Công đoàn Bộ Tài chính hiện đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động 48 công đoàn các tổng cục, vụ, cục, viện, học viện, tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc Bộ gồm 20 công đoàn cơ sở (CĐCS) và 28 công đoàn bộ phận (CĐBP) với số lượng trên 11 nghìn đoàn viên.
Tuy nhiên, 20 CĐCS thuộc Công đoàn Bộ lại có mô hình cơ cấu tổ chức không giống nhau. Hiện có 6 CĐCS được bố trí 9 cán bộ Công đoàn chuyên trách. Đây là các công đoàn có số lượng đoàn viên đông và có đặc thù trong hoạt động Công đoàn chẳng hạn như Công đoàn Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Học viện Tài chính, Tập đoàn Bảo Việt…
Do cán bộ Công đoàn tại các CĐCS và CĐBP hầu hết là kiêm nhiệm, vừa phải thực hiện công việc chuyên môn, vừa phải tổ chức triển khai công tác Công đoàn nên không bố trí được thời gian hợp lý cho hoạt động Công đoàn.
Mặt khác, do đặc thù là tổ chức Công đoàn của Bộ đa ngành nên không có mô hình tổ chức thống nhất cho các cấp Công đoàn trực thuộc Công đoàn Bộ. Tổ chức bộ máy từ Công đoàn Bộ đến các Công đoàn trực thuộc khá đa dạng dẫn đến khó khăn trong việc chỉ đạo điều hành các hoạt động đến các cấp Công đoàn và người lao động. Số lượng đoàn viên đông, rải rác khắp cả nước dẫn đến các chính sách, chế độ mới khó tiếp cận một cách đầy đủ và đồng đều đến tất cả mọi đoàn viên, người lao động…
Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong
các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập” - Ảnh: Minh Châu Mô hình tổ chức Công đoàn trong các bộ đa ngành như Công đoàn Bộ Tài chính đang có những bất cập đòi hỏi Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam cần xây dựng mô hình, định hướng chương trình hoạt động để thống nhất áp dụng đến tất cả các công đoàn trực thuộc. Đó cũng là một trong những khó khăn, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua.
Nêu ý kiến cho Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập” do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức mới đây, TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn cho rằng, với đặc điểm hoạt động hành chính nhà nước, chế độ công vụ - công chức hiện nay và cơ chế - cấu trúc quyền lực trong hệ thống chính trị, trong mỗi cơ quan, đơn vị thì hoạt động Công đoàn chủ yếu chỉ tập trung vào quản lý phúc lợi và tổ chức một số ít sự kiện văn hóa, xã hội, vận động, tuyên truyền, phát động thi đua, từ thiện, động viên, khích lệ CBCCVC trong công tác và cuộc sống, chứ rất khó khăn làm được vai trò đại diện đúng nghĩa cho đoàn viên, CBCCVC.
Riêng khu vực sự nghiệp công lập, thời gian tới có những thách thức thực sự. Đó là chuyển cơ chế tự chủ, có những đơn vị sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, thay thế dần chế độ biên chế bằng hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, cơ chế lương – thưởng – phúc lợi của viên chức không như công chức khu vực hành chính.
Cũng theo ông Vũ Minh Tiến, hoạt động Công đoàn trong các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay đang thực sự khó tạo được lực hút và bản thân quan hệ công vụ - quan hệ việc làm khu vực này cũng thiếu những yếu tố tạo ra nhu cầu liên kết – nhu cầu tổ chức – thành lập và hoạt động đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên là những CBCCVC.
“Cần tập hợp đoàn kết, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), phản ánh và nói tiếng nói của đoàn viên với cấp ủy đảng, với lãnh đạo cơ quan, đơn vị và trong các cơ cấu, thiết chế có Công đoàn tham gia; tham gia xây dựng đường lối, chính sách pháp luật và phải bảo vệ các quyền lợi của CBCCVC nếu bị xâm phạm trong điều kiện nền công vụ - công chức, cơ cấu quản lý – điều hành và cấu trúc quyền lực như hiện nay”, TS Vũ Minh Tiến hiến kế nhằm nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong khu vực hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Các đại biểu nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Tiếp cận ở góc độ trong hệ thống chính trị các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, Công đoàn được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng cùng cấp và Công đoàn cấp trên trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, PGS.TS Lâm Quốc Tuấn, Phó viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong khu vực hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập phải là nhận thức, thái độ và lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cùng cấp với tổ chức Công đoàn.
“Lâu nay, chúng ta vẫn mặc định trong nhận thức và thái độ với tổ chức Công đoàn trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu chăm lo những việc thuộc “đời sống tinh thần” cho cán bộ, đảng viên, CBCCVCNLĐ. Công tác cán bộ của cấp ủy đảng với nhân sự chủ tịch Công đoàn cũng mặc nhiên lựa chọn những đồng chí “vui vẻ”, “nhiệt tình”, “hiền lành”. Từ nhận thức và thái độ như vậy, vô hình chung, tổ chức Công đoàn trong khu vực hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập luôn “xuôi chèo” và không có điểm nhấn trong hoạt động. Thay đổi về nhận thức và thái độ của cấp ủy đảng, tổ chức Công đoàn và bản thân CBCCVCNLĐ thì mới có những quy chế dân chủ cơ sở thiết thực, hiệu quả và thực tế hơn những quy chế có mà như không có”, PGS.TS Lâm Quốc Tuấn chỉ rõ.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cán bộ, đoàn viên khối hành chính - đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là CBCCVC thực hiện nhiệm vụ ở cấp chiến lược. Do đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Công đoàn trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa cấp thiết nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Công đoàn trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam./.