Bảo tồn giống nhãn đặc sản và xây dựng vùng thâm canh nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm

Thứ năm, 21/08/2014 15:03

(ĐCSVN) - Thực hiện dự “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012-2015”, trong năm qua đã có nhiều cây nhãn đầu dòng và vùng thâm canh nhãn được bảo tồn và nâng cao chất lượng.

Hiện toàn tỉnh Hưng Yên có gần 3 nghìn héc ta trồng nhãn, Sản lượng nhãn những năm gần đây trên địa bàn tỉnh tương đối cao, trong đó sản lượng nhãn hàng hóa chiếm trên 80%, lượng còn lại phục vụ cho chế biến. Các giống nhãn ưu tú như nhãn Lồng, Đường phèn, nhãn Cùi có chất lượng cao còn rất ít, nằm rải rác khắp các địa phương trong toàn tỉnh … Do các giống nhãn trên không mang lại hiệu quả kinh tế cao, khó chăm sóc, ra hoa cách năm nên không được người dân quan tâm phát triển. Vì vậy các giống nhãn ưu tú này cần được quan tâm, đầu tư để bảo tồn và nhân rộng diện tích; Thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh giai đoạn 2012-2015”. Đến nay, đã có 20 cây nhãn đầu dòng ở 3 trà, có chất lượng ngon, thơm qua cuộc bình tuyển nhãn năm 2013 được bảo tồn. Các hộ có cây nhãn đầu dòng đã được hướng dẫn cụ thể từ việc chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản nhãn cho từng trà nhãn, đặc biệt quan tâm tới việc khai thác, nhân rộng diện tích trồng các cây nhãn ngon, ưu tú này. Qua đó chăm sóc để những cây nhãn đầu dòng đạt năng suất, chất lượng. Ông Đào Ngọc Bách ở phường Lam Sơn cho biết:” Nhà ông có khoảng 20 cây nhãn, đều là những giống nhãn ngon được trồng từ cách đây 30 năm. Trước đây gia đình chỉ để tự nhiên, ít chăm sóc nên nhãn hay bị sâu, cằn cỗi. Vụ sai quả, vụ mất mùa. Từ tham gia dự án “Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh giai đoạn 2012-2015”. Ông và nhiều bà con được cán bộ của Sở KHCN tỉnh tập huấn hướng dân cách chăm nhãn nên hiệu quả kinh tế, chất lượng vườn nhãn của gia đình đã tăng lên theo từng năm. Điển hình là năm nay gia đình ông dự kiến thu khoảng 1tấn nhãn, tăng 2 tạ so với năm 2013, đạt giá trị gần 300 triệu đồng.

Hiện dự án cũng đã xây dựng mô hình thâm canh nhãn với diện tích 6 héc ta tại 4 địa phương là huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên với 38 hộ tham gia.Đến nay người dân tham gia mô hình đã được tham gia lớp đào tạo, tập huấn các kỹ thuật về trồng, thâm canh, chăm sóc và bảo quản nhãn sau thu hoạch, được cấp phát kinh phí hỗ trợ để mua vật tư, phân bón,… Hiện nay tất cả các diện tích này đều đã cho thu hoạch với sản lượng cao, chất lượng và mẫu mã đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Qua 1 thời gian thực hiện dự án đã tuyển chọn được những cây, những giống có nguồn gen chất lượng tốt để bảo tồn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để duy trì, phát triển những nguồn gen chất lượng. Để từ đó xây dựng chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu cho “nhãn lồng Hưng Yên” để nhãn Lồng Hưng Yên thực sự là sản vật mang lại giá kinh tế cho người trồng và là món ăn ưa thích của người dân trong và ngoài nước;

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực