Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng cho các làng nghề khi quy hoạch ra khu sản xuất tập trung

Thứ sáu, 10/10/2014 16:15

(ĐCSVN) - Trong khi nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bị mai một, số hộ duy trì sản xuất nghề ngày càng ít đi thì tại một số làng nghề của huyện Văn Lâm, sản xuất vẫn được giữ vững và phát triển. Theo các hộ dân tại đây: để sản xuất hiệu quả, giữ được nghề truyền thống đòi hỏi các hộ trong làng nghề phải không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm để có sức cạnh tranh trên thị trường.

So với nhiều năm trở về trước thì làng nghề tái chế phế liệu Minh Khai trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh và làng nghề đúc đồng ở xã Đại Đồng là hai làng nghề truyền thống phát triển khởi sắc hơn cả. Tuy số hộ làm nghề có giảm so với trước nhưng tổng doanh thu, quy mô sản xuất của các hộ lại lớn hơn, các mặt hàng tại làng nghề cũng da dạng hơn để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ năng động, đổi mới mẫu mã sản phẩm nên từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ, nay nhiều gia đình đã vươn lên sản xuất lớn với máy móc đầu tư hiện đại. Nhờ đó, các làng nghề truyền thống nơi đây không những không bị mai một mà ngược lại ngày càng phát triển hơn theo hướng đi vào chiều sâu.

Duy trì ổn định sản xuất và sống khỏe từ nghề là mong mỏi của hầu hết các gia đình tại làng nghề truyền thống. Để làm được điều này, thực tế phát triển ở các làng nghề thời gian qua cho thấy cần có sự quản lý chặt chẽ hơn từ chính quyền cơ sở, ban quản lý làng nghề. Thách thức này đang đặt ra ngay cả với những làng nghề đang ở giai đoạn thịnh vượng nhất. Từ nhiều năm nay, cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai thị trấn Như Quỳnh vẫn giữ được vẻ nhộn nhịp và năng động riêng. Đây là làng nghề đầu tiên trong tỉnh thực hiện di dời các hộ sản xuất ra khu tập trung để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua gần 4 năm đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường không những chưa được khắc phục mà ngày càng nặng hơn bởi khu xử lý nước thải tập trung của làng nghề thi công chậm tiến độ kéo dài nhiều năm nay. Toàn bộ nước thải sau sản xuất của các hộ tại làng nghề được thải ra sông quanh khu vực. Trong khi hoạt động của Ban quản lý cụm công nghiệp làng nghề chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Để làng nghề phát triển bền vững, việc quy hoạch ra một khu sản xuất tập trung như ở làng nghề Minh Khai là điều kiện cần thiết. Tuy nhiên, một điều kiện khác cũng quan trọng không kém là việc đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề phải đồng bộ, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải sau sản xuất bởi việc sản xuất tại đây không thể kéo dài mãi khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng./. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực