Tuyên Quang tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế

Thứ hai, 08/08/2022 11:03
(ĐCSVN) - Tuyên Quang xác định mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Bản đồ hành chính tỉnh Tuyên Quang 

Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang vừa ban hành Nghị quyết về quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, định hướng quy hoạch tỉnh Tuyên Quang xác định mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang là tỉnh phát triển khá, toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Không gian kinh tế - xã hội được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường và an ninh sinh thái. Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, tích hợp, hiện đại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc; phát triển văn hoá, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; quốc phòng, an ninh vững chắc; hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 9,5%. Cơ cấu kinh tế: Ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 13,2%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 42,8%; ngành dịch vụ chiếm 40,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 3,2%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 130 triệu đồng/người/năm (giá hiện hành). Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 361 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng. Thu hút khách du lịch đạt 5,5 triệu lượt người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%. Hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới (đạt 100% số xã). Tăng trưởng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP của tỉnh. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7,5%/năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) phấn đấu đạt trên 0,7. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non trên 65%, cấp tiểu học và trung học cơ sở trên 83%, cấp trung học phổ thông trên 60%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi có trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương đạt 90%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia giảm bình quân 2 - 2,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số dưới 10%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, trong đó tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện đạt 50%. Tỷ lệ che phủ rừng trên 65%.

Một số định hướng đột phá phát triển: Tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế: Công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng theo định hướng kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh; phát triển du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản và kinh tế lâm nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới. Hình thành bốn cực tăng trưởng bao gồm: Cực tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đô thị tại thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn; cực tăng trưởng công nghiệp - đô thị tại huyện Sơn Dương; cực tăng trưởng du lịch Na Hang - Lâm Bình; cực tăng trưởng công nghiệp - nông lâm nghiệp tại khu vực Nam Hàm Yên. Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số, xã hội số. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số. Phát huy mạnh mẽ nguồn lực con người. Tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung hỗ trợ, đầu tư nguồn lực cho công tác đào tạo để tăng tỷ lệ lao động chất.

Đồng thời, xác định phương hướng phát triển ba ngành quan trọng: Công nghiệp: Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, phát triển năng lượng điện. Tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp tại thành phố Tuyên Quang và các huyện: Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên. Du lịch: Chú trọng phát triển du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phát triển du lịch gắn với phát huy di sản, di tích lịch sử văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng các tuyến du lịch, đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, kết nối trong tỉnh với các địa phương trong vùng. Nông, lâm nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực hiện giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, chú trọng phát triển một số diện tích rừng gỗ lớn, xây dựng trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao để đưa Tuyên Quang trở thành một tỉnh điển hình về kinh tế lâm nghiệp bền vững, trung tâm sản xuất và chế biến gỗ.

Quy hoạch chung tỉnh Tuyên Quang được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để  tỉnh triển khai lập các đồ án Quy hoạch, Quy hoạch chi tiết, kế hoạch, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội…, để cụ thể hóa các định hướng chiến lược của quy hoạch chung, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

N.T.B.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực