Hải Dương: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Thứ hai, 11/10/2021 14:56
(ĐCSVN) - Việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn được Hải Dương xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng doanh nghiệp, trong đó hạt nhân là sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự đổi mới trong tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp.
 Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương 2021 (Ảnh: HH)

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về “Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, đội ngũ doanh nhân tỉnh Hải Dương không ngừng lớn mạnh, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Coi doanh nghiệp là động lực phát triển

Đó là quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương trong thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế". Cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hải Dương đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho đội ngũ doanh nhân với quan điểm coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế, lấy tinh thần phục vụ doanh nghiệp làm phương châm hoạt động của chính quyền các cấp.

Cùng với việc ban hành Kế hoạch triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết vào chương trình công tác hàng năm của cấp ủy các cấp. Trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, UBND tỉnh xác định việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng doanh nghiệp, trong đó hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng và sự đổi mới trong tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Hải Dương đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và lợi nhuận cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Chỉ đạo triển khai kịp thời các chính sách tín dụng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước, vốn vay ưu đãi của các chương trình, dự án, vốn tín dụng thương mại phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ doanh nhân của tỉnh với hơn 100 khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, thu hút sự tham gia của trên 10 nghìn lượt học viên.

Đặc biệt, tỉnh Hải Dương chủ trương công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chính sách hỗ trợ thông qua phương tiện thông tin đại chúng để định hướng cho doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư theo quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính; thiết lập "đường dây nóng" để doanh nghiệp, doanh nhân kịp thời phản ánh trực tiếp các vấn đề bức xúc, khó khăn; tổ chức các hội nghị đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành...

Nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng được Tỉnh thường xuyên quan tâm. Kết quả cho thấy, những năm qua, Hải Dương đã tổ chức và phối hợp thành công nhiều hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực của tỉnh tại Hải Dương, Bắc Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Vận động, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp tham gia Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, thực phẩm tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua tham gia các hội chợ, triển lãm, doanh nhân và các doanh nghiệp của tỉnh đã trực tiếp ký kết hàng trăm bản ghi nhớ và giao dịch thương mại, trong đó có nhiều bản ghi nhớ và giao dịch thương mại đã chuyển thành hợp đồng thực hiện.

Không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng

Tính đến hết quý II/2021, tỉnh Hải Dương có trên 14 nghìn doanh nghiệp hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 112 nghìn tỷ đồng, thu hút trên 400 nghìn lao động và giải quyết việc làm mới cho khoảng 35 nghìn lao động mỗi năm. Trong 14 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, tỉnh Hải Dương hiện có 11 KCN đang hoạt động thu hút 308 dự án đầu tư (bao gồm cả dự án hạ tầng) của các nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng, lãnh thổ, trong đó 295 dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN với tổng số vốn đầu tư đăng ký ước tính 5,1 tỷ USD. Hiện có 260 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất (đạt tỷ lệ 84,7%), góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Sau 10 năm, 100% các doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương thực hiện nghiêm túc việc ký kết thỏa ước lao động tập thể, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 100% các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi và trên 85% số doanh nghiệp ngoài nhà nước xây dựng được nội quy, quy chế nội bộ, trong đó có nội dung cụ thể hóa về thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; có từ 55-65% các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; khoảng 68% doanh nghiệp đã ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều có lợi hơn so với quy định của pháp luật...

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương và các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm tại hội nghị chuyên đề “Doanh nghiệp tỉnh Hải Dương - Chuyển đổi số để bứt phá”. (Ảnh: HH) 

Theo đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương, với sự phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng, đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng tiến bộ, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tuân thủ pháp luật, vươn lên làm giàu chính đáng; không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống văn minh, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều doanh nhân của tỉnh đã thể hiện tính năng động, sáng tạo, xung kích, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xoá đói giảm nghèo, đặc biệt là trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nguồn vốn huy động trong 10 năm thực hiện Chương trình là 44.422,5 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp 4.427,2 tỷ đồng (chiếm 10%). Trong công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh cũng đã tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ hàng hóa, thiết bị y tế, nước sát khuẩn... và ủng hộ hàng chục tỷ đồng để mua vắc xin phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và thực hiện có hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp. Nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân trong tỉnh ngày càng nâng lên; mối quan hệ trong doanh nghiệp, giữa cộng đồng doanh nghiệp với các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có sự chuyển biến tích cực; tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển nhanh về số lượng, chất lượng.

Đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội

Những kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp. Tỉnh ủy Hải Dương cho biết: Sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Những năm qua, kinh tế - xã hội của Hải Dương đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh (giá so sánh năm 2010) bình quân 5 năm (2016-2020) đạt 8,1%/năm, cao hơn giai đoạn 2010- 2015 (7,7%) và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng. Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối ngân sách và có đóng góp vào ngân sách Trung ương. Công tác giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân được thực hiện hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,17%/năm (từ 7,19% năm 2015 xuống còn 1,36% năm 2020); tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 75%.

Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Hải Dương cũng như cả nước phải đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân và đội ngũ doanh nghiệp trong tỉnh, kinh tế - xã hội của Hải Dương vẫn duy trì khá ổn định.

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong ba khâu đột phá là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Để tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân; tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đội ngũ doanh nhân.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần giác ngộ chính trị, phát huy giá trị văn hóa xứ Đông, có trách nhiệm xã hội cao; nâng cao năng lực, trình độ quản trị của đội ngũ doanh nhân, năng lực cạnh tranh, chất lượng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng hàng hoá trong nước và quốc tế. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 một số doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn có thương hiệu đạt tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á./.

Ngọc Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực