗ trợ trên 225,7 ngàn lao động, trên 4,3 ngàn hộ kinh doanh và trên 8,9 ngàn doanh nghiệp với tổng số tiền trên 509,6 tỷ đồng.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã tiếp nhận và cấp phát gạo từ nguồn hỗ trợ của Trung ương cho người dân gặp khó khăn vì COVID-19; kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp vào Quỹ vaccine, tài trợ trang thiết bị cho ngành y tế, nhu yếu phẩm cho người dân và hỗ trợ đưa khoảng 8 ngàn người có nhu cầu về quê để phòng, chống dịch…Vừa qua, tỉnh Đồng Nai còn hỗ trợ kịp thời cho 2.200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vì COVID-19 với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng và hỗ trợ các thiết bị học tập để các em có điều kiện học trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác quốc phòng an ninh cũng đạt nhiều kết quả tốt.
Theo Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Công an tỉnh và công an các địa phương đã đảm bảo an ninh an toàn các hoạt động của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông. 9 tháng qua, công an đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hoạt động lợi dụng không gian mạng để đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật về tình hình COVID-19; triệt phá nhiều tổ chức tội phạm băng nhóm, “tín dụng đen”, tội phạm cờ bạc, ma túy…Qua đó phạm pháp hình sự giảm 16,33% số vụ so với cùng kỳ; đấu tranh, triệt phá 63 băng, ổ nhóm tội phạm từ đơn giản đến phức tạp, bắt xử lý 512 đối tượng. Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá thành công chuyên án mang bí số 1220Q, thu giữ hơn 50kg ma túy đá, 1 quả lựu đạn, 1 khẩu súng, 10 viên đạn; đây là chuyên án lớn nhất do Công an tỉnh trực tiếp đấu tranh, thu giữ số lượng ma túy lớn.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay Công an tỉnh Đồng Nai còn thực hiện được nhiều chuyên án khác, như chuyên án 920G đã đi vào lịch sử Ngành Tư pháp với số lượng kê biên tài sản hơn 1 ngàn tỷ đồng do các đối tượng phạm tội mà có và đã khởi tố theo thẩm quyền đối với hơn 70 bị can.
Cùng với những kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng an ninh thì công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và dân vận được thực hiện đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Đến nay 16/16 Đảng bộ trực thuộc tỉnh và 100% tổ chức cơ sở Đảng tổ chức học tập quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết XI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết XIII của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Sau học tập, quán triệt các Đảng bộ đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết ở cấp mình, phù hợp với đặc điểm từng địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Cụ thể, 9 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 2,91%, đây là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây. Phần lớn doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh, thiếu nguồn nguyên liệu (cả trong nước và nhập khẩu); sản xuất tồn kho không tiêu thụ được. Tại các khu công nghiệp có 558 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của COVID-19, với tổng số lao động bị ảnh hưởng 491.725 người.
Công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt yêu cầu kế hoạch đề ra. Thu hút vốn đầu tư trong nước giảm, chỉ bằng 53% so với cùng kỳ; trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chỉ bằng 78,66% so cùng kỳ nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh lại tăng 12,1%.
Việc triển khai các dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn, tiến độ xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bị gián đoạn (do từ ngày 9-7-2021 tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh).
Như vậy, từ thực tế hiện nay, dự kiến năm 2021 có 3 chỉ tiêu không đạt mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy là: tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân đầu người và tổng vốn đầu tư phát triển triển toàn xã hội.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ, Từ Nam Thành kiến nghị, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống trạm y tế cấp xã. Toàn huyện có 13 trạm y tế thì 12 trạm đã xuống cấp trầm trọng, chỉ có thể khám bệnh chứ không thể lưu trú, chữa trị bệnh nhân. Nếu chúng ta trở về trạng thái bình thường mới để từng bước khôi phục phát triển kinh tế- xã hội, chấp nhận sống chung với dịch thì thực trạng các trạm y tế như hiện nay rất khó đáp ứng yêu cầu sống chung với dịch nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trong khi đó theo Bí thư Huyện ủy Định Quán, Trần Bá Đạt, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vừa qua không đạt yêu cầu đề ra do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống người dân gặp khó khăn. Đề nghị tỉnh có chính sách gia hạn, giãn nợ cho người dân khi hiện nay làm ăn không có lãi, không có điều kiện trả nợ ngân hàng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ địa phương tăng cường giới thiệu các chuỗi liên kết cho huyện để kết nối thu mua nông sản và cung ứng dịch vụ, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng kiến nghị, đến thời điểm này Long Thành đã cơ bản kiểm soát được dịch. Khi trở về trạng thái bình thường mới, Long Thành cũng như toàn tỉnh thiếu nguồn lao động, do vậy lúc này địa phương đang tính toán để có nguồn lao động khi “mở cửa” lại các hoạt động sản xuất kinh doanh./.