Từ thành phố Hưng Yên, xuôi theo đường đê 195 được trải bê tông rộng rãi, sạch sẽ, vừa tới địa giới xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, ập vào tầm mắt chúng tôi là không khí lao động thật tấp nập của nông dân nơi đây.
Cánh đồng bãi ven theo triền đê sông Hồng, sông Luộc đã lấm tấm xanh non của ngô, của lạc. Nông dân khẩn trương công việc chăm sóc, phun thuốc trừ sâu, bệnh, rắc phân, tro, rà soát có hốc cây nào bị trẩm thì tra bù hạt giống. Trong đồng, máy cày rộn rã làm đất trên những thửa ruộng đủ nước, vài nhóm người san gạt ruộng, nhanh tay đặt mạ sân, mạ gieo trên nền cứng. Thoạt đầu, tưởng rằng nông dân trong xã đổ hết ra đồng, ra bãi để chăm sóc màu, gieo cấy lúa. Đặt chân vào từng đường thôn, xóm, tiếng cười, nói của người làm vườn, không khí lao động trong mỗi vườn cây rôm rả chẳng kém ngoài đồng là bao. Ông Bùi Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “ở Tân Hưng, nhãn là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu lớn nhất cho nông dân. Ăn Tết Nguyên đán xong các hộ đều đã bắt tay vào việc trồng, chăm sóc nhãn”.
Mảnh vườn rộng 3 sào của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng (thôn Quang Trung) những năm gần đây đã tìm được giống nhãn hương chi dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn để thay thế. Cách đây một năm ông phá nhãn cũ, trồng đảo vài vụ cây màu ngắn ngày để cải tạo đất. Nhãn giống ông cũng chuẩn bị từ hai năm trước, hạ cành chiết, dâm sẵm trong vườn, đợi xuân này mới trồng. Ông bảo: “Mọi việc chuẩn bị như đào hốc, chuyển đất đẹp, tơi xốp để sẵn gia đình tôi hoàn thành từ trong tết. Ra Giêng, lập xuân rồi mới bắt tay vào trồng. Như thế việc phát triển của cây tránh được rét đậm, rét hại, thời tiết sau lập xuân có rét cũng không hại nữa, hơn thế lại có mưa phùn nên cây mát mẻ, nhanh hồi”. 3 sào vườn, ông định vị hốc trồng 45 cây nhãn hương chi. Vừa nhanh tay thực hiện các thao tác trồng nhãn, ông vừa nói lại cách làm: “Mỗi hốc cây trộn nửa bao phân mục với 1 kg lân Lâm Thao để lót, sau đó phủ một lớp đất tơi xốp, đất pha cát rồi mới đặt bầu cây giống. Trồng xong chú ý khâu nước tưới đầy đủ. Như vườn nhãn này của gia đình tôi sang năm có thể cho thu quả từ 5 – 7 kg/cây, nếu khả năng đậu quả cao hơn thì phải tỉa bớt từ khi quả non để giữ sức cho cây”.
Giữa tiết trời xuân, đi đâu trong thôn, xóm cũng dễ gặp người trồng, người đang đánh xe đi lấy nhãn giống. Năm nay một số hộ ở các thôn Trần Phú, Quang Trung, Viên Tiêu có mảnh ao nhỏ xen kẹp trong vườn, liền kề đất ở trở thành ao tù, nước đọng đã lấp đất, tôn thành vườn trồng nhãn. Những hộ làm như thế thì mới có đất trồng nhãn, còn lại đều là cải tạo vườn tạp, trồng thay thế các cây nhãn giống cũ, chất lượng kém hoặc những cây mới trồng nhưng yếu, thưa quả.
Xã Tân Hưng hiện có gần 1.500 hộ dân phân bố ở 7 thôn cả trong đồng và ngoài bãi. Đất quanh nhà, đất vườn, ao được phủ kín toàn là nhãn. Theo thống kê của UBND xã thì hầu như hộ dân nào cũng có nhãn, trong đó trên 70% số hộ có vườn nhãn rộng từ 2 sào trở lên. Những năm gần đây, các thôn Tiền Phong, Quyết Thắng tuy ở ngoài bãi cũng mở rộng diện tích trồng nhãn. Anh Phạm Văn Toàn, thôn Viên Tiêu không chỉ có tiếng về tay nghề trồng nhãn mà còn cả về ứng dụng khoa học kỹ thuật để điều chỉnh cho nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Vì thế, anh thường xuyên nhận được lời mời của những người muốn có vườn nhãn mới. Rất cởi mở, anh nói kinh nghiệm trồng nhãn của mình, chi tiết từ trồng cành chiết đến cành dâm. Trồng cành chiết, theo anh điều cốt yếu là khi trồng nên trộn phân chuồng hoai mục và lân, đất tơi xốp, đẹp ở bên dưới rồi đặt bầu lên. Trước khi đặt bầu, dùng phân bón đầu trâu ngâm nước khoảng 5 – 10 phút, ngâm bầu cây giống vào nước phân đó rồi đặt xuống hốc cây đã lót sẵn phân, lân, đất. Khi vun gốc cần ắp cát đen xung quanh bầu rơm giúp cho rễ cây xiên ra thuận lợi, cũng là để rơm mục ruỗng đến đâu, cát lọt vào đó ủ ấm cho gốc, ngăn ngừa được hiện tượng héo lộc sau này. Trồng xong, cách một hôm lại dùng nước vôi trong tưới cho cây. Việc làm này ngăn không cho giun có cơ hội thâm nhập, phá bộ rễ cây, giúp cây nhanh hồi, phát triển dễ dàng. Khi trồng cần phủ đất mới kín bầu, sau đó rải tối thiểu 3 lớp phân NPK hoặc lân Lâm Thao xen kẽ với từng lớp đất tơi xốp. Nếu bón dồn một lớp nhiều phân lân dễ làm cây bị xót, sun rễ, cây khó sống được.
Trồng cây phải có phương pháp thì tỷ lệ cây sống mới cao. Song điều mong đợi nhất của nhà vườn lại là chăm sóc ra sao để nhãn sai hoa, trĩu quả. Ông Bùi Bộ, thôn Quang Trung cho biết: “Trước đây, chúng tôi để nhãn ra hoa, đậu quả tự nhiên nên năm có thu, năm không. 5 năm nay, hầu hết các hộ đều kết hợp kinh nghiệm với ứng dụng khoa học kỹ thuật để điều chỉnh cho nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Từ đó, nhãn mới thực sự là thu nhập chính của nông dân ở đây”. Theo kinh nghiệm của ông Bộ, việc khoanh vỏ cây và “làm thuốc” nên kết hợp với nhau để đạt kết quả. Sau khi thu hoạch nhãn, ông cùng gia đình vệ sinh vườn, tỉa cành nhãn, chăm sóc để nhãn phát lộc đông. Dựa vào tiết thanh minh và lập xuân, ông tính thời gian “làm thuốc”. Đầu năm nay rét đậm, rét hại kéo dài, sự phát triển của cây chững lại, thêm nữa sức khỏe của cây mức độ vừa phải nên ông “làm thuốc” cho nhãn chậm lại 13 ngày, vào toàn bộ trà chính vụ. Ông kể, năm ngoái, tuy nhiều nơi mất mùa nhãn, thậm chí nhiều hộ trong xã không có thu từ nhãn nhưng với cách làm của mình, gia đình ông vẫn thu hơn 90 triệu đồng từ một mẫu nhãn.
Bên cạnh những vườn nhãn, cây nhãn đang được trồng mới, trồng xen, trồng thay thế, toàn xã Tân Hưng có khoảng 15% số cây đã trổ hoa trà sớm. Theo người trồng nhãn, khả năng ra hoa, đậu quả của nhãn trong xã năm nay có nhiều triển vọng tốt. Mong rằng, với sự cần cù, sáng tạo, nhạy bén trong việc trồng, chăm sóc nhãn, người trồng nhãn ở Tân Hưng sẽ tiếp tục có những mùa nhãn thắng lợi