Chung tay vào cuộc

Thứ hai, 08/07/2013 14:48

Hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp kinh phí tham gia các hội trợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề; hàng triệu sản phẩm Việt chất lượng cao như đồ gia dụng, thực phẩm… được đưa về các vùng nông thôn thông qua các kênh phân phối trực tiếp và gián tiếp; tổ chức 8 hội chợ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” tại thành phố Hưng Yên và các huyện trên địa bàn tỉnh, thu hút trên 200 doanh nghiệp tham gia và gần 100 nghìn lượt khách thăm quan, mua sắm với doanh thu trên 50 tỷ đồng…

 

Quầy sản phẩm giầy dép Việt Nam chất lượng cao
tại Siêu thị Phương Hải (Văn Lâm).
(Nguồn: baohungyen.vn)
 

Đó là những kết quả đáng ghi nhận trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sau hơn 3 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các ban ngành, đoàn thể với những hoạt động cụ thể, đều khắp đã góp phần xây dựng niềm tin và định hướng cho người tiêu dùng từng bước quan tâm, sử dụng ngày càng nhiều các sản phẩm mang thương hiệu Việt đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy những sản phẩm do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã chiếm lĩnh phần lớn trên giá trưng bày. Từ các sản phẩm tiêu dùng thông dụng như kem đánh răng, xà phòng, mì chính, nước mắm, đường… cho đến các mặt hàng cao cấp, đắt tiền như điện tử, điện lạnh, quần áo… đều gắn mác “Made in Việt Nam”. Các chương trình khuyến mại hấp dẫn cùng với nhiều sản phẩm tặng kèm đã thu hút khách hàng tập trung mua sắm, trải nghiệm và sử dụng sản phẩm. Với giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, đa số các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ động, giới thiệu sản phẩm, hội chợ, triển lãm… do Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp… tổ chức đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng được trải nghiệm thêm nhiều sản phẩm trong nước và từng bước xây dựng niềm tin cho thương hiệu Việt.

Sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, từng bước làm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân. Trong hơn 3 năm qua, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn lao động tỉnh… đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các buổi nói chuyện, hội họp, treo băng rôn, khẩu hiệu, phổ biến nội dụng chương trình qua loa truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng…

Qua kênh phân phối của Hội Nông dân các cấp, gần 200 nghìn hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia mua trên 20 nghìn tấn phân bón chuyên dùng cho lúa và các loại hoa màu, cây ăn quả… của công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển với tổng giá trị trên 110 tỷ đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Công ty dược phẩm Sao Thái dương tổ chức 126 buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm của công ty đến hàng nghìn cán bộ, hội viên tại các huyện, thành phố; phối hợp với Hội Nữ doanh nhân tỉnh phát hành các ấn phẩm giới thiệu và quảng bá sản phẩm của các nữ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ gây rối thị trường cũng thường xuyên được các cơ quan chức năng đẩy mạnh. Hàng năm, Chi cục quản lý thị trường tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai các đợt kiểm tra tại các huyện, thành phố, phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp bán hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước…

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục. Công tác phối hợp tuyên truyền giữa các ban ngành, đoàn thể vẫn còn chưa được đồng bộ, thường xuyên, liên tục nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Tình trạng gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước còn chậm đổi mới công nghệ sản xuất, giá thành sản phẩm cao, mẫu mã đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ… Kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại và triển khai cuộc vận động còn khiêm tốn nên chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức hội chợ, triển lãm…còn sơ sài, thiếu sự đầu tư thích đáng. Thiết nghĩ, để người Việt thực sự ưu tiên dùng hàng Việt trong nền kinh tế mở cửa, hoà nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì cuộc vận động cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của ngành chức năng, các đoàn thể xã hội và cả sự chung tay của các doanh nghiệp để chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao và khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực