Khuyến khích, bảo vệ cán bộ hành động vì lợi ích chung

Thứ sáu, 15/10/2021 16:28
(ĐCSVN) - Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong đó nêu một trong những mục đích của chủ trương này là "khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ".

Chủ trương "có ý nghĩa mở đường"

Chủ trương này cho thấy Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện và động lực để mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao nhất năng lực, sở trường của mình, yên tâm hoàn thành tốt nhất vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhân dân.

Đổi mới sáng tạo là tìm ra những cách làm mới, hướng đi mới, chưa từng có tiền lệ, cần được thực tiễn chứng minh tính đúng đắn, tính hiệu quả. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính là chủ động xử lý công việc, giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, đồng thời dám chịu trách nhiệm về những hành động, việc làm của mình. Nhưng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm khác với làm liều, làm bừa, mà phải có căn cứ khoa học, xác đáng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; không trái với chính sách, luật pháp, truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; phải có động cơ mục đích vô tư trong sáng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển đất nước, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Nguyên Phó Phủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: VNF 

Để động viên, khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, rất cần sự đồng hành, sát cánh, ủng hộ kịp thời của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Kết luận số 14 KL/TW nhấn mạnh: "Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện."

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện những đề xuất, cách làm mới, không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, cần được tháo gỡ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xem xét điều chỉnh uốn nắn kịp thời, phù hợp tình hình thực tiễn; đồng thời ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh việc lợi dụng chủ trương, chính sách để bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng tiêu cực, cố tình vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Bởi vậy, các cấp ủy Đảng cần thường xuyên giám sát, theo dõi kiểm tra; kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm; hoặc biểu dương, nhân rộng, khen thưởng xứng đáng, ưu tiên bố trí sử dụng cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung và sự phát triển của đất nước, dân tộc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Do đó, cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên.

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW tạo cơ chế cởi mở để cán bộ thể hiện, phát huy tối đa năng lực của mình, tạo điều kiện cho cán bộ nhiệt tình, vì công việc chung mà dám quyết liệt, dám xả thân vì đất nước, vì nhân dân; đồng thời thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta, kết hợp nhuần nhuyễn giữa "xây" và "chống" trong công tác cán bộ. Kết luận 14-KL/TW được ban hành nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác cán bộ của Đảng, một nhiệm vụ "then chốt" của "then chốt" trong công tác xây dựng Đảng.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Kết luận của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là chủ trương "có ý nghĩa mở đường". Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về chủ đề trên. Trong đó, tư tưởng nổi bật là khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách. Cách làm đột phá đó phải tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung...

Thực tế, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, sáng tạo "luôn là những nhân vật tinh hoa có năng lực nhìn xa trông rộng và dũng cảm dấn thân, mở đường dẫn dắt người dân". Tuy nhiên, không ít người trong số họ vấp phải nhiều trở ngại, gian nan cần được thông cảm, bảo vệ, hỗ trợ. Đơn cử như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) Kim Ngọc từng đi đầu trong công cuộc "khoán" nông nghiệp thời kỳ trước Đổi mới 1986 và đã bị kỷ luật vì sự đổi mới này.

Bên cạnh cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ "sáu dám"

Hơn 10 năm phụ trách công tác tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp nói việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo sẽ giúp huy động được sức mạnh, trí tuệ của xã hội và nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Theo ông, thông thường những người dám nghĩ, dám làm là những người dám nói, mà dám nói thì hay va chạm. Cho nên họ rất cần được bảo vệ để tự tin phát huy khả năng bản thân.

Để chủ trương nêu trên đi vào thực tế, ông Điệp đề xuất "trước hết hãy xây dựng cơ chế sàng lọc những cán bộ nằm im chờ thời". Qua đó, các cấp cán bộ phải thấy rằng uy tín, tín nhiệm của mình là trước công việc, cấp trên và người dân chứ không phải "mũ ni che tai, tranh thủ phiếu". "Nếu làm gì cũng rụt rè, sợ sai thì không nên ngồi ghế lãnh đạo. Đơn cử việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mà sợ động chạm đến cấp trên thì không thể làm tròn nhiệm vụ", ông Điệp nói.

Ủng hộ chủ trương bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, tuy nhiên ông Điệp cũng cho rằng đổi mới phải dựa trên cơ sở khoa học, yêu cầu thực tiễn và tính toán được hiệu quả, lường trước hậu quả, chứ không phải sáng tạo tràn lan.

 Bộ đội Quân khu 7 đưa lượng thực, thực phẩm đến tận nhà người lao động nghèo ở những nơi bị phong tỏa ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lấy ví dụ cụ thể cán bộ dám nghĩ, dám làm trong thời gian chống dịch vừa qua. Ông nói Bí thư Quận 6 TP Hồ Chí Minh, khi thấy tình hình dịch COVID-19 lan rộng và có chiều hướng nguy hiểm, các ca tử vong trong thành phố tăng cao, bà đã không chờ đợi hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố mà chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà. Việc "xé rào" này đã giúp giảm được các ca tử vong, bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân.

Trước sự quá tải của hệ thống điều trị trên địa bàn, Quận 7 đã thiết lập phòng cấp cứu ngay trong các khu cách ly tập trung F0, phát huy hiệu quả rõ rệt trong cấp cứu tại chỗ những trường hợp F0 diễn biến nặng rất nhanh. Từ đó, Quận 7 đã mạnh dạn chuyển đổi một khu cách ly tập trung thành Bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ và vừa, một phần chuyển nặng không phải chuyển đi xa. Đây là bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn nữa để có đủ oxy cho bệnh nhân, lãnh đạo Quận 7 tìm mọi cách như thuê, mua, xin… bình oxy loại 40 lít và chủ động liên hệ với một doanh nghiệp đặt bồn oxy lỏng vốn dùng cho công nghiệp để thiết lập hệ thống oxy tập trung cho bệnh viện dã chiến số 1.

Chính sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo của lãnh đạo các địa phương, đã mang lại những kết quả rõ nét trong thực tế.

Bên cạnh điểm sáng đó, cũng nhiều nơi cán bộ còn bị động, lúng túng trong phòng chống dịch. Thực trạng hàng chục nghìn người dân từ các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương trở về quê bằng xe máy, có người đi hàng nghìn km về các tỉnh phía Bắc đã cho thấy điều đó. Lẽ ra, chính quyền một số tỉnh phải dự báo được tình hình, chủ động phối hợp để đưa đón người dân về quê vừa kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, lại vừa đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Dĩnh, lãnh đạo nhiều tỉnh cho rằng phải đặt an toàn địa phương lên trên hết, nếu đưa dân về không cẩn thận sẽ làm lây lan dịch bệnh, nhưng đây là cách phòng dịch thụ động và không nhìn thấy rằng "người dân trở về cũng là con em của địa phương".

Trong khi đó, ở Phú Yên từ tháng 7 đến nay đã chủ động phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức những chuyến xe lần lượt đưa khoảng 16.000 người về quê. "Sự chuẩn bị chu đáo và ấp áp nghĩa tĩnh như vậy giúp Phú Yên trở thành điểm sáng. Cán bộ bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm không ở đâu xa mà ở ngay những việc cụ thể như vậy", ông Dĩnh nhìn nhận.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Đại hội XIII của Đảng vừa xác định yêu cầu: Cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. "Sáu dám" lần này là một nội dung mới, phù hợp với thay đổi như vũ bão về khoa học - công nghệ, về kinh tế - xã hội đang diễn ra trong thời đại của chúng ta và cũng là niềm hy vọng của những người muốn đưa Nghị quyết của Đại hội XIII vào cuộc sống, hình thành một môi trường thảo luận dân chủ, cởi mở, khuyến khích mạnh dạn đổi mới sáng tạo.

Sự đúng đắn, kịp thời này rất cần được sớm cụ thể hóa bằng những quy định có hiệu lực pháp lý để bảo vệ và khuyến khích không chỉ những cán bộ mà cả những người dân phát huy sáng kiến; những người phát hiện bất hợp lý trong cuộc sống, dám tìm tòi, suy nghĩ về giải pháp mới vượt khỏi những lối mòn cũ kỹ đang kìm hãm tiến bộ xã hội và sự phát triển.

Rõ ràng, đây cũng là một hướng đi đúng đắn để vượt qua những giáo điều, công thức của những người không muốn thấy và không chấp nhận những nhân tố mới. Đó là những người không cảm nhận được sức ép đổi mới, sáng tạo trong cuộc sống, thường xuyên dựa vào những nguyên tắc, giáo điều xưa cũ để kìm hãm, từ chối và công kích, lên án những ý tưởng mới, cách làm sáng tạo và cả những con người can đảm thực hiện những ý tưởng đột phá./.

Ngọc Hà (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực