Kon Tum: Phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ nhật, 29/10/2023 10:00
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Là tỉnh miền núi, biên giới với 43 dân tộc sinh sống, trong đó có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54% dân số, việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh ta chú trọng. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận và các thành viên phát động.

 Người có uy tín có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH ở vùng DTTS.
Ảnh: Q.T 

Năm 2023, toàn tỉnh có 634 người được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, già làng 225 người; trưởng dòng họ, tộc trưởng 4 người; trưởng thôn 94 người; cán bộ hưu trí 61 người; chức sắc tôn giáo 30 người; thầy mo, thầy cúng 1 người; nhân sỹ, trí thức 2 người; sản xuất, kinh doanh giỏi 65 người; trưởng ban công tác mặt trận thôn 78 người; thành phần khác 182 người.

Đây là những người tiêu biểu, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cộng đồng. Tuy có nguồn gốc xuất thân, trình độ học vấn khác nhau nhưng hầu hết đều có một điểm chung đó là những người được cộng đồng tôn vinh, kính phục, bầu chọn và lấy đó làm tấm gương để học tập noi theo.

Già làng A Phênh ở thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) là một trong những già làng, người có uy tín đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Để đạt được những kết quả đó, già làng A Phênh đã không ngừng nỗ lực vươn lên để vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Dân làng Tu Mơ Rông luôn cảm phục, biết ơn già vì không chỉ là người tiên phong trong việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp (làm lúa nước, trồng dược liệu) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn tận tình giúp đỡ  bà con trong làng cùng học tập, làm theo. Nói được, làm được nên già A Phênh có tác động tích cực đến bà con dân làng, trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Già A Phênh chỉ là một trong số rất nhiều già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như ông A Jar, làng Plei Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum; ông A Prữih ở thôn Kon Mơ Nay Sơ Lam 1, (thành phố Kon Tum);  ông A Do, thôn Bung Kon, xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei); bà Y Hai, thôn Đăk Xia 1, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông). Đây là những người được cộng đồng khu dân cư bầu chọn, là người gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Các già làng, người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động dân làng định canh, định cư, phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn minh, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng khu dân cư lành mạnh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, luôn nêu cao cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia hoà giải những bất bình, mâu thuẫn trong nội bộ khu dân cư. Bằng uy tín của mình, không ít già làng, người có uy tín ở các thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã vận động, thuyết phục những người lầm đường, lạc lối trở về với cuộc sống cộng đồng.

 Già A Phênh, người có uy tín đã được các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen,
giấy khen.

Theo ban dân tộc tỉnh, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm và tranh thủ người có uy tín, cung cấp thông tin, hướng dẫn và đề xuất một số nhiệm vụ cho người có uy tín để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của địa phương. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức của đồng bào DTTS trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực tham gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh cho rằng, để tiếp tục phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong thời gian đến cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc phát huy nhiệm vụ của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các chế độ chính sách đối với người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh nêu các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và kịp thời biểu dương, khen thưởng những người có uy tín có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh./.          

CTV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực