Công tác xây dựng nông thôn mới ở Văn Lâm

Thứ hai, 05/08/2019 14:38

(ĐCSVN)- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Chỉ có làm tốt công tác dân vận thì mới huy động được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân”, được sự chỉ đạo của các cấp, trong những năm qua công tác dân vận ở huyện Văn Lâm đã thu được nhiều kết quả góp phần đáng kể trong việc đưa 10/10 xã về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vừa qua, tỉnh Hưng Yên thẩm định huyện Văn Lâm đã đạt các tiêu chí huyện nông  thôn mới.    

  Với nhận thức công tác dân vận là nhiệm vụ chiến lược của các cấp ủy đảng, là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, do đó từ năm 2011 Ban Thường vụ huyện ủy Văn Lâm đã xây dựng, triển khai đề án số 01 về: “Nâng cao chất lượng hoạt động của khối Dân vận, gắn với việc đẩy mạnh hoạt động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhân dân ở cơ sở”. Ban Dân vận huyện ủy hàng năm xây dựng chương trình công tác, phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ dân vận, tổ chức các hội thi… nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, từ đó đã làm cho công tác dân vận lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân, tạo ra sự thi đua giữa các ban ngành đoàn thể, giữa các xã, các thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Các xã Tân Quang, Đình Dù được chọn làm điểm trong việc xây dựng nông thôn mới đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện cho được 19 tiêu chí của một xã nông thôn mới. Đồng chí Đỗ Quang Hùng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối dân vận xã Đình Dù cho hay: “Phát huy truyền thống là địa phương đã được Bác Hồ về thăm và tặng cờ là đơn vị khá nhất trong phong trào làm thủy lợi, nay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, chúng tôi triển khai tới các đồng chí trong đảng ủy, bí thư chi bộ, trưởng phó thôn… tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống quê hương hăng hái góp công, góp sức với tinh thần cao nhất để xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”. Hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, các thành viên của khối dân vận đã đem hết nhiệt huyết của mình để có “nghệ thuật” khéo léo vận động các tầng lớp nhân dân hiến đất, ủng hộ tiền, ngày công lao động để làm đường giao thông, xây trường học… Các thôn đều triển khai họp tới từng ngõ, nói rõ về quy cách các tuyến đường giao thông cần mở rộng để nhân dân hiểu được tác dụng của việc làm đường giao thông không chỉ đem lại lợi ích phát triển kinh tế trước mắt mà còn đem lại lợi ích lâu dài cho con cháu mai sau. Mỗi thôn đã có những cách vận động khác nhau. Ở hai thôn Ngải Dương, Đình Dù đã vận động nhân dân hiến đất bằng cách: Nếu gia đình nào hiến trên 10m2 đất thì thôn tặng chữ “tâm” màu vàng được đặt trong khung rất trang trọng, còn gia đình nào hiến dưới 10m2 thì tặng giấy chứng nhận. Qua đó, đã tạo ra sự thi đua giữa các hộ hiến đất, ủng hộ tiền để làm đường. Kết quả, ở thôn Đình Dù có hơn 170 hộ hiến 1.002m2 đất, thôn Ngải Dương có 96 hộ hiến 750m2 đất….cả xã có 523 hộ hiến 1848m2 đất, nhân dân góp hơn 7 tỷ đồng và 3.500 ngày công để mở rộng và nâng cấp 21,5 km đường thôn, xóm. Tiêu biểu ở thôn Đình Dù có gia đình ông Lê Văn Tỉnh hiến 54m2 đất, ở thôn Ngải Dương, đồng chí Trưởng thôn Nguyễn Thành Nguyên hiến 13 m2 và 6,5 triệu đồng để mở rộng đường. Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ủng hộ 300 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới. Nhiều gia đình ở các thôn ủng hộ tiền để xây dựng các công trình đường giao thông, sân bóng, hệ thống đèn chiếu sáng… Hiện nay, đến thôn, xóm nào ở Đình Dù các tuyến đường đều chất lượng và có chiều rộng theo chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã thực sự “thay da đổi thịt”.

Để phong trào “Dân vận khéo” gắn với phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thường trực Huyện ủy Văn Lâm hàng quý tổ chức giao ban với MTTQ và các đoàn thể huyện để thống nhất chỉ đạo hoạt động chuyên môn để có sự phối hợp với ban Dân vận nhằm thực hiện tốt công tác dân vận và nhiệm vụ chính trị của huyện. Các mô hình “Dân vận khéo” đều được MTTQ, các đoàn thể nhân dân và cơ sở gắn với các cuộc vận động như: “Khu dân cư 3 không” của MTTQ; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; gia đình 5 không, 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; phong trào thi đua “ Hội cựu chiến binh gương mẫu”, Đoàn thanh niên với phong trào Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, phong trào “hai giỏi” trong công nhân lao động… Đến nay, toàn huyện có 211 mô hình tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế và tham gia xây dựng nông thôn mới, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng…

Trong việc xây dựng nông thôn mới ở một huyện gần thủ đô, việc vận động nhân dân hiến đất là rất khó, nhưng với sự quyết tâm cao của các ban ngành đoàn thể, thực hiện lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, do đó các mô hình dân vận khéo đã bằng nhiều phương pháp tuyên truyền vận động khác nhau để đạt kết quả cao nhất. Đồng chí Nguyễn Văn Hinh, nguyên chủ tịch Hội CCB xã Chỉ Đạo - gương điển hình trong công tác dân vận khéo, cho biết: “Ở xã tôi việc mở rộng từ 4m lên 7m đoạn đường từ trung tâm xã qua khu chợ Hè nối với xã Đại Đồng là đáng quan tâm nhất, bởi đoạn này đất đai giá trị hơn trong ngõ xóm và phải tuyên truyền nhiều hộ hiến đất. Được Đảng ủy giao nhiệm vụ cho hội CCB, tôi cùng các đồng chí trong Ban chấp hành đã tới nhà các hội viên nêu rõ ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và vai trò của Hội CCB trong việc này. Anh em cùng nhau ôn lại lời thề thứ 7: “Đoàn kết chặt chẽ với nhau như ruột thịt trên tình thương yêu giai cấp; hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận, thực hiện toàn quân một ý chí”. Nay, phát huy truyền thống anh bộ đội cụ Hồ, mỗi CCB hãy gương mẫu làm trước để mọi nhà noi theo đồng thời Hội CCB cũng sẵn sàng huy động anh em cùng hỗ trợ tháo dỡ tường rào để các gia đình hiến đất theo đúng quy cách chiều rộng con đường”. Kết quả, sau khi các đồng chí CCB hiến đất là những tấm gương để các hộ làm theo và thế là cả xã có 110 hộ hiến 950 m2 đất để làm đường. Sau khi các đoạn đường được làm xong, nhìn các con đường rộng, thẳng làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, làm cho đất ở tăng thêm giá trị, anh em CCB rất phấn khởi, tình đồng chí đoàn kết gắn bó hơn.

Phong trào CCB “hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước” lan rộng khắp cả huyện, ở xã nào cũng có những CCB gương mẫu hiến đất, tiền, xi măng, ngày công… để góp phần xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu ở xã Đình Dù có: gia đình CCB Nguyễn Văn Xuân ở thôn Ngải Dương. Thời gian qua, thấy học sinh tiểu học khu 2 của xã học trong các phòng học đã cũ, gia đình ông đã xây tặng xã một ngôi trường tiểu học 2 tầng khang trang, gồm 8 phòng học có đầy đủ bàn, ghế, trang thiết bị dạy học trị giá hơn 6 tỷ đồng, ngôi trường được xây trên địa bàn thôn Ngải Dương và khánh thành năm 2018; Cựu chiến binh Nguyễn Văn Nhớn đã dỡ một nửa gian nhà đang ở để hiến đất làm đường. CCB ở xã Lương Tài có đồng chí Vương Xuân Huấn ủng hộ 20 tấn xi măng, đồng chí Nguyễn Văn Điền ủng hộ 90 triệu để làm đường bê tông…5 năm qua CCB, cựu quân nhân toàn huyện đã ủng hộ hơn 12 tỷ đồng, hiến gần 3000 m2 đất và đóng góp hơn 8.600 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Không những thế phong trào CCB gương mẫu đã thi đua phát triển kinh tế và giúp đỡ đồng đội cùng phát triển ngày càng có hiệu quả cao. Câu lạc bộ CCB - cựu quân nhân sản xuất kinh doanh giỏi đến nay đã tăng lên là 75 đồng chí, trong đó có 15 đồng chí đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 46 đồng chí đạt danh hiệu kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Thi đua với hội CCB, hội LHPN từ huyện đến cơ sở đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới. Thực hiện lời Bác dạy: “Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Các cơ sở hội đã gắn hơn 1.700 biển đoạn đường “xanh, sạch, đẹp” ở 11 xã, thị trấn do phụ nữ tự quản. Để các đoạn đường đẹp hơn, hội LHPN huyện đã phát động mô hình trồng “Đường hoa”. Trong việc triển khai trồng đường hoa, đồng chí Đào Thị May, Huyện ủy viên, chủ tịch hội LHPN huyện tâm sự: “Cùng với tuyên truyền, vận động, chị em phải có sự quyết tâm cao trong chỉ đạo từ huyện Hội đến cơ sở về nguồn cây, cành hoa để trồng, kỹ thuật chăm tưới….và phải có sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền để hỗ trợ về nhân lực và máy xúc san đắp lề đường để trồng hoa”. Đến nay, đến xã nào trong huyện cũng có những đoạn đường hoa rất đẹp. Toàn huyện đã trồng được 173 đoạn đường hoa các loại với chiều dài hơn 50 km, góp phần tạo cảnh quan đường làng, ngõ xóm, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn thêm đẹp.

Không chỉ trồng hoa, chị em phụ nữ còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền vận động các hộ hiến đất, kinh phí làm đường giao thông. Nhiều chị là chủ tịch hội, chi hội trưởng phụ nữ đã gương mẫu hiến đất để từ đó vận động gia đình hội viên làm theo. Kết quả trong toàn huyện 576 hộ hiến đất được 8.922m2 và 722 gia đình ủng hộ gần 2,5 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” Hội đã đẩy mạnh hoạt động giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, thực hành tiết kiệm dưới nhiều hình thức góp phần giảm nghèo bền vững. Các cơ sở hội đã vận động hơn 27.000 lượt chị em có điều kiện giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vay không lấy lãi,  có 2.745 phụ nữ nghèo được giúp hơn 23 tỷ đồng. Để việc sử dụng đồng vốn vay được hiệu quả, hội LHPN huyện đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tập huấn cho phụ nữ nghèo. Nhiều chị em sau khi được vay vốn và được tập huấn đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình, kết quả toàn huyện có 587 hộ nghèo đã thoát nghèo. Ở một huyện có nhiều làng nghề, trước sự phát triển của kinh tế thị trường, nhiều mô hình rất cần vốn để phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ, để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em về nguồn vốn, các cấp Hội đã kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á cho 4.185 hội viên vay hơn 113,8 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Nhiều chị em từ nguồn vốn này đã có sự bứt phá về kinh tế vươn lên trở thành hộ giàu.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Nông dân là những người trực tiếp được hưởng thụ, do đó họ rất hăng hái thi đua phấn đấu. Thực hiện lời Bác dạy: “Nhiệm vụ vẻ vang của đồng bào là phải ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho đồng bào nông dân ấm no, để cung cấp cho quân đội, để đảm bảo tiếp tế cho các thành thị, để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế nước nhà”, hội Nông dân Văn Lâm đã đẩy mạnh phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu”. Hàng năm các cấp hội đã phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho hơn 31.200 lượt hội viên nông dân tham gia; xây dựng 25 mô hình kinh tế trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ngành nghề nông thôn. Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động, chất lượng giá trị sản phẩm như: mô hình trồng cây có múi ở xã Tân Quang, mô hình chăn nuôi thủy sản trên vùng chuyển dịch đất trũng, mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp ở xã Lạc Hồng, mô hình sản xuất đồ gỗ ở xã Lạc Đạo…qua các mô hình người nông dân đã thực sự “tai nghe, mắt thấy, tay sờ” họ đã học tập được lẫn nhau rất nhiều để áp dụng vào mô hình của mình. Kết quả, hàng năm có hơn 3.200 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa để làm giàu cho chính mình và góp phần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Các cấp hội Nông dân trong huyện đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống được trên 1,3 tỷ đồng, 683 con lợn giống, hơn 1.800 cây giống, 738 tấn vật tư nông nghiệp và hàng nghìn ngày công…giúp 467 hộ nông dân thoát nghèo. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, các cơ sở hội đã tuyên truyền vận động 215 hộ nông dân hiến gần 3000 m2 đất, đóng góp trên 25 tỷ đồng để làm giao thông, huy động hơn 17.000 ngày công lao động làm đường, thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương…góp phần làm cho kết cấu hạ tầng ở các thôn, xã thêm khang trang, phục vụ thiết thực sản xuất làm cho nông thôn ngày càng tiến bộ, văn minh.

Góp phần thực hiện phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Đoàn thanh niên đẩy mạnh phong trào “Xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội”. Đoàn thanh niên huyện đã tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho đoàn viên, tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế về phát triển kinh tế hộ gia đình thanh niên trong huyện làm kinh tế giỏi. Tính đến nay có 29 mô hình kinh tế của hộ gia đình thanh niên ở nhiều lĩnh vực như trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu, chăn nuôi lợn sạch, tái chế kim loại màu... cho thu nhập từ 120 triệu đến 170 triệu đồng/năm. Phong trào: “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, Đoàn thanh niên Văn Lâm đã đảm nhận 03 công trình thanh niên cấp huyện như: Công trình tặng tủ sách và trồng hàng cây thanh niên tại chi bộ Đảng đầu tiên của huyện tại Thôn Tân Nhuế xã Lạc Đạo, Trồng hàng cây râm bụt tại nghĩa trang liệt sỹ huyện, hỗ trợ xây mới 02 ngôi nhà chính sách hòan cảnh khó khăn. Thanh niên các xã, thị trấn có 20 công trình như: Tu sửa, làm đẹp đài tượng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, trồng hàng cây xanh, đặt ghế đá, dọn vệ sinh môi trường thu hút trên 8000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Hưởng ứng xây dựng phong trào “Làng, xã xanh-sạch-đẹp” Đoàn thanh niên đóng góp hơn 2000 ngày công làm vệ sinh môi trường, trồng 400 cây xanh, duy trì và thành lập mới được 02 tổ hợp tác thanh niên bảo vệ môi trường… góp phần đảm bảo cảnh quan môi trường nông thôn mới.

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Liên đoàn lao động huyện đã tuyên truyền các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cùng với tích cực đẩy mạnh sản xuất đã ủng hộ các xã nhiều hạng mục công trình thiết yếu, tiêu biểu như công ty sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) hỗ trợ mua máy bơm nước cho các cánh đồng xã Đại Đồng, hỗ trợ thiết bị dạy học cho trường mầm non, trường tiểu học Như Quỳnh, xây nhà cho hộ nghèo xã Minh Hải, ủng hộ 3 cổng trào cho xã Việt Hưng, tặng xe chở rác ở các xã…tổng kinh phí là hơn 1,3 tỷ đồng; công ty TOKO hỗ trợ gạch lát nền nhà cho trường mầm non trị giá 60 triệu đồng, công ty ống thép Hòa Phát hỗ trợ mái che sân trường mầm non Chỉ Đạo 30 triệu đồng….

