(ĐCSVN) - Có một thực tế hiện nay, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương ở tỉnh Hưng Yên khi tiến hành xây dựng đường giao thông nông thôn, lại dựng lên những chiếc cột bê tông ở đầu đường với mục đích ngăn không cho xe quá tải đi vào phá hỏng đường. Việc làm này bên cạnh đem lại một số hiệu quả, thì cũng gây nên sự bất tiện trong việc lưu thông, sinh hoạt của người dân, thậm chí những chiếc cột bê tông này còn vô tình trở thành một cái bẫy đối với người đi đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Vừa qua, xã Ngọc Thanh huyện Kim Động đã xây dựng một đoạn đường bằng bê tông dài gần 800m, chiều rộng 5m ở thôn Thanh Cù. Con đường sẽ giúp cho việc đi lại thường ngày của nhân dân trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên ở khu vực đầu đường gần chợ Gò lại có 2 cột bê tông rất to đứng sừng sững. Việc dựng 2 cột này là do ý kiến của đại đa số nhân dân trong thôn Thanh Cù nhằm để hạn chế xe tải chở vật liệu xây dựng vào trong thôn phá hỏng đường. Nhân dân có ý thức bảo vệ đường là điều tốt, song việc đặt 2 cột bê tông quá to, khoảng cách giữa 2 cột chỉ 2m30 thì chưa hợp lý lắm, cột lại không sơn phản quang, vì thế các phương tiện khi lưu thông qua đây rất dễ bị đâm hoặc va quệt vào cột nhất là vào buổi tối.
Tại khu vực lối lên xuống cầu Lạc Vương, thị trấn Vương huyện Tiên Lữ người dân cũng chôn những chiếc cột bê tông này như một chướng ngại vật, nhiều khi là cái bẫy đối với người đi đường. Hằng ngày lượng người và phương tiện qua cầu khá đông, cộng với việc đặt cột bê thông không mấy hợp lý, cho nên đã có nhiều vụ va chạm xảy ra giữa những người đi ngược chiều do tránh cột, thậm chí đã có nhiều người điều khiển phương tiện giao thông bị đâm vào cột. Mới đây nhất, một trong 2 cột bê tông đã bị một ô tô khách đâm đổ.
Ở đầu con đường dẫn vào thôn Triều Tiên xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên cũng có 2 cột bê tông đặt khá sát nhau, khoảng cách giữa 2 cột chỉ vừa một ô tô con 4 chỗ. Đây là con đường giao cắt với đường Nguyễn Văn Linh, vì vậy việc đặt 2 cột bê tông quá sát nhau, không những gây khó khăn cho người điều khiển xe khi rẽ vào trong thôn, mà trong nhiều trường hợp khẩn cấp như có người cần cấp cứu, chữa cháy thì xe cứu thương, xe cứa hỏa đều không vào được.
Những chiếc cột bê tông ở đầu đường hầu như ở nơi đâu cũng có, có nơi dựng to, có nơi dựng nhỏ, có nơi dựng 2 cột, có nơi dựng một cột chắn ở giữa đầu đường. Không phủ nhận hiệu quả của những cột bê tông này trong việc ngăn chặn các xe quá tải lưu thông trong thôn xóm, góp phần hạn chế làm hỏng đường. Thế nhưng, việc dựng, đặt cột bê tông không đúng kích cỡ, không đúng chỗ thì sẽ “lợi bất cập hại”, những chiếc cột này vô tình trở thành những cái bẫy, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi đường và thậm chí là chính người dân địa phương. Thiết nghĩ, khi xây dựng đường giao thông nông thôn, các địa phương cần nghiên cứu, sử dụng cổng ba-ri-e thay cho cột bê tông, cách này vừa có tác dụng ngăn chặn xe trọng tải lớn đi vào đường, vừa đảm bảo an toàn giao thông.