Diễn tập trước khi đưa Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn chính thức đi vào hoạt động

Thứ năm, 13/08/2020 19:56
(ĐCSVN) - Buổi diễn tập rất thành công, nhất là sự phối hợp khá nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ phận, ê kịp trực cấp cứu, xử lý tình huống trong khám, điều trị bệnh nhân và lực lượng tình nguyện hỗ trợ cũng như các nhân viên vệ sinh, chống nhiễm khuẩn đã đi vào nền nếp, quy chuẩn.
 Các lực lượng y bác sỹ và điều dưỡng xử lý tình huống cấp cứu một bệnh nhân khó thở và làm quen với một số thiết bị kỹ thuật y tế có liên quan trong xử lý ca bệnh này

Chiều 13/8, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập tình huống cho Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Mục đích của buổi diễn tập là rà soát, khớp nối và làm quen chuyên môn của các lực lượng, bộ phận phục vụ trước khi bệnh viện này được đưa vào vận hành chính thức, tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.

Theo kế hoạch, các bác sỹ là chuyên gia đến từ Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai chỉ huy buổi diễn tập. Lực lượng tham gia gồm: Ban điều hành Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn; các bác sỹ, điều dưỡng với nòng cốt là Bệnh viện Đà Nẵng và một số bệnh viện khác trên địa bàn TP Đà Nẵng. Các nhóm y bác sỹ tình nguyện từ các tỉnh, thành khác đến chi viện, hỗ trợ cho Đà Nẵng phòng chống COVID-19 do Sở Y tế Đà Nẵng phân công đến làm việc tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Ngoài ra, buổi diễn tập cũng có lực lượng tình nguyện viên là sinh viên đến từ trường Đại học kỹ thuật Y dược Đà Nẵng.

Thông tin với phóng viên, bác sỹ Vũ Cát Lâm, Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, Chỉ huy trưởng buổi diễn tập cho biết, nội dung diễn tập xoay quanh 05 tình huống gồm: Tình huống 1 có 6 bệnh nhân nhẹ gồm 3 nam, 3 nữ chuyển đến Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn và được các lực lượng tại đây tiếp đón, phân loại đưa vào khu điều trị A.

Tình huống 2 có 4 bệnh nhân được chuyển đến, trong đó có 1 bệnh nhân khó thở, SPO2 92% được vận chuyển vào khu cấp cứu; 3 bệnh nhân nhẹ còn lại được sắp xếp vào khu điều trị A.

Tình huống 3 là trong buồng bệnh đang điều trị có 01 bệnh nhân ấn báo đèn báo động cần hỗ trợ; 01 bệnh nhân khu A kêu đau ngực, khó thở bấm đèn gọi hỗ trợ. Ê kíp trực xử lý di chuyển bệnh nhân về khu nặng; bệnh nhân cần phải chụp XQ, siêu âm, điện tâm đồ và xét ngiệm…

Tình huống 4 có hỏa hoạn xảy ra (lưu ý cổng ra của bệnh nhân) và tình huống 5 xử lý các tình huống khó như ép tim, bóp bóng….

“Tuy nhiên, do điều kiện đến nay chưa đủ các phương tiện, trang thiết bị lắp đặt tại Bệnh viện nên buổi diễn tập chủ yếu tập trung cho 3 tình huống đầu”- bác sỹ Vũ Cát Lâm thông tin.

 Một tình huống hướng dẫn viên hướng dẫn tình nguyện viên đưa bệnh nhân bằng xe lăn vào khu chụp XQ di động tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn.

Theo quan sát của phóng viên, các tình nguyện viên đến từ trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng được sắp xếp, đóng vai là người bệnh. Cụ thể là có  25 tình nguyện viên đóng làm bệnh nhân và khoảng 20 tình nguyện viên khác chạy việc chính, số còn lại sẽ quan sát để nắm bắt công việc (tất cả các tình nguyện viên tham gia diễn tập đều được chọn lọc để phục vụ tại Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn).

Trong khi đó, có khoảng 30 bác sỹ và hơn 100 điều dưỡng với nòng cốt là Bệnh viện Đà Nẵng sẽ làm quen phối hợp giữa các ê kíp, bộ phận có liên quan (bởi đa số được huy động từ nhiều đơn vị khác nhau, thậm chí từ các địa phương khác trong cả nước tình nguyện đến).

Theo bác sỹ Vũ Cát Lâm, mục tiêu chủ yếu của buổi diễn tập này là giúp các y bác sỹ, các điều dưỡng viên và các tình nguyện viên quan với các hoạt động trong môi trường dã chiến; quen với xử lý tình huống và phối hợp giữa các bộ phận tại Bệnh viện dã chiến thật nhuần nhuyễn.

“Yêu cầu hàng đầu của việc diễn tập cũng được Ban tổ chức hết sức lưu ý phải đạt được là giúp tất cả mọi người khi làm việc, phục vụ tại đây đều được an toàn. Bởi bản thân mỗi người an toàn, giữ an toàn được cho mình thì mới nói đến giúp đỡ, cứu chữa người khác, nhất là khi phải tiến cận, cứu chữa các bệnh nhân COVID-19”- bác sỹ Lâm nhấn mạnh.

Cùng với những yêu cầu trên, Ban tổ chức buổi diễn tập cũng đặt mục tiêu hướng dẫn để các tình nguyện viên do từ trước tới nay đa số là sinh viên, chưa qua thực tiễn môi trường khám chữa bệnh khẩn cấp, đông bệnh nhân và nguy hiểm biết và xử lý tình huống cứu chữa bệnh nhân hiệu quả nhất, kể cả từ lối đi, lối di chuyển cấp cứu; đồng thời phân luồng, sắp xếp bệnh nhân theo yếu tố nặng, nhẹ để chuyển đến các khu vực cấp cứu, khám chữa trị phù hợp, tránh ảnh hưởng đến công tác điều trị chung tại bệnh viện.

 Bác sỹ làm quen với máy XQ  trong  quá trình chụp phim cho bệnh nhân.

Sau một buổi diễn tập, các hướng dẫn viên đến từ Bệnh viện Bạch Mai và các y bác sỹ, đội ngũ tình nguyện viên đã phối hợp nhau khá nhuần nhuyễn. Theo đánh giá của Ban tổ chức buổi diễn tập rất thành công, nhất là sự phối hợp khá nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả giữa các bộ phận, ê kịp trực cấp cứu, xử lý tình huống trong khám, điều trị bệnh nhân và lực lượng tình nguyện hỗ trợ cũng như các nhân viên vệ sinh, chống nhiễm khuẩn đã đi vào nền nếp, quy chuẩn.

“Mặc dù đây là buổi diễn tập thứ ba nhưng vì còn một số yếu tố có liên quan chưa được bổ sung kịp thời nên chúng tôi sẽ còn tiếp tục thực hiện thêm một số buổi diễn tập nữa để đảm bảo các yêu cầu chuyên môn, nhất là trong cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 trước khi Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn chính thức đưa vào hoạt động trong vài ngày tới”- bác sỹ Nguyễn Đức Thịnh, Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm.

Theo một đại diện Sở Y tế TP Đà Nẵng, buổi diễn tập là một nội dung rất quan trọng để đưa Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn dù mang tên là bệnh viện dã chiến nhưng phải hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đang nóng bỏng hiện nay là cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 trên điạ bàn.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực