Công nghiệp Hưng Yên chuyển mình sau 15 năm tái lập tỉnh

Thứ bảy, 26/11/2011 20:52

(ĐCSVN) - Sau 15 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh với cơ sở vật chất còn nghèo nàn, lạc hậu đến nay Hưng Yên đã đứng trong nhóm 15 tỉnh trên toàn quốc có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và giá trị sản xuất lớn.

 Nhà máy chiết xuất dầu và khô đậu tương đầu tiên tại Việt Nam được
 xây dựng tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên

Cũng giống như nhiều xã, thị trấn khác, ở thời điểm 15 năm về trước, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động cũng chưa có sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp là ngành đem lại thu nhập chính cho hầu hết người dân nơi đây. Trong khi chính việc sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu dẫn đến thu nhập thấp, đời sống người dân khó khăn, không được đảm bảo. Năm 1997 thu nhập bình quân đầu người đạt 6 triệu đồng/người/năm.

Nhìn lại 15 năm qua, thị trấn Lương Bằng ngày nào nay đã chuyển mình mạnh mẽ, từ đời sống kinh tế cho đến văn hoá xã hội ngày càng giàu và phong phú hơn. Từ chỗ chưa có công nghiệp đến nay thị trấn đã có hơn 20 doanh nghiệp về xây dựng nhà máy sản xuất. Thu hút hơn 1.000 lao động vào làm việc, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 13 triệu đồng; số hộ khá, hộ giàu chiếm 85%. Công nghiệp phát triển đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại; chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp theo hướng giảm nông nghiệp, tăng cho công nghiệp và dịch vụ thương mại.

Công nghiệp phát triển gắn liền với đó là sự tác động mạnh mẽ làm thay đổi đời sống của nhân dân. Những người nông dân xưa nay đã năng động hơn, cuộc sống ngày càng được đảm bảo. Ông Đoàn Minh Quang, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động cho biết: “Từ sau ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm của Nhà nước, cơ chế mở cửa thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển đã tác động mạnh mẽ đến các thành phần kinh tế khác sản xuất hiệu quả hơn. Đến nay, thị trấn đã trở thành một địa điểm tin cậy của nhiều nhà đầu tư, thu hút được nhiều nguồn vốn sản xuất công nghiệp…”.

Bức tranh về sự đổi thay của vùng quê Lương Bằng cũng là bức tranh chung về sự đổi thay cho nhiều địa phương của tỉnh Hưng Yên. Công nghiệp đã đóng góp vai trò to lớn, là đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển chung ở mỗi địa phương. Đây là kết quả, là sự nỗ lực cố gắng lớn của cấp, các ngành với chính sách mở cửa hội nhập để đưa nền kinh tế ngày càng phát triển.

Chính sách thu hút đầu tư bước đầu có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp từ các địa phương trên cả nước và các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư đã góp phần làm cho giá trị sản xuất công nghiệp tăng vọt theo từng năm. Đến nay toàn tỉnh Hưng Yênđã có gần 1.000 dự án vào đầu tư, trong đó có hơn 700 dự án trong nước và hơn 200 dự án nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 50 nghìn tỷ đồng và gần 2 tỷ đô la. Trong đó có hơn 500 dự án đã đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 12 vạn lao động trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Năm 1997, giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt hơn 200 tỷ đồng thì đến năm 2000 tăng lên hơn 2.300 tỷ đồng. Đến năm 2010 tăng lên hơn 20 nghìn tỷ đồng, dự kiến năm 2011 sẽ đạt trên 22 nghìn tỷ đồng. Sau 15 năm, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã có bước phát triển nhảy vọt, tăng khoảng 60 lần so với thời điểm tách từ tỉnh Hải Hưng. Công nghiệp Hưng Yên từ nhóm cuối so với các địa phương khác trong cả nước đến nay đã vươn lên đứng thứ 11 về tốc độ tăng trưởng và giá trị sản xuất. Hưng Yên đã được Chính phủ quy hoạch phát triển 13 khu công nghiệp tập trung, được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại để phục vụ cho các dự án vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bà Đỗ Thị Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan ở Văn Giang nhận xét: “Hưng Yên là một tỉnh có tiềm năng lớn về đầu tư sản xuất công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện Văn Giang, Văn Lâm và ngay cả các huyện xa hơn như Ân Thi, Phù Cừ… cũng đã thu hút nhiều nguồn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Với nhiều ưu điểm như: Chính sách đầu tư mở cửa, nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó và sáng tạo cùng với sự tâm huyết của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, Hưng Yên chắc chắn sẽ còn thu hút đầu tư về công nghiệp nhiều hơn nữa”. 

Sau ngày tái lập tỉnh đến nay, không chỉ giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh mà số doanh nghiệp sản xuất công nghịêp cũng tăng đáng kể. Năm 1997 toàn tỉnh mới chỉ có 30 cơ sở sản xuất công nghiệp đến nay đã tăng lên gần 1.000 cơ sở. Các sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm chủ lực, là thế mạnh của sản xuất công nghiệp trong tỉnh như: hàng may mặc, lắp ráp ô tô, đồ điện tử, sắt thép và các sản phẩm cơ khí.

Công nghiệp phát triển đã tạo đà cho chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng công nghiệp và hiện đại. Năm 1997, tỷ trọng sản xuất công nghiệp mới đạt gần 15%  trong tổng cơ cấu của cả nền kinh tế của tỉnh thì đến năm 2.000 đã tăng lên hơn 30%. Đến nay, tỷ lệ này tăng lên chiếm gần 50%.

Công nghiệp phát triển mạnh là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng thu ngân sách. Giai đoạn mới tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách mới đạt gần 100 tỷ đồng, năm 2.000 tăng lên 300 tỷ đồng và đến năm 2010 đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Năm 2011 này, ước tổng thu ngân sách sẽ đạt trên 4.000 tỷ đồng. Kết quả này đã đưa Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh có số thu ngân sách tăng cao nhất trong cả nước.

15 năm sau ngày tái lập, công nghiệp tỉnh Hưng Yên đã tiến những bước vững chắc trong nền công nghiệp cả nước. Với kết quả của thực tại, cùng những tiềm năng và lợi thế hứa hẹn sẽ là bàn đạp đang mở ra những bước phát triển công nghiệp vững chắc hơn trong thời gian tới, đưa Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghịêp vào năm 2020./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực