Thời tiết hanh khô, bụi mịn (PM10, PM2.5) trong không khí tăng cao, ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sớm nghiên cứu, triển khai thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, lạc hậu.
Biết là cũ nhưng vẫn phải dùng
Nhiều năm nay, anh Bình (35 tuổi, trú tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và vợ thường xuyên sử dụng chiếc xe máy cũ chở rau, gạo… cung cấp cho một số quán cơm bình dân ở khu vực quận Tây Hồ. Không phải vợ chồng không có tiền để đổi xe mà chỉ đơn giản là “chiến binh” này đã gắn bó nhiều kỷ niệm.
Sáng sớm, trên một số trục đường cửa ngõ vào thủ đô Hà Nội như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ... dễ dàng bắt gặp những chiếc xe “nhiều không”: Không gương, không yếm chắn gió, thậm chí không chắn bùn, khi chạy phát ra tiếng nổ lớn, liên tục nhả khói đen.
|
Lưu thông trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, chiếc xe máy không biển số này chở hàng trăm kg sắt xây dựng, gây nguy hiểm cho các phương tiện. (Ảnh: Phương Sơn)
|
Đường xá đông đúc, chật chội, len lỏi giữa dòng xe ngột ngạt, anh Trung (44 tuổi, quê quán Nam Định, thường trú tại khu vực quận Hoàng Mai) vẫn nhẫn nại với chiếc xe máy “Wave tàu 8 năm tuổi” được “chế thêm” giảm xóc, gá sắt phía sau với 5 bao xi măng cộng thêm hơn trăm viên gạch. Người đi đường cũng chả có thời gian mà để tâm tới khói xe bốc cao hay tiếng phanh ken két.
“2 bình 12kg, nhà bà Tám khu gò Đống Đa như thường lệ nhé, nhanh lên không người ta chờ”, chị Hằng, chủ cửa hàng kinh doanh gas trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân giọng gấp gáp, thúc giục cậu nhân viên trẻ tuổi đang chằng nốt đoạn dây chun cố định bình gas trên chiếc xe 78 máy cánh cũ mèm, không biển số, thậm chí bưởng máy còn vỡ 1 góc. Trông thế thôi, chứ chỉ đạp nổ nhẹ một cái là tiếng máy giòn tan, vang rền, sẵn sàng lên đường...
Anh Bình, anh Trung và cậu nhân viên “người vận chuyển” kia vẫn đang hàng ngày tham gia giao thông như vậy.
Lao động là vinh quang, làm bất kỳ gì có thu nhập miễn pháp luật không cấm.
"Lốp căng, xăng đầy và quan trọng nhất là xe chạy “vẫn tốt”.
Tuy có ảnh hưởng mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường không khí, nhưng vì làm thuê thời vụ thu nhập thấp chưa có đủ tiền để thay xe mới, người dân Hà Nội muốn được hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe mới nhưng phải có đủ ít nhất hai điều kiện: Chiếc xe của mình đăng ký trước năm 2002 và không đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải, nên mặc dù biết nhà nước khuyến khích nhưng cũng đành chờ, chị Hằng cho nói thêm.
Đồng quan điểm, anh Hà Văn Trường (38 tuổi, hàng ngày sử dụng chiếc xe Dream mua từ năm 1998 để chở thịt lợn vào nội thành bán) bày tỏ: "Vì xe chuyên chở nặng, sử dụng lâu ngày nên giá trị xe bây giờ gần như không còn. Tuy nhiên, đây vẫn là phương tiện chính gia đình sử dụng mỗi ngày nên chưa thể bỏ ngay. Chúng tôi ý thức được việc các loại xe máy cũ nát lưu thông trên đường phố gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Do vậy nếu cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ khi thu hồi xe cũ nhanh gọn, hợp lý thì không riêng tôi mà những chủ sở hữu khác đều hợp tác.
Kiên quyết và lộ trình phù hợp
Về lượng xe máy đã lưu hành từ 5 - 10 năm (căn cứ giấy đăng ký), theo thống kê của các đơn vị chức năng, tại Hà Nội có khoảng 2,7 triệu chiếc (năm 2018), còn tại thành phố Hồ Chí Minh là 5 triệu chiếc.
Giải pháp khả thi nhất hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân, đồng thời kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện.
Theo điều 4, Nghị định 95/2009/NĐ-CP, quy định về niên hạn sử dụng của xe ô tô như sau: Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng; Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người; và Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 01/01/2002.
Hiện chúng ta chưa có quy định về niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy các loại. Vì vậy, việc thu hồi tài sản của người dân (xe máy cũ nát) trong trường hợp buộc phải thu hồi thì cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện chưa có tiêu chí “cũ nát”, nên trước hết phải xây dựng được tiêu chí, có cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý, theo thực tế của ngân sách địa phương.
Mới đây, tại thủ đô Hà Nội, ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị đang thực hiện rà soát các phương tiện xe buýt, đặc biệt là phương tiện sử dụng loại động cơ diesel đã cũ, hệ số phát thải cao, các phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ thu đổi xe máy cũ nát...
“Sở cũng đang làm việc với Hiệp hội xe máy Việt Nam xây dựng phương án hỗ trợ người dân thu đổi xe cũ nát, được mua xe máy mới với giá ưu đãi. Xe máy cũ nát hầu hết do người lao động có thu nhập thấp sử dụng. Do đó, cần triển khai thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ trong điều kiện đảm bảo an sinh xã hội”, ông Thái cho hay.
Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải khẩn trương rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV năm 2021, trong khi Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phát triển phương tiện, hệ thống giao thông thân thiện môi trường, trong đó có xe điện.
Như vậy, có thể nói, khi hoàn thiện các văn bản pháp lý và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng, người dân hiểu và sẽ ủng hộ chủ trương của Chính phủ, điều này không những tạo nên một hình ảnh đẹp về một đô thị văn minh hiện đại, mà còn giúp loại bỏ dần “hiểm nguy cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường” từ những chiếc xe cũ nát./.