Có bị thu giữ tài sản nếu không trả nợ đúng hạn?

Thứ bảy, 17/07/2021 07:00
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Đức (Hà Nội) hỏi: “Tôi có bạn vay tiền ngân hàng để mua nhà cách đây vài năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh làm ăn khó khăn nên khỏan vay của bạn tôi đã trễ gốc lãi 4 tháng. Tôi muốn hỏi trường hợp như bạn tôi có bị ngân hàng niêm phong tài sản hay không?”
Vay thế chấp không trả được nợ bị xử lý thế nào? Ảnh HC 

Trả lời cho vấn đề trên, ông Lương Thế Khoa – Cán bộ một ngân hàng cho biết:

Căn cứ vào điều 3 Phụ lục về xác định nợ xấu theo Nghị quyết 42 (15-8-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, xác định nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) là nợ quá hạn từ 91-180 ngày.

Trường hợp đã quá hạn 4 tháng như trên được xác định là khoản nợ xấu của ngân hàng.

Thêm nữa, căn cứ vào Điều 7 của Nghị quyết 42 quyền thu giữ tài sản bảo đảm:

“Bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm kèm theo đầy đủ giấy tờ, hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm hoặc trong văn bản khác (sau đây gọi là hợp đồng bảo đảm) và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này”.

Tại khoản 2 điều này cũng quy định rõ về quy trình, điều kiện được thu giữ tài sản. Cụ thể, tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm: Vi phạm nghĩa vụ trả nợ, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo thoả thuận.

b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;

c) Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;

d) Tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức tín dụng đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định: Gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã và cơ quan Công an nơi có tài sản bảo đảm; Niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở UBND cấp xã...

Do vậy, trường hợp này ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực