Kiến nghị khôi phục khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội

Thứ năm, 17/08/2023 13:03
(ĐCSVN) - Đề xuất trên được ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi).

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, có những bản kiến nghị chung của hàng chục doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cùng ký tên, đóng dấu gửi về cho VCCI để thấy sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp.

Theo ông, Luật bảo hiểm xã hội không chỉ giải quyết vấn đề về chủ trương thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo ổn định xã hội mà còn liên quan nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp. “Chúng tôi thấy có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết trong tam giác quan hệ giữa việc đóng bảo hiểm xã hội, công tác đảm bảo an sinh xã hội và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong tam giác này có thể nói rằng an sinh xã hội là mục tiêu và doanh nghiệp là động lực, còn đóng bảo hiểm xã hội là công cụ để chúng ta thực hiện” - Chủ tịch VCCI phân tích. 

Như vậy, việc xây dựng các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội cần hài hòa, đảm bảo phát triển động lực, tức là doanh nghiệp mà phát triển thì mới tạo ra được các nguồn thu, việc làm, lượng đóng bảo hiểm xã hội mới nâng lên.

 Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại phiên họp (Ảnh: QH)

Đề nghị giảm mức đóng bảo hiểm xã hội

Ông Phạm Tấn Công cho biết, VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp cơ bản nhất trí với dự thảo luật song cũng kiến nghị thêm một số nội dung.

Theo Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp rất quan tâm về tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện hành, chỉ có Singapore và Trung Quốc có mức đóng bảo hiểm xã hội cao hơn Việt Nam. Còn lại, nhiều nước trong khu vực có mức đóng thấp hơn Việt Nam rất nhiều, ví dụ Indonesia 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.

“Của chúng ta là 17% đối với doanh nghiệp và cộng cả của người lao động vào thì chúng ta thành 25%, chúng ta cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế, các khoản khác vào cũng phải lên đến 32%” - ông nói và nhận xét đây là một tỷ lệ rất cao.

Tỷ lệ cao này, theo ông đặt ra câu chuyện sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy việc làm, thu nhập của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội thì cũng xem xét, cân nhắc về tỷ lệ bảo hiểm xã hội. Cụ thể, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp là xem xét giảm mức đóng xuống khoảng 20%, trong đó doanh nghiệp đóng 15%, người lao động đóng 5%.

“Tất nhiên, việc này chúng tôi thấy cũng rất khó, có thể cân nhắc có một lộ trình hoặc có một chủ trương là chúng ta giảm dần từng chút một để tạo sự cân bằng trong khu vực” - ông nói.

Kiến nghị khôi phục khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội

Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ quan tâm tới việc dự thảo luật mới đã loại bỏ hành vi chậm đóng mà chỉ còn hành vi trốn đóng với những chế tài rất nghiêm khắc. Hoàn toàn ủng hộ việc phải cương quyết đấu tranh và có xử lý chế tài với những người không có ý thức, với những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng theo ông, việc chậm đóng cũng là một thực tế trong cuộc sống, nếu chúng ta loại trừ việc này thì có thể là chưa hợp lý. 

Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam rất dễ xảy ra vi phạm pháp luật. Do đó, cần khôi phục khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội và quy định trong những trường hợp cụ thể.

Cũng theo ông Phạm Tấn Công, các doanh nghiệp không đồng tình với chế tài xử lý vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là ngừng sử dụng hóa đơn hoặc hoãn xuất cảnh, vì sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Quan điểm của doanh nghiệp là vi phạm về tài chính sẽ xử lý bằng các biện pháp kinh tế tài chính.

Về thời hạn đóng bù bảo hiểm xã hội, ông cho biết các doanh nghiệp mong muốn kéo dài thời hạn đóng bù bảo hiểm xã hội để khi doanh nghiệp khó khăn thì có thời gian để xử lý, bởi nếu theo dự thảo mới là rất dễ bị chuyển thành trốn đóng. 

“Trong lần họp trước với Chính phủ chúng tôi đã kiến nghị về thời gian nộp hồ sơ bảo hiểm xã hội 5 ngày, trong dự thảo mới rất cảm ơn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời tiếp thu, đã nâng thời gian đó từ 5 ngày lên thành 30 ngày. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục được xem xét và nâng thêm cho các doanh nghiệp thời gian đóng bù có thể lên 20 hoặc 30 ngày, nếu mở rộng được thì môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn, các doanh nghiệp cũng dễ thực hiện hơn” – ông chia sẻ./.

 
Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực