Vụ việc cháu Lê Thị Nhật Linh (9 tuổi) bị sát hại tại tại thành phố Abiko, tỉnh Chiba, Nhật Bản khiến dư luận xót xa suốt những ngày qua.
Nhiều tờ báo đưa tin, chiều 14/4, ông Kunio Umeda, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng với lãnh đạo UBND huyện Khoái Châu đã đến nhà anh Lê Anh Hào (35 tuổi, bố cháu Linh) tại thôn Bãi Sậy 3, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) để thắp hương và chia buồn cùng gia đình bé gái.
Ông Kunio Umeda đã gửi lời xin lỗi đến gia đình anh Lê Anh Hào và bước đầu thông tin về sự việc nghi phạm bị bắt giữ. Vị đại sứ cũng cho biết, nghi phạm đó có phải là hung thủ hay không thì còn phải đợi quá trình điều tra phía Nhật Bản.
|
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã cúi đầu xin lỗi gia đình anh Lê Anh Hào sau sự việc cháu Lê Thị Nhật Linh bị sát hại tại Nhật Bản. Ảnh Kiến thức |
“Tôi cùng nhân dân Nhật Bản rất đau lòng khi xảy ra chuyện này, tôi xin lỗi gia đình và mong linh hồn cháu Linh được siêu thoát. Vẫn biết cháu Linh không thể quay về được nữa, nhưng hôm nay bắt giữ được nghi phạm khiến bản thân tôi và người dân đất nước Nhật nhẹ lòng”, ông Kunio Umeda chia sẻ.
Trước lời xin lỗi của ông Kunio Umeda, anh Lê Anh Hào đã thay mặt gia đình cảm ơn tình cảm của ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, cảm ơn các cơ quan chức năng phía Nhật Bản đã nhanh chóng tìm được nghi phạm sát hại con gái anh.
|
Bức thư bằng Tiếng Nhật của ông Tango. |
Xin lỗi đã trở thành một nét văn hóa của người Nhật nói chung và doanh nghiệp Nhật nói riêng. Hồi cuối tháng 3/2016, ông Tango Hirosuke (77 tuổi), Giám đốc công ty Tango Candy, người đã có 25 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, người vừa bị khủng bố, chơi xấu, xử ép theo kiểu côn đồ từ Công ty Tân Đức, đã gửi 1 lá thư xin lỗi làm xôn xao cộng đồng mạng.
Trong thư, ông gửi lời xin lỗi đến mọi người vì đã dành thời gian đọc bức thư của ông, cũng như quan tâm đến sự việc công ty Tango Candy ở Long An bị đổ đất chặn trước cửa, cúp nước... trong thời gian vừa qua.
Ông cũng đã gửi lời xin lỗi đến đại diện 500 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong một cuộc gặp gần đây. Ông mong vấn đề của cá nhân ông, công ty ông sẽ không làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ tốt đẹp của họ về Việt Nam và người Việt.
“Với chuyện của cá nhân tôi, công ty tôi đã làm ảnh hưởng đến thời gian của mọi người; tôi chỉ mong một sự thỏa thuận với công ty Tân Đức trên các cơ sở pháp luật và ứng xử văn minh. Và tôi hoàn toàn không mong muốn sự việc nhỏ bé của mình làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt- Nhật được xây đắp mấy mươi năm nay. Mọi chuyện đã lớn lên ngoài ý muốn của tôi…”, lá thư viết.
Cách hành xử của những người Nhật Bản nói trên khiến nhiều người Việt có lòng tự trọng cảm thấy xấu hổ khi ở Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại thứ văn hóa trơ lì không biết nhận lỗi của rất nhiều người Việt, rất nhiều quan chức Việt.
Còn nhớ trong buổi thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 1/4/2016, ĐBQH Lê Như Tiến khi đó đã tỏ ra bất an khi người Việt tiết kiệm dùng từ “cảm ơn” hoặc “xin lỗi”, mà lại dư thừa bạo lực ở nơi công cộng.