|
Công tác quản lý, kê khai hộ tịch ở Hưng Yên đã có những chuyển biến tích cực. Ảnh: báo Hưng Yên |
Những năm qua, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đáp ứng tốt nhu cầu của công dân.
Các hoạt động như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, thực hiện đăng ký nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính, bổ sung, điều chỉnh hộ tịch, cấp lại bản chính giấy khai sinh, bản sao giấy tờ hộ tịch... đều được thực hiện có nền nếp, hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có 316 cán bộ công chức tư pháp/161 xã, phường, thị trấn, trong đó số hợp đồng làm công tác tư pháp - hộ tịch là 88/316 người, số xã, phường, thị trấn có 2 công chức tư pháp - hộ tịch là 120, chiếm 37,9% tổng số xã, phường, thị trấn. Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã chủ yếu có trình độ trung cấp, với 229/316 người chiếm 72,4% tổng số công chức tư pháp hộ tịch cấp xã. Từ khi áp dụng Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc tuân thủ quy định pháp luật về hộ tịch được cải thiện với những thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Từ năm 1999 đến nay, thực hiện chế độ sổ kép theo quy định tại Nghị định số 83/1998/NĐ-CP và Nghị định 158 của Chính phủ, việc lưu trữ sổ hộ tịch được tiến hành cả hai cấp (xã, huyện) và được thực hiện tương đối tốt. Các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hồ sơ và sổ hộ tịch được lưu trữ theo từng loại việc, chia ra từng năm, đáp ứng yêu cầu khai thác, tra cứu dễ dàng, tiện lợi.
Việc tổ chức tập huấn chuyên sâu, tập trung hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ hộ tịch cho cán bộ tư pháp cơ sở được Sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng. Công tác kiểm tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện định kỳ hàng năm. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý những nội dung còn tồn tại trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị, thắc mắc, phản ánh của công dân về công tác quản lý và đăng ký hộ tịch được quan tâm ngay từ cơ sở. UBND các xã, phường, thị trấn đã niêm yết công khai mức thu phí hộ tịch và lịch tiếp dân của lãnh đạo UBND. Những vấn đề công dân chưa hiểu, chưa rõ được cán bộ chuyên môn giải thích rõ.
Để thực hiện tốt công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, ngành tư pháp đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với nhận thức của đông đảo nhân dân, như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị, tuyên truyền thông qua các hội thi “Hộ tịch viên giỏi”, “Hòa giải viên giỏi”, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, trợ giúp pháp lý lưu động… Hoạt động tuyên truyền đã phát huy tác dụng, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.
Công tác ghi chép sổ hộ tịch, quản lý hồ sơ, công tác lưu trữ tại cơ sở được thực hiện đúng quy định. Việc khai thác hệ thống sổ lưu, các sổ được đánh số theo từng năm, từng địa phương nên việc tra cứu thông tin được thuận lợi, khoa học. Các đơn vị làm tốt công tác này là thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào), phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên), xã Hoàng Hoa Thám (Ân Thi)… Nhìn chung việc quản lý hộ tịch được thực hiện ghi chép, đăng ký vào sổ, lưu trữ hồ sơ và thực hiện báo cáo công tác hộ tịch đầy đủ, đúng quy định. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch nên không tùy tiện sửa chữa, thêm, bớt nội dung, tự giác thực hiện đi đăng ký hộ tịch, không còn tình trạng “sinh không khai, tử không báo” như trước đây, góp phần bảo vệ quyền và nghĩa vụ của công dân, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, đối với đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Ông Trần Thế Tiệm, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp cho biết, lực lượng này đa số là trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, lại thường xuyên biến động, đội ngũ thay thế không có chuyên môn, nghiệp vụ, việc bổ sung cán bộ tư pháp cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định còn diễn ra, chưa có biện pháp khắc phục. Chế độ lương và phụ cấp còn thấp, nhất là những cán bộ làm lâu năm nhưng bằng cấp không bảo đảm theo quy định, có nơi muốn thay thế lại không có người đủ trình độ. Vì vậy hiệu quả làm việc của một bộ phận công chức tư pháp cấp xã chưa cao, trình độ cán bộ không đồng đều, phần lớn kiêm nhiệm, lại thường xuyên luân chuyển nên khó đảm trách các hoạt động chuyên môn hộ tịch. Trong khi đó hệ thống pháp luật điều chỉnh tuy nhiều nhưng không tập trung đã gây khó khăn cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch khi thực hiện nhiệm vụ cũng như người dân trong tìm hiểu pháp luật về hộ tịch. Những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được cụ thể hoá trong các văn bản pháp luật mà chỉ dừng lại ở văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nên tính pháp lý chưa cao. Các quy định về thẩm quyền còn bất cập, chưa rõ ràng, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng đăng ký sai thẩm quyền do chưa phân định được thẩm quyền đăng ký…
Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại bộ phận một cửa, tiếp nhận và trả kết quả theo đúng thời gian quy định. Các thủ tục hành chính về hộ tịch liên quan trực tiếp đến người dân được niêm yết công khai tại trụ sở. Nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch được cắt giảm về thành phần hồ sơ, mẫu đơn, tờ khai, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ những thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi có yêu cầu. UBND tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống thông tin quản lý hộ tịch trang bị toàn bộ trang thiết bị làm việc, phần mềm quản lý phục vụ công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại 161 xã, phường, thị trấn. Đây có thể xem là bước đột phá trong công tác hộ tịch tiến tới thống nhất chuyển quản lý hộ tịch bằng dữ liệu điện tử thay sổ sách, biểu mẫu hộ tịch như hiện nay, giúp cơ quan nhà nước đưa ra những chính sách hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.