MTTQ – trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân, đã đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, với phương châm lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, lấy lợi ích chung của cộng đồng dân cư làm điểm tương đồng, lấy sự tiến bộ và nâng cao chất lượng cuộc sống ở khu dân cư làm mục đích, MTTQ và các thành viên đã bám sát địa bàn dân cư và các hộ gia đình để triển khai các phong trào góp phần cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ngày càng tăng, từ năm 2014 đến nay toàn huyện có hơn 136.800 lượt hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 71/86 làng, khu phố được công nhận làng, khu phố văn hóa. Diện mạo các khu dân cư đổi thay từng ngày, phong trào văn hóa, thể thao ngày càng phát triển. Toàn huyện có 104 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thường xuyên thu hút trên 3.000 người tham gia, nhất là hoạt động bóng chuyền hơi, thôn nào cũng có đội bóng, nhiều thôn có tới 02 sân bóng chuyền hơi. Hàng ngày, cứ 17 giờ đến 22 giờ đến xã nào cũng thấy khí thế giao lưu bóng chuyền hơi của các đoàn thể nhân dân cùng tham gia. Trước sự đổi thay của quê hương, lớp người cao tuổi tỏ ra rất phấn khởi, nhân ngày gia đình Việt Nam, những gia đình tiêu biểu được hội LHPN huyện tổ chức đám cưới vàng và tôn vinh gia đình “Tứ đại đồng đường”. Gia đình cụ Vũ Khắc Điệp-Phạm Thị Tấn ở xã Lương Tài vui mừng cho biết: “Trước đây cuộc sống vất vả, khó khăn lắm, từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới đưa nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được tăng lên gấp nhiều lần, nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng”. Các gia đình thấy rất tự hào truyền thống gia đình, quê hương, qua đó góp phần củng cố phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục có những bước phát triển tiếp theo. Hiện nay đã có 3 xã đang tiếp tục vận động nhân dân phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu. Điển hình là Tân Quang - xã đạt nông thôn mới đầu tiên của huyện, trong những năm qua, nhân dân đã tự nguyện đóng góp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được 10 tỷ đồng, năm 2018 xã đạt đô thị loại V, Đảng ủy xã đã có nghị quyết của phấn đấu đến năm 2020 đạt xã nông thôn kiểu mẫu. Sau khi triển khai đến cơ sở, nhân dân ngày càng tin tưởng vào chủ trương của Đảng, 8/8 thôn đã tiếp tục hăng hái ủng hộ tiền, tài sản, ngày công…trị giá 4,15 tỷ đồng.

Công tác dân vận của các đoàn thể góp phần rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, công tác dân vận chính quyền ở Văn Lâm thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, UBND từ huyện đến xã đã phân công đồng chí Phó chủ tịch phụ trách công tác dân vận, có nhiều xã đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách công tác dân vận; các phòng, ngành đều phân công cán bộ phụ trách công tác dân vận. Từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đem lại những kết quả đáng mừng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh, quốc phòng. Với lợi thế là huyện ven đô, có Quốc lộ 5A đi qua, trong những năm qua Văn Lâm đã thu hút 559 doanh nghiệp vào đầu tư, do đó thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế của huyện luôn ở mức cao, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai từ huyện tới các xã, thôn. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư và phát triển, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp được hơn 56 km đường huyện, 36,8 km đường trục xã, liên xã và hơn 285 km đường ngõ xóm, 79 km đường trục nội đồng. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã. Các trường học tiếp tục được đầu tư nâng cấp, xây mới, có 30/37 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên. Công tác tuyên truyền nhân dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,4%, bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3 đáp ứng tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn Quốc gia…Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là hơn 2.200 tỷ đồng. Vừa qua, tỉnh Hưng yên thẩm định, huyện Văn Lâm đã đạt 9/9 tiêu chí của một huyện nông thôn mới.

Có được kết quả đó là có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận từ huyện đến cơ sở, nói về phương hướng công tác dân vận trong thời gian tới, đồng chí Tôn Ngọc Chuẩn - ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy cho biết: “Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới công tác dân vận tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị; MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang trong việc thực hiện phong trào thi đua. Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” cho cán bộ, đảng viên, hội viên và quần chúng nhân dân, gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra”.

Từ những kết quả công tác dân vận đã đạt được, với những phương hướng đã đề ra, phát huy những lợi thế của một huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những kết quả về kinh tế - xã hội sau 20 năm tái lập huyện, công tác dân vận huyện sẽ góp phần đưa Văn Lâm ngày càng phát triển, sớm trở thành huyện công nghiệp của tỉnh Hưng Yên.

Cao Văn Khởi ( Trung tâm bồi dưỡng huyện Văn Lâm)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực