Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, linh hoạt, nhạy bén trong “tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế” với các địa phương nước ngoài, tổ chức quốc tế. Chủ động tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu về tiềm năng thế mạnh của tỉnh tại các hoạt động do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì vậy, trong phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết vùng ở Tuyên Quang đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Công tác hợp tác quốc tế: Quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; tập trung khai thác mối quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài (tỉnh Xiêng Khoảng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc; tỉnh Oita, Nhật Bản…) và với trên 50 cơ quan đại diện nước ngoài khác tại Việt Nam. Trong đó, triển khai ký kết, thực hiện 10 thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh và 56 văn bản hợp tác quốc tế cấp cơ sở, ngành, địa phương; tích cực, chủ động, kết nối, trao đổi, tìm kiếm cơ hội thiết lập, mở rộng hợp tác với địa phương, đối tác nước ngoài khác.
Công tác ngoại giao kinh tế: Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch như chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các đoàn công tác của tỉnh thăm, làm việc, gặp gỡ, tọa đàm với các cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài thuộc các cường quốc trên thế giới; tiếp và làm việc với trên 1000 lượt đoàn khách nước ngoài, đoàn quốc tế từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc…làm việc, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện dự án tại tỉnh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Tuyên Quang, tiềm năng kinh tế, đầu tư, du lịch của tỉnh. Đặc biệt là lần đầu tiên tỉnh Tuyên Quang tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2017, số lượng các dự án từ nguồn vốn FDI, ODA, NGO ngày càng tăng cùng với sự gia tăng về lĩnh vực hợp tác.
|
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận Dự án Chương trình phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang
giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và UBND tỉnh Tuyên Quang.
Ảnh: Thành Công |
Công tác ngoại giao văn hóa: Ngoại giao văn hóa ngày càng khẳng định vai trò, ngoại giao văn hóa diễn ra sôi động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Tỉnh đã phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và các tỉnh có di sản Then xây dựng hồ sơ để Việt Nam trình và được UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2019) và tổ chức thành công “Lễ hội Thành Tuyên” gắn với sự kiện văn hóa lớn cấp quốc gia hằng năm đã trở thành hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc và thương hiệu riêng có của tỉnh Tuyên Quang.
Công tác đối ngoại nhân dân: Thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và 03 hội thành viên (Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào, Việt Nam-Thái Lan, Hội Hữu nghị Việt Nam – Pháp); tích cực triển khai các hoạt động giao lưu hữu nghị, hợp tác nhân dân, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với bạn bè truyền thống và các đối tác quốc tế.
Về phát triển kinh tế nông nghiệp: Tỉnh Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội để thực hiện đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch và các thị trường lớn trong nước. Hằng năm, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh giáp ranh về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Năm 2015, ký Quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng giữa 03 tỉnh giáp ranh (Bắc Kạn-Cao Bằng-Tuyên Quang), nguyên tắc phối hợp đảm bảo thống nhất, tập trung chỉ đạo và quy định rõ trách nhiệm của từng tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng, công tác phòng chống cháy rừng; qua công công tác phối hợp, việc ngăn chặn những hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng đạt được hiệu quả, bảo vệ tốt tài nguyên rừng.
Về phát triển du lịch: Hằng năm, Tuyên Quang đã tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch, như Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội. Liên kết với các đơn vị lữ hành của Hà Nội như Fivestar Travel, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội xây dựng các chương trình du lịch đưa khách đến với Tuyên Quang; hỗ trợ các công ty lữ hành du lịch quảng bá các tour, tuyến du lịch đến với du khách thông qua trang thông tin điện tử. Hỗ trợ đăng tải thông tin của trên 90 doanh nghiệp của thành phố Hà Nội lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang. Từ năm 2017, đã phối hợp tổ chức giới thiệu mô hình trung thu tại thủ đô Hà Nội, nhằm quảng bá, giới thiệu Lễ hội trung thu đặc sắc tại thành phố Tuyên Quang.
Phát triển giao thông, đô thị: Trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hình thành mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phân bổ hợp lý, các tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh, đường huyện được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới; một số cây cầu lớn đã được xây dựng, tạo bước tiến quan trọng về chất lượng của hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển hợp tác và liên kết vùng tại địa phương trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được mối liên kết vùng chặt chẽ dẫn đến các hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút nhà đầu tư thực hiện dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại; hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ ổn định đầu ra sản phẩm. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện một số đề án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, chất lượng chưa cao; chưa tạo động lực phát huy đối với các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển; đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, hệ thống kết cấu hạ tầng còn hạn chế.
Để công tác phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết vùng đạt hiệu quả, trong thời gian tới tỉnh cần chủ động, tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm đẩy mạnh hợp tác đầu tư, huy động các nguồn lực nước ngoài. Tăng cường công tác văn hóa – thông tin đối ngoại, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến bạn bè quốc tế. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các cơ quan ngoại giao, lãnh sự tại Việt Nam, mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn lực về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút FDI, ODA…phụ vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực tiềm năng, phát triển các thế mạnh của tỉnh, xây dựng các kế hoạch hợp tác quốc tế có tiềm năng, như nông - lâm nghiệp, du lịch…tạo được sản phẩm chủ lực mang tính liên vùng, liên ngành, phát huy giá trị xuất khẩu các mặt hàng và xây dựng chuỗi giá trị quốc tế cho sản phẩm địa phương, gia nhập, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu.
Trong giai đoạn tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng, khó lường, đặt ra cả những cơ hội và thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng. Chính vì vậy, Tuyên Quang cần tiếp tục phát triển kinh tế đối ngoại, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển vùng để tạo sự “cộng hưởng” trong phát triển, để góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, bền vững, toàn diện trong khu vực miền núi phía Bắc, xứng đáng với vị thế của quê hương cách mạng, Thủ đô giải phóng, Thủ đô kháng chiến.