Người có uy tín Gia Lai góp sức giữ gìn văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh

Thứ ba, 12/09/2023 18:30
(ĐCSVN) - Ở mỗi buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là “cầu nối” tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân tộc thiểu số, mà còn phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh.

Gia Lai là tỉnh miền núi với hơn 46% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Ba Na và Gia Rai). Trong đó có 955 Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số . Thời gian qua, với vai trò và trách nhiệm của mình, đội ngũ những Người có uy tín đã phát huy vai trò trách nhiệm trước cộng đồng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số . Nhờ vậy, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của đội ngũ Người có uy tín mà đồng bào các dân tộc thiểu số  trên địa bàn tỉnh ngày càng ý thức hơn về giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người dân đã biết giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng. Đồng thời, tích cực tham gia khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống, phục dựng các nghi lễ mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc. Phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong thôn, làng.

Từ khi được bầu làm người có uy tín, ông Đinh Honh (áo xanh)- luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của từng người dân về hậu quả của tảo hôn. Ảnh: Mộc Trà 

Bằng trách nhiệm, uy tín của mình, ông Đinh Honh-Phó Trưởng thôn Krông Hra luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của dân làng về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Để mọi người tin tưởng và nghe theo, ông Honh tiên phong nêu gương từ gia đình, dòng họ của mình. Sau đó, ông tích cực vận động dân làng cam kết không để con em tảo hôn cũng như nghiêm túc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Ngoài tuyên truyền thông qua các buổi họp làng, ông Honh còn thường xuyên đến tận nhà những hộ có con cháu ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 đối với nữ và từ 12 đến dưới 20 đối với nam để tuyên truyền về tác hại của việc kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật, hậu quả của tảo hôn. Đồng thời, ông phổ biến cho họ biết về các quy định, mức xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Ông chia sẻ: Hễ phát hiện lũ trẻ trong làng yêu nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn thì tôi lại tìm cách gặp gỡ trò chuyện, khuyên bảo, thậm chí là giải thích cho tụi nó hiểu để tránh đi quá giới hạn rồi lại kết hôn sớm. Có đứa nghe nhưng có đứa lảng tránh, tôi tìm gặp bố mẹ của chúng để tuyên truyền, vận động. Cứ vậy, theo cách “mưa dầm thấm lâu”, giờ đây, người lớn trong làng cũng không còn ép con cái cưới sớm, bọn trẻ thì ham học, ham làm kinh tế hơn là lập gia đình.

Ông Đinh Văn Brếch-Trưởng thôn Mơ Hra-Đáp-cho hay : Nằm ở phía Tây Nam huyện Kbang, xã Kông Lơng Khơng có 9 thôn, làng với các dân tộc: Bahnar, Jrai, Kinh, Tày, Nùng, Mường, Kdong (Xê Đăng), Hre, Thổ, Paco (Tà Ôi), Thái và Cao Lan cùng sinh sống. Do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và gia đình nói riêng của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra; trong đó, tập trung nhiều nhất ở làng Mơ Hra-Đáp. Năm 2022, toàn xã xảy ra 10 trường hợp tảo hôn thì 7 cặp ở làng Mơ Hra-Đáp. Trước thực trạng tảo hôn còn cao, cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và vận động người dân không để con em mình kết hôn khi chưa đủ tuổi. Nhờ vậy, năm nay, làng chỉ còn 1 trường hợp tảo hôn. Kết quả này có sự góp công rất lớn của già làng uy tín Đinh Văn Tớp.

Bao năm qua, già Hmrik, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã kiên trì tuyên truyền, vận động thành công dân làng Gia Rai cùng giữ gìn mái nhà rông, tượng nhà mồ, giọt nước,...Già Hmrik kể: “Với người Gia Rai, giọt nước là không gian sinh hoạt chung của buôn làng. Việc làm ô nhiễm nguồn nước sẽ phải chịu những hình phạt rất nặng theo luật tục truyền thống. Trong hương ước của làng Ia Nueng thì quy ước này được đưa vào để dân làng nghiêm chỉnh chấp hành. Nhờ đó, khu vực giọt nước của làng luôn được giữ gìn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh”.

Ngoài ra, để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với xã, tham quan Biển Hồ, già Hmrik đã đến từng nhà, vận động bà con trong làng tham gia dệt thổ cẩm, truyền dạy cho lớp trẻ đánh cồng chiêng. Qua đó, không chỉ phục vụ cho những lễ hội của làng mà còn gắn với phát triển du lịch, phục vụ du khách khi có nhu cầu tham quan, mua sắm.

Già Hmrik là người có uy tín đã vận động dân làng Gia Rai xây dựng nếp sống văn minh 

Bên vườn tượng gỗ Ba Na, Gia Rai được đặt tại Nhà sinh hoạt cộng đồng, già Hmrik còn thường kể cho các con, cháu nghe về ý nghĩa và nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, góp phần giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của lớp trẻ học nghề truyền thống.
Trong cộng đồng người Ba Na ở làng Pyang, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, Người có uy tín Đinh Keo được biết đến là người am hiểu và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na ở địa phương, từ cồng chiêng, tạc tượng, đan lát đến hát dân ca, kể sử thi... Ông Đinh Keo chia sẻ: “Nếu không bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các thế hệ con cháu sau này sẽ bị “đứt” mạch nguồn văn hóa. Những già làng như chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đó bằng nhiều cách khác nhau, phải như “sợi chỉ đỏ” nối liền các thế hệ trong một mạch nguồn văn hóa”.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, để động viên Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò của mình trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tỉnh Gia Lai luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách với Người có uy tín; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ Người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... để Người có uy tín cập nhật, nắm bắt làm cơ sở tuyên truyền, vận động tại địa phương. Đồng thời, quan tâm thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng những Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực, nhằm kịp thời động viên Người có uy tín đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng quê hương giàu đẹp./.

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực