(ĐCSVN) - Từ đầu vụ đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, lúa mùa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh và mức độ sâu bệnh gây hại cũng giảm hơn so với vụ mùa năm trước. Điều này ngoài những yếu tố thuận lợi từ thiên nhiên, thời tiết còn do sự chủ động và tích cực của cán bộ chuyên môn và nông dân trong công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại.
Trước hết là việc lựa chọn bộ giống lúa thích hợp bảo đảm vừa tăng năng suất, chất lượng vừa kháng được một số loại sâu bệnh gây hại. Việc các địa phương trong tỉnh mở rộng các diện tích lúa lai đã hạn chế được một số loại sâu bệnh gây hại như: đạo ôn, khô vằn… Việc áp dụng các biện pháp chăm sóc như bón phân cân đối, điều tiết nước tưới hợp lý đã góp phần làm hạn chế khả năng phát sinh và gây hại của sâu bệnh. Nhiều loại sâu bệnh như: khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ… chủ yếu gây hại và gây hại mạnh trên các diện tích lúa xanh tốt, bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Chính vì vậy, trong những năm qua các cấp chính quyền và các ngành chuyên môn đã tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, trong đó đặc biệt lưu ý đến khâu chăm bón cho lúa. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn thì trong việc bón phân, nông dân cần áp dụng các biện pháp như: nặng đầu nhẹ cuối, bón phân căn cứ theo bảng so màu lá lúa, bón các loại phân bón tổng hợp, hạn chế bón phân bón đơn…
Trên cây trồng, nhất là cây lúa, trong quá trình sinh trưởng, phát triển không thể tránh khỏi việc nhiễm sâu bệnh. Tuy nhiên, việc phòng trừ sâu bệnh chỉ được đặt ra khi sâu bệnh đến ngưỡng phải phòng trừ, tức là với mật độ hoặc tỷ lệ hại đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất và thu nhập của người nông dân. Anh Nguyễn Văn Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Hưng Yên cho biết: “Với mỗi loại sâu bệnh và tại mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, chúng tôi có những khuyến cáo riêng. Thông thường để bảo vệ cây lúa thì không nhất thiết là cứ phải tiêu diệt hết sâu bệnh, vì như vậy cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt hết thiên địch có lợi, sẽ tạo nguy cơ bùng phát các loại dịch hại mới. Thêm nữa nếu làm như vậy sẽ rất tốn kém tiền của và làm ảnh hưởng đến môi trường sống”.
Phòng trừ sâu bệnh là biện pháp nhằm bảo vệ cây lúa khỏi các nguy cơ gây hại khi các biện pháp khác không còn phù hợp hoặc không phát huy tác dụng. Tuy nhiên để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cần sự vào cuộc tích cực của cán bộ chuyên môn, chính quyền địa phương và đặc biệt là của nông dân.
Việc bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh phát triển của sâu bệnh để dự tính dự báo là rất quan trọng. Việc dự tính dự báo tập trung vào việc xem xét thời gian phát sinh gây hại và thời điểm phòng trừ thích hợp. Kết quả dự tính, dự báo càng chính xác thì việc chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh sẽ đạt được hiệu quả cao hơn. Ví dụ như đối với các loại sâu như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… thì nên phòng trừ khi sâu ở tuổi 1 – 2; đối với bọ rầy nên phòng trừ khi còn là rầy cám; đối với bệnh đạo ôn, bệnh vàng lá – đốm sọc vi khuẩn… nên phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện…
Lựa chọn bộ thuốc phù hợp cho loại sâu bệnh cần phòng trừ cũng đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc BVTV có hoạt chất tương tự nhau nhưng có tên gọi khác nhau, lại chủ yếu mang tên nước ngoài hoặc phiên âm tiếng nước ngoài, khiến ngay cả cán bộ chuyên môn cũng thấy khó phân biệt. Vì vậy, phần lớn nông dân lựa chọn thuốc phòng trừ sâu bệnh theo lời khuyên và hướng dẫn của các đại lý bán thuốc BVTV. Trong khi đó, có không ít đại lý vì hạn chế về kiến thức, thậm chí vì lợi nhuận đã khuyên người dân sử dụng các loại thuốc không hiệu quả hoặc sử dụng cộng dồn nhiều loại thuốc trong một bình phun gây tốn kém mà hiệu quả phòng trừ sâu bệnh không cao. Chúng tôi gặp bà Trần Thị Nghĩa, nông dân thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) đang loay hoay với một mớ thuốc BVTV vừa mua ở đại lý về. Tôi hỏi: “Lúa nhà bác làm sao mà phải phun thuốc trừ sâu và các loại thuốc này để phòng trừ loại sâu bệnh nào ạ?”. Bác Nghĩa lắc đầu cho biết: “Tôi nghe thông báo trên loa phát thanh là có lịch phun thuốc sâu nhưng cũng không rõ chi tiết lắm. Chỉ biết khi ra đại lý hỏi chị ấy bảo phải phun kết hợp 5 loại thuốc này để phòng trừ, nào là sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn, bọ rầy, vàng lá gì gì nữa cũng không biết”.
Kinh nghiệm rút ra qua công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ trong những năm qua cho thấy, yếu tố chủ yếu dẫn đến hiệu quả phòng trừ sâu bệnh không cao là do nông dân chưa tuân thủ đúng và đầy đủ kỹ thuật phòng trừ, nhất là đối với bọ rầy gây hại cuối vụ. Nguyên nhân khiến bọ rầy bùng phát, gây hại thành dịch và gây hại mạnh trong những năm qua không phải do dự tính dự báo không chính xác, không phải do chất lượng thuốc BVTV kém mà chính là do nông dân phòng trừ không đúng cách, làm giảm hiệu lực của thuốc.
“3 tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”. Trên các cánh đồng, cây lúa đang dồn hết sức lực để bung ra những bông lúa với hi vọng đem lại mùa vàng bội thu, trả công cho người sớm hôm chăm sóc. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng lúa gạo. Chính vì vậy người nông dân không được lơ là, chủ quan. Theo Chi cục BVTV tỉnh, từ nay đến cuối vụ, các loại sâu bệnh cần chú ý là sâu đục thân 2 chấm, bọ rầy lứa 6 và lứa 7. Ngoài ra còn có bệnh vàng lá – đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt… Vì vậy, để bảo đảm có một vụ lúa mùa thắng lợi trong điều kiện diễn biến sâu bệnh từ nay đến cuối vụ còn rất phức tạp và khó lường, các cấp, các ngành chuyên môn và người nông dân cần chủ động, tích cực bám sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.