Thứ hai, 03/08/2015 14:09 (GMT+7)
(ĐCSVN)- Mang tên nhà nông học nổi tiếng có nhiều đóng góp cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, Giải thưởng Lương Định Của đã trở thành phần thưởng cao quý của T. Ư Đoàn TNCS. Năm nay, tỉnh Hưng Yên có 4 thanh niên vinh dự được nhận giải thưởng này. Xin giới thiệu 2 thanh niên trong số 4 thanh niên tiểu biểu đó.
Anh Nguyễn Tiến Dũng hiện là Phó bí thư Đoàn xã Đình Cao, huyện Phù Cừ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2005, anh Dũng từng có thời gian làm công nhân ở Hải Phòng. Mưu sinh nơi đất khách quê người, anh Dũng nhận ra không đâu bằng quê hương mình nên đã quyết định về quê làm kinh tế trang trại. Hiện nay, anh Dũng đã có trong tay một trang trại tổng hợp rộng hơn 3 mẫu với gần 1000 con vịt đẻ, gần 100 lợn thịt, hơn 10 con lợn nái, 3 sào nhãn và gần 2 mẫu ao thả cá các loại. Nhờ đầu tư xây dựng chuồng trại cao ráo, sạch sẽ và tiêm vác-xin phòng bệnh đầy đủ nên đàn vật nuôi của anh đều tránh được các dịch bệnh. Anh Dũng cũng thường xuyên phải thuê 3 nhân công với mức lương 3,5 triệu/tháng. Trừ các chi phí, mỗi năm trang trại của anh thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Dũng còn là một cán bộ đoàn năng nổ.
Cũng từng mưu sinh nơi xứ người, anh Nguyễn Văn Tú ở đội 2 thôn Trung Hòa, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động nhận thấy mình có hứng thú với nghề trồng nấm. Anh quyết định rời bỏ công việc làm thuê để về nhà mở trang trại trồng nấm và chế biến các sản phẩm từ nấm.
Trang trại trồng nấm của anh Tú có diện tích hơn 1 mẫu chủ yếu trồng mộc nhĩ, nấm sò và nấm dược liệu, trong đó mặt hàng chủ lực là mộc nhĩ xuất khẩu. Bên cạnh đó, anh Tú còn cung cấp nguyên liệu cho các hộ trồng nấm khác ở trong vùng. Hiện nay, trang trại nấm và xưởng chế biến nguyên vật liệu của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức lương từ 3,5 đến 4 triệu đồng/ tháng. Vốn từng học ngành công nghiệp dân dụng, nay gắn bó với nghề làm nấm, anh Tú thấy cần phải cải tiến một số chi tiết của máy làm nấm hiện nay. Anh đã mạnh dạn mở xưởng cơ khí chế tạo máy và thiết bị phục vụ làm nấm, giải quyết việc làm cho 6 công nhân cơ khí ở địa phương. Từ các mô hình này, mỗi năm anh Tú thu lãi khoảng 600 triệu đồng.
Bằng việc phát huy sức trẻ, sáng tạo để làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các vùng quê, cả anh Tú và anh Dũng đều là những tấm gương sáng, xứng đáng để nhiều người học tậpnoi theo.